Những 'anh nuôi' trên chuyến tàu đặc biệt

Hơn 600 cán bộ, chiến sĩ trên chuyến tàu SE65 từ Hà Nội vào Biên Hòa tham gia diễu binh dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng hành cùng họ là những "anh nuôi" - đội ngũ đầu bếp, nhân viên ngành đường sắt ngày đêm nấu từng suất cơm, bữa cháo.

Vinh dự theo tàu vào Nam

"Vất vả nhưng vui lắm! Tự hào và vinh dự khi được phục vụ các chú bộ đội trên suốt hành trình tàu vào Nam", chị Dương Minh Yến, Tổ trưởng Tổ dịch vụ 3, Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội chia sẻ.

Chị Dương Thị Yến và anh Nguyễn Quang Huy chuẩn bị bát đũa phục vụ hành khách.

Chị Dương Thị Yến và anh Nguyễn Quang Huy chuẩn bị bát đũa phục vụ hành khách.

Từ khi nhận lệnh phục vụ chuyến tàu đặc biệt SE65, chị Yến cùng tổ đã chuẩn bị kỹ lưỡng suốt nhiều tuần. Việc đảm bảo 3 bữa chính, 2 bữa phụ mỗi ngày cho hàng trăm người, tổng cộng hàng nghìn suất ăn trong điều kiện đặc biệt trên tàu, đòi hỏi tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm cao.

Tối 3/4, tàu SE65 rời ga Hà Nội lúc 22h30. Khi hành khách đã yên vị, tổ dịch vụ bắt đầu công việc: Luộc gà, gỡ thịt, ủ xôi. 1h sáng mới xong việc, 3h lại dậy chuẩn bị bữa sáng, đến 4h chia xôi, 5h30 mang đến tận từng toa cho bộ đội.

"Làm xong bữa sáng, lại bắt tay chuẩn bị bữa trưa. Anh em tranh thủ ăn vội, để kịp giờ. Phục vụ cả trăm suất ăn mà tổ chỉ có vài người nên phải thật khẩn trương.

Nồi cơm nào cũng cần nấu liên tục, hơn 10 nồi mới đủ. Có ngày từ 3h - 11h trưa, bếp đỏ lửa không nghỉ. Chưa kể chiên hơn 600 quả trứng ốp la, một người làm không xuể, phải thay phiên. May mắn là có các chiến sĩ trẻ hỗ trợ khâu chia cơm. Người gỡ hộp, người mang cơm đến các toa. Không khí rôm rả, quân - dân như người một nhà, mệt nhưng ai cũng vui", chị Yến chia sẻ.

Đứng "tấn" nấu ăn

Là đầu bếp chính, anh Nguyễn Quang Huy (quê Đồng Hới, Quảng Bình) không giấu được cảm xúc khi góp mặt trong hành trình ý nghĩa này. "Mỗi bữa xong là người rã rời, có lúc tôi không nuốt nổi cơm vì mệt. Nhưng tất cả mệt mỏi đều nhanh chóng tan biến, vì có phải khi nào cũng được phục vụ những vị khách đặc biệt như vậy đâu!", anh Huy nói.

Anh kể, trên tàu, bếp chật hẹp, xoong nồi lớn, trong khi chỉ có 5 bếp gas, hai bếp để nấu cơm, 3 bếp xào. Tàu lắc liên tục, khiến đầu bếp phải đứng "tấn", hai chân tì xuống sàn, còn người lắc theo tàu để giữ thăng bằng.

"Nấu ăn trên tàu cần kỹ năng đặc biệt. Sàn trơn, mỡ bắn, nước văng, rất dễ bỏng. Hồi mới vào nghề, tôi bị bỏng suốt, giờ có kinh nghiệm nên đỡ hơn", anh Huy chỉ vào những vết thâm nâu trên tay.

Khó nhất vẫn là nấu cơm. Nấu bằng bếp gas, nhưng tàu rung khiến nước trong nồi tràn ra ngoài, gạo bị lệch. Nếu không canh đều lửa, cơm sẽ chỗ sống, chỗ khê, trên sống dưới nhão. Vì vậy, suốt 45 phút nấu, đầu bếp phải đứng cạnh nồi, đảo đều, canh lửa liên tục.

"Phải nhìn hạt gạo để biết đã nở đều chưa, cần thêm hay bớt nước. Khi gần cạn mới điều chỉnh lửa, ủ cơm. Trong lúc đó vẫn phải tranh thủ quay sang nấu canh, xào rau…", anh chia sẻ.

Gian khổ nhưng vẫn yêu nghề

Không chỉ riêng chuyến tàu chở quân nhân, công việc hàng ngày của tổ phục vụ ăn uống trên tàu cũng luôn căng thẳng. Sáng 5h30 đã phải dậy để nấu bữa sáng, chuẩn bị đồ ăn bán trên toa khách như cháo gà, ngô luộc, xôi…

Anh Nguyễn Quang Huy nấu ăn trong khoang bếp chật hẹp, nóng bức.

Anh Nguyễn Quang Huy nấu ăn trong khoang bếp chật hẹp, nóng bức.

Sau giờ phục vụ lại tiếp tục chuẩn bị bữa trưa, đến trưa thì thu dọn, rửa bát đĩa, rồi lại chuẩn bị bữa chiều. Công việc quay vòng đến tận 22-23h đêm, nhiều hôm vẫn chưa được nghỉ vì còn khách ăn khuya.

"Có hôm khách ăn đến 23h, thậm chí 24h đêm. Chúng tôi chờ phục vụ, mà nghỉ cũng không yên vì ngủ luôn trên ghế toa ăn. Khách chưa xong, mình cũng chưa thể nghỉ", anh Trần Trọng Thủy, phụ bếp chia sẻ.

Mệt là thế, nhưng chị Yến cho biết, làm nghề 17 năm, lương tháng thấp điểm chỉ 6-7 triệu đồng. "Chồng tôi cũng làm trong ngành, là trưởng tàu an ninh. Vợ chồng như ông Ngâu bà Ngâu – người đi, người về suốt. May mà ông bà ngoại gần, hỗ trợ chăm con", chị nói.

"Khẩu vị mỗi người mỗi khác, lại đi khắp các vùng miền nên đôi khi bị khách than phiền. Nhưng được nhiều người hài lòng, cảm ơn là mừng lắm rồi", chị chia sẻ thêm.

Dù công việc vất vả, những "anh nuôi" vẫn yêu nghề, gắn bó với tàu như một phần cuộc sống. "Trước chỉ nghĩ làm đường sắt là được đi nhiều nơi. Sau này làm rồi mới thấy cực, nhưng lại gắn bó, yêu tàu, yêu đồng nghiệp như người thân. Đợt Covid-19 phải nghỉ đi tàu, thấy nhớ lắm", anh Huy tâm sự.

Kết thúc chuyến tàu SE65 an toàn, không ai gặp vấn đề sức khỏe do ăn uống, cả tổ phục vụ thở phào nhẹ nhõm. Với họ, đó là phần thưởng lớn nhất.

"Nếu có chuyến tàu đón đoàn quân trở ra Bắc sau lễ, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục phục vụ. Được góp một phần nhỏ bé vào hành trình lịch sử này, thật đáng tự hào", chị Yến nói với nụ cười rạng rỡ.

Tối 3/4, hàng nghìn quân nhân thuộc các khối diễu binh, diễu hành được cơ động ra ga Hà Nội để khởi hành vào miền Nam, chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Trong các ngày 3 - 4/4, hơn 3.200 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân hành quân trên 5 đoàn tàu. Trong đó, 4 đoàn tàu xuất phát từ ga Hà Nội và 1 đoàn tàu xuất phát từ ga Tam Kỳ (Quảng Nam), cùng đến ga Biên Hòa (Đồng Nai). Sau đó, các khối sẽ về đơn vị để tiếp tục luyện tập, hợp luyện.

Trước đó, tại buổi hợp luyện ngày 25/3, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ chưa đi máy bay, chưa biết miền Nam, nên phải bố trí cho mọi người khi vào bằng tàu hỏa nhưng khi ra bằng máy bay.

Khi hoàn thành nhiệm vụ diễu binh, diễu hành, các cơ quan, đơn vị tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đi thăm một số điểm ở TP.HCM.

Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước diễn ra trọng thể vào sáng 30/4 tại TP.HCM, với hơn 13.000 người tham gia. Phần diễu binh của 35 khối thuộc lực lượng vũ trang, công an do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp thực hiện. Phần diễu hành sẽ do TP.HCM đảm nhiệm.

Kỳ Nam

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/nhung-anh-nuoi-tren-chuyen-tau-dac-biet-192250501113723412.htm