Những 'anh nuôi' giữa biển buộc mình vào bếp

Sóng đánh đổ bàn ăn, bát đũa vỡ tan. Say sóng vật vã. Nhưng đến bữa vẫn phải đủ cơm dẻo canh ngọt, chưa kể giữa buổi còn phải nấu thêm cháo, súp cho những người say sóng không thể ăn cơm. Đó là công việc thường nhật của các 'anh nuôi' trên các tàu kiểm ngư, trong những chuyến ra Trường Sa, nhất là vào những chặng thời tiết xấu, biển động.

Bếp ở giữa trùng khơi

Thiếu tá Trần Đăng Khoa, sinh năm 1983, bếp trưởng tổ bếp tàu kiểm ngư 491 phụ trách đoàn số 9 ra thăm Trường Sa trong năm nay, hiểu rất rõ cái giá của một bữa cơm giữa biển. Để phục vụ hơn 200 người trong điều kiện lựa chọn có hạn, tổ bếp 18 người phải gồng mình suốt ngày đêm. Trong suốt hải trình đi Trường Sa, các bữa sáng thường có 4 món ăn, bữa trưa 5 món, bữa chiều có thời gian hơn nên có khoảng 10 món được chế biến cầu kỳ như: thịt gà quay, thịt lợn nướng, cá sốt cà chua, cá rán giòn, tôm tẩm bột rán, bò xào lăn, thịt dê nhúng mẻ…

Trên hải trình ra Trường Sa, các đoàn công tác đều phải sinh hoạt trên tàu. Quy trình làm ra những bữa ăn xa bờ đều phải gói gọn trên tàu, từ kho chứa, bảo quản đến chế biến, phục vụ Ảnh: Phạm Tiến

Trên hải trình ra Trường Sa, các đoàn công tác đều phải sinh hoạt trên tàu. Quy trình làm ra những bữa ăn xa bờ đều phải gói gọn trên tàu, từ kho chứa, bảo quản đến chế biến, phục vụ Ảnh: Phạm Tiến

3h30 sáng đèn phòng bếp bắt đầu bật, 23h30 đêm bếp trưởng mới được chợp mắt, mỗi ngày chỉ ngủ khoảng 4 tiếng đồng hồ. Anh nuôi “trùng tên với nhà thơ” nói rằng, thỉnh thoảng lại phải chạy ra boong “làm điếu thuốc” cho tỉnh táo, mỗi chuyến tàu về thể nào cũng “đơ đơ” vài ngày, thế nhưng có khi chưa kịp nghỉ ngơi lại sức đã phải xách ba lô lên đi tiếp.

Luôn tay luôn miệng, Trần Đăng Khoa thoăn thoắt đi lại trong “đại bản doanh” chỉ có hơn chục mét vuông dành riêng cho khu vực bếp trên tàu, vừa hướng dẫn người này lọc thịt, người kia thái rau vừa trực tiếp cầm muỗng nấu nướng trong những nồi quân dụng toàn hai ba mươi lít. “Anh em chỉ phụ việc sơ chế, còn tẩm ướp và nấu thì mình vẫn phải đứng chính. Khổ nhất ở đây là không được dùng bếp gas nên tốc độ nấu rất chậm. Ở đất liền tôi phụ trách ngày ba bữa cho hơn trăm con người sự vất vả so với ở đây chỉ bằng 1/20”.

Khoa kể anh từng học nghề bếp bằng cách đi phụ việc ở nhà hàng hải sản đầu cảng vùng 4, tự mở quán con cóc kiếm sống trước khi nhập ngũ. Nhưng cái cảnh làm bếp giữa biển động, mỗi lần sóng đánh ụp đổ cả bàn ăn, nồi canh úp vào người, bát đũa vỡ như ngói, thì dẫu dạn dày trên bờ cũng rất khó mà quen.

Có những lúc, khi tàu chòng chành dữ dội, mọi người phải buộc chặt nồi vào bếp, còn bếp trưởng thì tự buộc mình vào thành bếp để tiếp tục nấu. Ngày đầu tiên đi biển, sóng êm, chúng tôi nghe chuyện này giống như nghe một tiểu phẩm hài hước, nghĩ có khi ông bếp này nói quá lên. Cho đến ngày thứ ba, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, có những thời điểm sóng to cấp 4, cấp 5, tôi gần như không thể ra khỏi phòng do say sóng nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe từ phòng bếp ở phía đối diện vọng sang tiếng loảng xoảng của bát đĩa rơi vỡ. Lúc này mới thấm câu chuyện “buộc người vào bếp” hóa ra không phải là lời nói chơi.

Ba năm theo tàu, hàng chục chuyến ra Trường Sa, Trần Đăng Khoa chưa một lần được đặt chân lên các đảo nhỏ. “Đảo Trường Sa là nơi duy nhất tôi được lên vì ở đây cảng lớn, tàu cập bến sát đảo mà không phải ra vào bằng ca nô. Thời gian tôi lên bờ cũng là tranh thủ vào buổi tối, sau khi mọi việc ở bếp tạm ổn, và lúc này đại biểu đều đổ lên đảo để tham gia văn nghệ”.

Một người làm trăm việc

Ngoài việc đảm bảo một ngày bốn bữa với trung bình gần 40 món, với đầy đủ từ ngô, khoai, sắn luộc lót dạ giữa buổi đến đưa nước uống, kem đánh răng, giấy vệ sinh cho khách, tổ bếp còn kiêm luôn công việc quét dọn, rửa bát, khuân vác... Sau khi đại biểu ăn xong, người của tổ bếp phải quan sát món ăn nào còn dư nhiều, đồng thời tham khảo ý kiến để điều chỉnh món ăn hợp khẩu vị với số đông. Những khách bị say sóng không thể xuống phòng ăn, các anh nuôi sẽ nấu cháo, pha nước chanh đưa đến tận phòng nghỉ.

Thiếu tá thông tin Phạm Văn Mạnh cho biết: “Thành viên tổ bếp không phải là những người nấu bếp hay phục vụ chuyên nghiệp. Khi có các chuyến tàu đưa đại biểu đi công tác Trường Sa, anh em được trưng dụng từ nhiều bộ phận khác nhau, như: thợ kỹ thuật, thợ máy tàu, lái xe… lên tàu làm nhiệm vụ phục vụ đoàn. Tuy không ở cùng đơn vị, không được đào tạo kỹ năng nấu ăn, nhưng khi nhận nhiệm vụ, anh em coi nhau như người một nhà, người làm trước hướng dẫn, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho người làm sau”.

Đã có kinh nghiệm làm anh nuôi trên tàu hai năm, chiến sỹ Lâm Quốc Nhân, quê ở Bình Thuận chia sẻ: “Trong những ngày đầu tiên lên tàu, em cũng bị say sóng, tổ phục vụ đôi khi chỉ còn 3-4 người là đủ sức khỏe. Những anh em này phải làm công việc của tất cả những người còn lại nên vất vả lắm. Nhưng sau vài ngày thì chúng em cũng quen dần với điều kiện ở đây và cố gắng phụ giúp anh em”.

Trên tàu, ngoài thực đơn “cứng” đã được lên sẵn phương án, còn một lượng lớn đồ ăn “không có trong danh mục” do các đoàn đem theo để tổ bếp thêm vào bữa ăn, chiêu đãi mọi người. Trong bữa cơm trưa có gà rang gừng, cá chép om dưa, thịt xào súp lơ, nộm bê bóp thấu, cà bát xào lá lốt, canh mùng tơi nấu nghêu, một đại diện của tỉnh Yên Bái kể với tôi: lần này lên tàu chúng tôi mang theo cả dê, cầy hương, nhím, gà lôi… để các đoàn cùng có cơ hội thưởng thức đặc sản vùng núi. Những nguyên liệu tươi sống ấy, tùy ngày, tùy việc (ví dụ những tối làm tiệc chiêu đãi thì phải dùng nhiều món hơn), các anh nuôi phải phân chia hợp lý để dùng hết trong suốt hành trình cả chục ngày lênh đênh trên biển.

Bếp trưởng Trần Đăng Khoa có kinh nghiệm theo tàu 3 năm nhưng ngoài Trường Sa, anh chưa một lần được biết Cô Lin, Len Đao, Đá Tây... có hình dạng như thế nào, bởi những lúc đoàn lên đảo, anh đều phải trực canh ở bếp Ảnh: Vũ Linh

Bếp trưởng Trần Đăng Khoa có kinh nghiệm theo tàu 3 năm nhưng ngoài Trường Sa, anh chưa một lần được biết Cô Lin, Len Đao, Đá Tây... có hình dạng như thế nào, bởi những lúc đoàn lên đảo, anh đều phải trực canh ở bếp Ảnh: Vũ Linh

Thông thường, mỗi sáng, anh em tổ bếp nhận "đề bài" mới từ chỉ huy: hôm nay cần thêm những món gì, khẩu phần đặc biệt nào. Không báo trước. Không kế hoạch chi tiết. Họ phải “xoay xở nhanh như phản xạ của võ sĩ trên võ đài” để kịp ứng biến trong điều kiện có hạn ở trên tàu.

Vào những hôm thời tiết khắc nghiệt, biển động mạnh cấp 11, 12, từ bếp trưởng đến phụ bếp đều say sóng. Người nôn mửa, người xây xẩm, nhưng tay vẫn phải gọt rau, xào nấu, bưng bê. Có hôm đang ngồi ăn thì sóng quăng cả mâm cơm xuống đất, anh em phải ngồi bệt, dùng hai chân kẹp chặt nồi thức ăn mới tránh được cảnh “miếng ăn đến miệng còn thưa kiện”.

Sĩ quan thông tin, y tá, thợ máy... ai rảnh cũng lao xuống bếp nhặt rau, quét nhà, phụ bưng bê. Trong hoàn cảnh đặc biệt này, trên tàu không có ranh giới về chức vụ. Ai cũng hiểu: nếu bữa ăn không tròn, cả con tàu sẽ mệt mỏi thêm nhiều lần.

Trực tiếp chứng kiến công việc vất vả của anh em phục vụ trên tàu, ngay từ ngày đầu của chuyến đi, rất nhiều đại biểu đã tình nguyện xuống bếp cùng chia sẻ công việc với các anh nuôi. Họ thay phiên nhặt rau, rửa rau, rửa bát đĩa, chia thức ăn, dọn dẹp… để anh em đỡ vất vả hơn. Chị Nguyễn Thị Huế, thuộc Đoàn đại biểu tỉnh Vũng Tàu tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi đi công tác Trường Sa. Trước đó, tôi không nghĩ công việc “bếp núc” trên tàu đi biển vất vả thế này. Để mỗi ngày ba lần nghe thông báo: “Hiện tại đã tới giờ ăn cơm, kính mời thủ trưởng và đoàn công tác xuống nhà ăn để dùng cơm”, họ đã phải làm việc liên tục 18 - 20 giờ mỗi ngày... Tôi sẽ nhớ mãi chuyến đi này, nhớ mãi sự phục vụ ân cần của các anh em trong tổ bếp”.

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-anh-nuoi-giua-bien-buoc-minh-vao-bep-post1738024.tpo