Những ánh lửa xua tan 'bóng đêm' đại dịch
Tôi hỏi: 'Có lúc nào các chị nản lòng, muốn bỏ ngang hay không?'. Phía sau tấm kính bảo hộ đã thấm đẫm mồ hôi và sương khuya, ánh mắt của những nữ y, bác sĩ ánh lên sự bền bỉ. Họ đáp lời: 'Dịch chưa hết là chưa buông'... Họ là những nữ y, bác sĩ trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, những nữ 'trụ cột' trong 'cuộc chiến' chống dịch đầy cam go.
Thương lắm những mong manh...
Ở khu lưu trú công nhân, khu chế xuất Linh Trung, TP Thủ Đức, hàng ngàn công nhân vừa đổ về thành phố sau những ngày nghỉ lễ. Trong số đó, có những người vừa trở về từ địa phương có ca bệnh COVID-19, nhiều người là F1 đang được cách ly tập trung, những người thuộc F2, F3 đang được cách ly theo dõi tại nhà. Hầu hết, những công nhân đang lưu trú tại đây đều sinh sống cùng người thân, làm việc trong môi trường đông đúc; trước khi phát hiện mình là F1, F2, họ đã tiếp xúc với nhiều người.
Tối muộn, một điểm lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng được dựng lên theo kiểu “dã chiến”. Y sĩ Vũ Thị Hoàng Oanh - Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế TP Thủ Đức trong bộ đồ bảo hộ chống dịch kín mít, nóng bức đang tất bật gộp mẫu, cắt mẫu xét nghiệm và bỏ vào ống. Mặc cho từng mồ hôi thấm ướt, chị thực hiện tất cả quy trình rất nhanh chóng, nhưng vẫn đảm bảo tỉ mẩn, nghiêm ngặt, độ chính xác đến tối đa.
Hơn 200 mẫu được lấy trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ, chị cùng ê kíp khoảng 10 người lại tất bật lên đường. Đoàn tiếp tục di chuyển đến một địa chỉ khác để lấy mẫu nhằm kịp chuyển mẫu về bệnh viện ngay trong đêm. Mẫu được lấy và chuyển đi càng sớm, địa phương sẽ nhanh chóng nhận được kết quả trả về. Những trường hợp dương tính sẽ được nhận diện càng sớm.
Ngành y tế khoanh vùng, truy vết, dập dịch càng nhanh và gọn, tiết kiệm thời gian, giảm hậu quả của dịch bệnh. Ngược lại, nếu phát hiện chậm trễ, phạm vi khoanh vùng truy vết rộng hơn, mất nhiều thời gian hơn để khống chế những mối nguy cơ. Bởi vậy, trong “cuộc chiến” chống dịch, những người lấy mẫu xét nghiệm được coi là “trụ cột”, giúp quá trình vận hành các quy trình chống dịch tiếp theo được thực hiện một cách nhanh, gọn, trúng đích.
Chị Oanh kể, những đợt dịch trước, chị và các nữ đồng nghiệp ít phải đi đêm đi hôm để lấy mẫu, vì sau giờ hành chính, nữ phải vướng bận nhiều với gia đình, con cái. Hiểu và cảm thông điều đó, những đồng nghiệp nam đã chủ động giành hết cực nhọc về mình.
Đợt này, dịch được đánh giá khó lường, mức độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, mọi công tác lấy mẫu phải đẩy lên cao độ, khẩn trương gấp nhiều lần hơn so với trước đây.
Ý thức được trách nhiệm của mình, chị và các đồng nghiệp nữ đã chủ động xin chia việc. Từ đầu năm đến nay, chị Oanh và những nữ đồng nghiệp như con thoi lao vào “chiến tuyến”. Đồng hành với những đồng nghiệp nam, họ trở thành những “trụ cột”, những “bông hồng thép” trong “cuộc chiến” chống dịch.
Hậu phương là điểm tựa
Chị Oanh kể, những ngày cao điểm, chị cùng các đồng nghiệp phải di chuyển liên tục, lấy mẫu tại 6 điểm hoặc nhiều hơn. Mỗi ngày lấy hàng ngàn mẫu. Có hôm về đến nhà đã rạng sáng, nhưng nhận được lệnh khẩn cấp có ca F1 phải lấy mẫu khẩn trước khi được chuyển đến khu cách ly tập trung, chưa kịp hồi sức chị lại tiếp tục lên đường vì trách nhiệm của một thành viên chống dịch.
Chị Oanh có 2 người con, trong đó người con nhỏ vừa học hết lớp 1. Cùng sống với vợ chồng chị có thêm người mẹ chồng đã bị tai biến. Nhiều năm trời, bà nằm liệt giường. Tất cả sinh hoạt của bà đều dựa hết vào chị. Mắt chị rưng rưng, từ ngày dịch bùng phát, chồng chị không chỉ là trụ cột trong gia đình mà kiêm luôn hậu phương, chia sẻ với chị từ chăm mẹ, chăm con.
Đợt dịch trước (năm 2020), suốt 41 ngày chị Oanh “trường kỳ” ở khu cách ly tập trung ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, chịu trách nhiệm chính về hậu cần chăm lo nhu yếu phẩm, ăn uống, vật tư hóa chất, khẩu trang, găng tay, sát khuẩn... cho hơn 7.000 người đang cách ly tập trung. Những lần ngủ với màn trời chiếu đất để nhường giường cho người cách ly, chồng chị đều biết, khiến anh càng thương chị hơn.
Đợt này, chị về nhà lúc hơn 12 giờ đêm, bơ phờ, mặt đầy những vết lằn, bậm máu, anh động viên và nhắc nhở chị không lờ là ăn uống, đủ sức để tiếp tục chống dịch. Sau lưng có hậu phương vững chắc là gia đình, người thân, chị càng bền lòng với nhiệm vụ được giao phó.
Những giọt mồ hôi thấm đẫm phía sau tấm kính bảo hộ của chị Hồ Thị Thanh Vân - Khoa xét nghiệm, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, ấy vậy chị vẫn miệt mài với việc nhập số liệu vào máy.
Chị Vân có con nhỏ mới 3 tuổi. Cuối năm 2020, khi các đồng nghiệp xông pha chống dịch thì chị bị hư thai, phải nằm viện dài ngày. Đợt này, chị không thể để mình đứng ngoài cuộc. Chị Vân nói, khoa Khoa xét nghiệm, Trung tâm y tế TP Thủ Đức chỉ có 8 nhân viên, trong đó có 4 nữ, ngoài một đồng nghiệp nữ đang mang thai thì cả 3 người còn lại đều xin tăng cường vào các nhóm, sát cánh với các đồng nghiệp nam để chống dịch. Cuộc chiến chống dịch không phân biệt nam hay nữ. Hiểu được những vất vả của vợ, chồng của chị cũng trở thành hậu phương, vừa làm cha, vừa làm mẹ để chị yên tâm chống dịch.
Mỗi ngày phải nhập hàng ngàn họ tên, địa chỉ, số mẫu của những người được lấy mẫu xét nghiệm, cường độ làm việc hết sức căng thẳng. Vất vả là thế, thế nhưng với chị Vân chưa hề nghĩ đến việc sẽ nản lòng, bỏ ngang. Mới đây, những lời động viện trong thư của Bộ trưởng gửi cán bộ toàn ngành đã tác động mạnh giúp chị và các đồng nghiệp càng bền lòng hơn, để vượt qua những khó khăn trước mắt .
Chị Vân nở nụ cười, nói: “Mỗi ngày phải di chuyển nhiều, cường độ làm việc căng thẳng nên ai cũng mệt lả, bơ phờ. Nhưng đến khi nhận được kết quả tất cả các mẫu đều âm tính, mọi người vui quá quên hết mệt nhọc, lại tiếp tục miệt mài đi vào các điểm nguy cơ khác”.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-anh-lua-xua-tan-bong-dem-dai-dich-n192674.html