Những ánh sao trên biển. Bài 2: Những 'cột mốc sống' giữa trùng khơi
Vừa bám biển đánh bắt hải sản phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhiều đảng viên, ngư dân từng khoác áo lính được ví như những 'cột mốc sống' giữa trùng khơi. Họ chính là 'tai', 'mắt' của lực lượng chức năng để góp sức giữ yên vùng biển của Tổ quốc.
* Những ánh sao trên biển. Bài 1: Giữ trọn lời thề với biển
Lòng chỉ yên khi biển lặng
Gắn bó với biển, phần lớn ngư dân đã quá quen với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Họ thường bảo nhau, chưa nếm trải giông lốc, bão tố thì chưa phải là ngư dân. Thế nhưng, “cơn bão” đáng lo nhất đối với ngư dân không đến từ thiên nhiên mà là các thế lực thù địch, phản động. Ở khơi xa, thậm chí ngay trên vùng biển Quảng Trị, tình trạng tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, thăm dò tài nguyên, khai thác hải sản, lấn át ngư trường… vẫn “nóng”. Các đối tượng trộm cắp ngư lưới cụ, đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, xung điện, giã cào… có nơi, có lúc táo tợn, ngang nhiên.
Mới đây nhất, ngư dân Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng rất bức xúc khi Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông kéo dài 3,5 tháng từ ngày 1/5/2021. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 120 vĩ Bắc, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và một phần Vịnh Bắc Bộ. Bác bỏ lệnh cấm vô lý bằng việc vươn khơi ở khu vực kể trên, một số tàu của ngư dân Quảng Trị đã bị các tàu nước ngoài dọa dẫm, xua đuổi, tìm cách áp sát để làm hư hỏng phương tiện, ngư lưới cụ… Thực tế trên như một lời nhắc nhủ rằng, biển quê hương vẫn chưa yên ả và còn rất cần sự góp sức của ngư dân.
Đối diện nhiều khó khăn, thử thách, điều đáng quý là các đảng viên, ngư dân từng là người lính trên địa bàn không rời biển, họ quyết tâm góp tiếng nói, hành động để đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, phản động. Mỗi người một cách làm riêng nhưng các đảng viên, ngư dân là cựu chiến binh gặp nhau ở điểm chung là kiên quyết bám biển và tình nguyện làm “tai”, “mắt” của lực lượng chức năng. Chỉ khi biển lặng, lòng họ mới yên.
“Làm ngư dân phải góp sức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”
Là chủ tàu, có tháng, cựu chiến binh Hồ Văn Thu lênh đênh trên tàu nhiều hơn ở nhà. Từ khi còn là một cậu bé, ông Thu đã theo cha đi biển. Năm 1988, khi Trung Quốc có những động thái gây hấn trên biển, khoác màu áo lính hải quân, ông đã cùng đồng đội cầm chắc cây súng bảo vệ Trường Sa. Thời điểm ấy, tình yêu và quyết tâm giữ biển, đảo của Tổ quốc càng rực cháy trong trái tim ông Thu. Đó cũng chính là lý do thôi thúc ông trở lại với nghề biển, chung tay xây dựng và được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tự quản tàu thuyền an toàn Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh.
Nhiều năm bám biển, ông Hồ Văn Thu cũng như gần 160 thành viên Tổ tự quản tàu thuyền an toàn Khu phố 2 luôn tự nhủ mình là ngư dân phải góp sức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, bên cạnh lao động, họ ý thức cao việc bảo vệ chủ quyền biển trên biển. “Biển cho chúng tôi tôm, cá. Vì thế, chúng tôi bảo vệ biển cũng là bảo vệ mình. Ngày trước, việc ngư dân góp sức bảo vệ chủ quyền còn rời rạc nên còn lo lắng nhưng giờ đây, nhờ có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, nỗi lo trong lòng chúng tôi đã tan biến”, ông Thu bộc bạch.
Ở huyện Vĩnh Linh, Tổ tự quản tàu thuyền an toàn thị trấn Cửa Tùng có số lượng tàu thuyền và thành viên tham gia lớn nhất gồm 50 chiếc tàu, thuyền lớn với khoảng 400 thành viên. Đứng đầu tổ tự quản là ông Phan Thanh An, một người lính hải quân năm xưa. Ông An cho biết, tổ thành lập năm 2015, ngay sau khi Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” ra đời. Tham gia tổ, ông An và các thành viên khác đều tự hào khi trở thành một phần trong tập thể vững mạnh trên biển, vừa sản xuất, vừa bảo vệ chủ quyền. Ông An kể: “Khi gặp tàu thuyền xâm phạm chủ quyền hay các đối tượng thù địch, phản động, chúng tôi đều báo ngay cho lực lượng chức năng. Trong một số tình huống, thành viên của tổ tự quản liên kết lại để đẩy đuổi”.
Tiếp bước những người lính năm xưa, như nhiều đảng viên trẻ từng có thời gian rèn luyện trong quân ngũ khác, anh Nguyễn Văn Long, trú tại thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong góp sức bảo vệ chủ quyền bằng cách duy trì những chuyến biển xa, nơi tuy không giàu cá tôm nhưng các thế lực thù địch, phản động thường nhòm ngó. “Mỗi năm, tôi có 4 chuyến đến những “điểm nóng” trên biển. Có chuyến trở về, trừ các chi phí ra, lợi nhuận chẳng còn là bao. Thế nhưng, tôi vẫn đi. Đôi khi, mình phải hy sinh lợi ích kinh tế vì một thứ lớn lao hơn”, anh Long cho biết.
“Tai”, “mắt” trên biển
Theo chân Thiếu tá Trần Minh Cường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt đến thăm một số tổ tự quản tàu thuyền an toàn, vừa đi, anh vừa chia sẻ, toàn huyện Gio Linh hiện có 13 tổ tự quản tàu thuyền an toàn với khoảng 352 tàu, 808 thành viên. Từ năm 2009, có 5 chủ tàu đã tình nguyện ký kết sẵn sàng thông báo kịp thời những thông tin cho lực lượng chức năng và tham gia đấu tranh chính trị trên biển khi có tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền nước ta. “Đến giờ, hầu như tất cả các chủ tàu, ngư dân đều tình nguyện làm “tai”, “mắt” của bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng khác”, Thiếu tá Cường chia sẻ.
Thiếu tá Trần Minh Cường cho biết thêm, không chỉ bà con miền biển Gio Linh mà nhiều ngư dân, đặc biệt là các đảng viên, người từng khoác áo lính ở các huyện: Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đều tình nguyện làm “tai”, “mắt” cho lực lượng chức năng, trong đó có bộ đội biên phòng. Mỗi người đều có một hành động riêng để góp sức bảo vệ chủ quyền. Việc đầu tiên của họ chính là vượt mọi khó khăn, thử thách để vươn khơi, bám biển. Dẫu không ít lần bị tàu của các thế lực thù địch, phản động gây hấn, thậm chí làm hư hại phương tiện, ngư lưới cụ nhưng ngư dân vẫn kiên quyết bám ngư trường. Nhiều người xem mỗi chuyến biển là một chuyến tuần tra. Giữa mênh mông sóng nước, không chỉ tập trung lao động để có cá nặng, lưới đầy, họ còn chú ý theo dõi tình hình ngư trường. Ngoài thông tin nhanh cho lực lượng chức năng, một số tàu của ngư dân còn tham gia đẩy đuổi tàu vi phạm lãnh hải.
Từ năm 2015 - 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện 2.458 lượt tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền khu vực gần đảo Cồn Cỏ để đánh bắt hải sản. Phần lớn những thông tin về tàu cá xâm phạm do ngư dân trên địa bàn cung cấp. Từ nguồn tin của bà con, lực lượng chức năng truy đuổi, bắt giữ, lập biên bản, xử lý nhiều tàu xâm phạm chủ quyền. Sự liên kết bền chặt giữa lực lượng chức năng và ngư dân khiến các thế lực phản động, thù địch cũng phải chùn bước.
Trong quá trình đi thực tế để viết loạt bài, nhiều nhân vật mà chúng tôi phỏng vấn đều tự nhận mình là “cột mốc sống” trên biển. Họ bảo, với ngư dân, biển khơi chính ngôi nhà. Vì vậy, bà con trở thành những “cột mốc sống” để bảo vệ ngôi nhà của mình. Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao trước mọi bão táp, phong ba do thiên nhiên hay thế lực phản động, thù địch gây ra, các đảng viên, những người từng khoác áo lính và ngư dân chân chất khác vẫn vững chí, bền gan, kiên cường trên biển.
Trương Quang Hiệp
Bài 3: Điểm tựa nơi đầu sóng