Những 'bà đỡ di động' vùng biên

Vì nhiều lý do, không ít sản phụ người dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Việt - Lào (Quảng Bình) không đến được trạm y tế để sinh con. Ðể xử lý tình huống hiểm nguy cận kề, những y bác sĩ ở trạm y tế của các xã miền núi phải băng rừng, vượt suối bất cứ lúc nào đến tận nhà đỡ đẻ cho sản phụ.

Các y bác sĩ ở Trạm Y tế xã Dân Hóa chăm sóc sức khỏe cho sản phụ đến sinh con ở trạm

"Ở Trạm Y tế xã Dân Hóa có một thứ luôn được kiểm tra hằng ngày và luôn trong tư thế sẵn sàng, đó là bộ đồ nghề và thuốc men phục vụ cho việc hộ sinh. Chỉ cần nhận được thông tin có sản phụ đang chuyển dạ ở nhà là chúng tôi lập tức lên đường. Bạn bè, đồng nghiệp rồi người dân thường gọi vui chúng tôi là những “bà đỡ di động” - bác sĩ Cao Xuân Tiêm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, bắt đầu câu chuyện.

Với sản phụ Hồ Thị Lan ở bản Tà Rà, các y bác sỹ ở Trạm Y tế xã Dân Hóa là ân nhân của gia đình, khi họ không quản ngại hiểm nguy, vượt dòng lũ dữ, kịp thời giúp đỡ chị Lan sinh nở an toàn. “Lúc đó là khoảng 7 giờ sáng ngày 18/10/2020, em bắt đầu đau bụng, chuyển dạ muốn sinh con. Thời điểm đó trời mưa rất lớn, nước lũ ở thượng nguồn sông Gianh dâng cao, cô lập bản Tà Rà với bên ngoài. Chồng em điện thoại cho các y bác sĩ ở Trạm Y tế Dân Hóa và rất lo lắng vì nước lũ đã chia cắt mất con đường đến bản, không biết các y bác sĩ có đến được hay không nữa. Vậy mà, sau gần 2 giờ đồng hồ, bác sĩ Tiêm cùng với một điều dưỡng nữa đã đến giúp em “vượt cạn” an toàn”, chị Lan kể.

Bác sỹ Tiêm chia sẻ, ở Dân Hóa, hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số nên vẫn còn nhiều hủ tục, đặc biệt là trong việc sinh đẻ. Sản phụ không có thói quen khám thai hay đến trạm y tế để sinh đẻ. Thường khi sản phụ nguy kịch thì người nhà mới báo cho trạm y tế. Nên dù ngày hay đêm, mưa hay nắng…, khi nhận tin báo có sản phụ chuyển dạ sinh con ở nhà là các y bác sĩ phải ngay lập tức lên đường. Nhiều bản làng xa xôi, xe máy không đi được, những lương y ở đây phải cuốc bộ hàng giờ đồng hồ để đến với những sản phụ đang “ngàn cân treo sợi tóc”.

Đêm 9/3/2021, chị Hồ Thị Phai (19 tuổi) ở bản Ôốc chuyển dạ, sinh đứa con đầu lòng. Trước đó 2 ngày, chị Phai đã đau bụng râm ran, nhưng gia đình vẫn không chịu đưa chị đến trạm y tế. Chỉ đến khi sản phụ Phai vỡ ối, người bắt đầu kiệt sức, thì gia đình mới gọi điện đến trạm y tế, lúc đó đã 12 giờ đêm.

Trực ở Trạm Y tế xã Dân Hóa lúc đó là bác sỹ Hồ Văn Khăm và nữ hộ sinh Đinh Thị Mai Tuyết. Trong đêm tối, hai lương y chỉ kịp cầm lấy hộp đồ nghề, băng rừng, lội suối chạy đến bản Ôốc. Khi đến nơi, sản phụ Phai đang trong tình trạng hết sức nguy kịch, hai lương y đã phải vận dụng hết khả năng của mình để giúp chị Phai “vượt cạn”. Khi đứa bé gái khóc oe oe trên tay của nữ hộ sinh cũng là lúc người mẹ ngất lịm vì kiệt sức.

Theo bác sĩ Tiêm, sống ở vùng biên giới còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nên nhận thức về hôn nhân gia đình và sức khỏe sinh sản của người dân nơi đây vẫn còn rất kém. Nhiều cặp vợ chồng tảo hôn, người mẹ đang trong độ tuổi vị thành niên, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản; nhiều đứa trẻ đã suy dinh dưỡng ngay từ trong bào thai, dẫn đến chuyện sinh đẻ gặp nhiều rủi ro.

Bác sỹ Tiêm cho biết, bây giờ, mỗi lần sinh đẻ, đồng bào người Khùa, người Mày ở xã Dân Hóa biết tìm đến các cơ sở y tế để “vượt cạn” cho an toàn. Để có được thành quả tưởng chừng rất đỗi bình thường này, hàng chục năm qua, các y bác sỹ, bộ đội biên phòng và cán bộ xã ở đây không biết bao lần lặn lội về các bản, làng xa xôi nhất để tuyên truyền cho đồng bào hiểu về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Hoàng Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-ba-do-di-dong-vung-bien-post1386797.tpo