Những 'bà giáo' truyền lửa cho trò
Với giáo viên trẻ, việc dạy online không hề đơn giản. Điều này còn khó khăn gấp bội với những cô giáo ở độ tuổi trên 50.
Tập dạy trực tuyến
2 năm học gần đây bị gián đoạn bởi dịch bệnh, giáo viên phải nỗ lực khắc phục khó khăn trong dạy học trực tuyến để chuyển tải đầy đủ kiến thức cho học trò. Để tiếp cận công nghệ, nhiều giáo viên lớn tuổi phải nhờ đến sự trợ giúp của đồng nghiệp trẻ, nỗ lực học hỏi để quen dần với những thao tác trên phần mềm dạy học.
Cô Nguyễn Thị Viên - giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) đã có gần 30 năm đứng trên bục giảng. Năm 2020, khi nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến, cô và các giáo viên trong trường đã tự học hỏi, vượt khó để thực hiện thuần thục việc dạy học qua phần mềm Zoom.
Lạ lẫm, lo lắng là cảm xúc của cô Viên khi lần đầu dạy học trực tuyến. Nhiều câu hỏi được cô đặt ra như: Học trực tuyến có đạt hiệu quả không, làm thế nào để các con hứng thú với bài học; học sinh không mệt mỏi khi nhìn máy tính trong thời gian dài. Với học sinh lớp 1 cô làm chủ nhiệm, làm thế nào để các con quen với việc học trực tuyến khi không thể đến trường?
Cùng với đó là việc nâng cao kiến thức công nghệ, nhất là khi tuổi đã cao. Dù phong trào ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học được nhà trường triển khai từ nhiều năm nay nhưng dạy học trực tuyến lại là lĩnh vực hoàn toàn mới. Các kĩ năng sử dụng phần mềm, phương pháp sư phạm chưa có nhiều trong sách vở mà phần lớn do tự học, truyền tai nhau.
Những khó khăn về đường truyền, thiết bị cũng là rào cản không nhỏ với giáo viên lớn tuổi. Đang dạy học, đường truyền bất ngờ bị lỗi, giáo viên không thể đăng nhập vào phòng học, nhiều khi còn quên cả mật khẩu truy cập. Vấn đề ngoại ngữ cũng là trở ngại khi phần mềm Zoom không hỗ trợ tiếng Việt, lạ lẫm khi lần đầu tiếp xúc.
Nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp, cô Nguyễn Thị Viên quen dần với phần mềm. Kết hợp với kinh nghiệm dạy học gần 30 năm, cô đã tạo ra những bài học trực tuyến sinh động, hấp dẫn, giúp các em có những bài học bổ ích, hiệu quả không kém giờ dạy trực tiếp trên lớp. Phần mềm Zoom đã trở thành công cụ không thể thiếu, hỗ trợ cô rất nhiều trong việc dạy học.
Mặc dù tuổi cao nhưng cô Nguyễn Thị Thu Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Sơn (Hải Dương) sử dụng khá thành thạo CNTT trong dạy học trực tuyến. Cô Thủy cho biết: Tuy tuổi cao nhưng tôi không có tư tưởng phó mặc mà luôn cố gắng tiếp cận, làm chủ công nghệ. Lúc đầu triển khai dạy học trực tuyến, phần lớn giáo viên cao tuổi đều lo lắng, e ngại. Song khi bắt tay vào thực hiện, tôi thấy việc này không khó, chỉ cần cố gắng sẽ làm được.
“Đồng nghiệp trẻ chỉ mất 40 - 45 phút là dạy xong một tiết học trực tuyến nhưng tôi phải mất ít nhất 60 phút. Lắm lúc cảm thấy mỏi mắt, đau đầu nhưng tự dặn lòng phải cố gắng. Và mọi thứ dần trở nên quen, sử dụng công nghệ không khó như mình từng lo lắng”, cô Thủy nói thêm.
Hỗ trợ giáo viên tiếp cận công nghệ
Để dạy học trực tuyến diễn ra thuận lợi, các trường đều quan tâm hỗ trợ giáo viên, nhất là những người lớn tuổi, ít tiếp cận CNTT. Các trường đều thành lập tổ, nhóm CNTT cơ động, gồm những người am hiểu, thành thạo sử dụng thiết bị, máy móc. Các thành viên này sẽ hướng dẫn giáo viên cài đặt phần mềm, lập tài khoản, các thao tác trong dạy học trực tuyến.
Cô Ngô Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Với tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, tập thể giáo viên nhà trường đã tích cực chuẩn bị hành trang cho các em học tập trong tình hình mới. Dạy học trực tuyến sẽ là nhiệm vụ chính đối với các thầy cô giáo trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay.
Để dạy học trực tuyến ngày một hiệu quả, nhà trường thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn online để giáo viên trao đổi những khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm dạy học. Chuyên đề đã tháo gỡ được khó khăn về việc giới hạn thời gian một tiết dạy của phần mềm Zoom, giúp tiết học không bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, nhà trường tiến hành dự giờ chuyên đề qua các tiết học trực tuyến, giúp giáo viên có thêm hiểu biết nâng cao trình độ CNTT, từ đó có thể tổ chức thành thạo các tiết học online. Đặc biệt, với giáo viên lớn tuổi, nhà trường luôn tạo điều kiện để các cô có thể sử dụng phần mềm, nỗ lực đưa kiến thức, bài giảng đến từng học sinh thông qua phương tiện CNTT.
Dịch Covid-19 xuất hiện, Trường THCS Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã chuyển sang trạng thái làm việc online. Thay cho những phiên họp trực tiếp, cô Hiệu trưởng Đinh Thị Anh Đào đã làm quen với cách làm việc trực tuyến và các phần mềm hỗ trợ.
Mở máy tính, tạo phòng họp, phổ biến thông tin về tình hình dịch bệnh và triển khai hoạt động chuyên môn cùng giáo viên... những công việc trước kia có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giờ đây đều được nhà giáo bước qua tuổi 50 thực hiện nhanh chóng theo một cách khác biệt.
Ở tuổi ngoài 50, việc học thêm một thứ mới không đơn giản. Nhưng với trách nhiệm của người đứng đầu hội đồng sư phạm, tôi đã chủ động tìm hiểu các phần mềm giảng dạy trực tuyến, tổ chức các cuộc họp bằng hình thức online; đồng thời giúp các đồng nghiệp triển khai hiệu quả kế hoạch dạy học online qua phần mềm Zoom. - Cô Đinh Thị Anh Đào
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/nhung-ba-giao-truyen-lua-cho-tro-kml3l7eMg.html