Hành tỏi giúp thải độc, giảm mỡ gan... nhưng không phải ai cũng nên dùng hàng ngày
Hành tỏi từ lâu được biết đến như những 'thần dược' tự nhiên. Ngoài vai trò là gia vị quen thuộc trong gian bếp, chúng còn hỗ trợ thải độc, giảm mỡ gan, điều hòa mỡ máu và ngăn ngừa nhiều bệnh lý tim mạch.
Tuy nhiên, với một số người, đặc biệt là phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, việc sử dụng hành tỏi lại có thể trở thành "con dao hai lưỡi".

Hành tỏi từ lâu được biết đến như những "thần dược" tự nhiên.
Hành tỏi: Loại gia vị nhỏ mà có võ
Trong hành và tỏi chứa các hoạt chất quý như quercetin và allicin là những chất có khả năng kháng viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ. Nhờ đó, chúng hỗ trợ tích cực trong việc cải thiện các vấn đề về mỡ gan, mỡ máu hay ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Không chỉ vậy, hành tỏi còn góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch nhờ khả năng giảm viêm và hỗ trợ tuần hoàn máu ổn định.
Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích nổi bật này, không phải ai cũng phù hợp để sử dụng hành tỏi thường xuyên, nhất là những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm.

Trong hành và tỏi chứa các hoạt chất quý như quercetin và allicin là những chất có khả năng kháng viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ.
Nhóm người nên thận trọng khi sử dụng hành tỏi
Với phụ nữ tiền mãn kinh - nhóm dễ mắc hội chứng ruột kích thích (IBS), hành tỏi có thể trở thành tác nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Những biểu hiện phổ biến của IBS như đầy bụng, khó tiêu, chướng hơi, rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng từng cơn có thể trở nên nặng nề hơn nếu cơ thể không xử lý tốt thành phần Fructan có trong hành tỏi.
Fructan là một loại tinh bột thuộc nhóm thực phẩm FODMAP, vốn dễ lên men trong ruột già, sinh ra khí và gây đầy bụng, khó chịu. Khi đi vào đại tràng, Fructan không được hấp thụ sẽ bị hệ vi khuẩn chuyển hóa, tạo ra hydro và metan là hai loại khí khiến người bệnh IBS khó chịu hơn.

Phụ nữ tiền mãn kinh nên hạn chế hành tỏi.
Do đó, những người mắc hội chứng ruột kích thích hoặc thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa nên cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa hành tỏi vào thực đơn hàng ngày. Dù thi thoảng sử dụng 1–2 tép tỏi nhỏ không gây ảnh hưởng lớn, nhưng dùng thường xuyên với liều lượng lớn nhằm mục đích cải thiện mỡ gan, mỡ máu lại có thể gây phản tác dụng.
Đặc biệt, phụ nữ tiền mãn kinh có tiền sử rối loạn tiêu hóa càng nên chú ý hạn chế hành tỏi và tìm kiếm những giải pháp thay thế phù hợp hơn.
Tóm lại, hành tỏi tuy nhỏ bé nhưng lại mang đến rất nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy vậy, với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm hoặc mắc hội chứng ruột kích thích, việc sử dụng hàng ngày cần có sự cân nhắc. Hiểu rõ cơ địa và lựa chọn cách dùng hợp lý chính là chìa khóa để hành tỏi thực sự trở thành người bạn đồng hành lý tưởng cho sức khỏe.