Những bài học kinh nghiệm về y tế từ cơn bão số 3
Vai trò của y tế tại chỗ, có phương án chủ động với nhiều tình huống, đẩy mạnh chuyển đổi số trong khám chữa bệnh và phối hợp nhịp nhàng trong hỗ trợ chuyên môn cho y tế tuyến cơ sở… là những bài học kinh nghiệm được rút ra từ cơn bão số 3.
Trao đổi với phóng viên, TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ, qua cơn bão số 3 vừa rồi, lực lượng ngành y tế đã có thêm bài học kinh nghiệm quý báu trong việc chủ động chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân vùng bị thiên tai.
Trước tiên, đó là nhấn mạnh vai trò của ngành y tế theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ, thuốc men tại chỗ, điều trị tại chỗ.
Thứ hai là phải có các phương án chủ động với mọi tình huống, bao gồm cả tình huống xấu nhất. Tại một số địa bàn chúng ta vẫn đang phải tiếp tục nỗ lực để tiếp cận người dân cả về y tế và cứu trợ.
Thứ ba là ngành y tế phải đẩy mạnh và nhanh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng Telemedicine để kịp và hiệu quả thời hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.
Thứ tư, điều phối và phối hợp nhịp nhàng giữa các bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương trong hỗ trợ chuyên môn cũng như tiếp nhận bệnh nhân nặng chuyển lên. Các bệnh viện tuyến Trung ương như BV Bạch Mai, BV Hữu Nghị Việt Đức, BV Đại học Y Hà Nội… đều có các đội cán bộ y tế ứng trực sẵn sàng chi viện ngay hoặc hỗ trợ chuyên môn từ xa cho các bệnh viện tuyến dưới.
Trong thời gian vừa qua, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đã và đang hỗ trợ các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hội chẩn trực tuyến và thống nhất phương án điều trị cho nhiều người dân bị ảnh hưởng do bão lũ, đồng thời chủ động tiếp nhận các bệnh nhân nặng từ các địa phương bị bão lũ chuyển đến.
Thiên tai đa dạng vùng miền, phải ứng phó khác nhau
Cũng theo TS Hà Anh Đức, cùng một cơn bão nhưng lại có các tác động khác nhau giữa các địa phương; giữa miền núi và đồng bằng. Vì vậy, mỗi nơi cần có ứng phó phù hợp. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu của ngành y.
"Đối với lực lượng y tế, bài học kinh nghiệm đặt ra trong thiên tai sẽ là các tình huống xảy ra khác nhau, mặt bệnh khác nhau. Vì vậy, việc chuẩn bị từ cơ số thuốc cho đến các dụng cụ phẫu thuật, tiểu phẫu…cũng khác nhau. Ví dụ thiên tai do cơn bão số 3 gây ra thì cần tập trung vào ngoại khoa", Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng phải tính đến các tình huống khác nhau để ứng phó kịp thời. Chẳng hạn, trong thời gian xảy ra bão lũ vừa rồi, có bệnh viện tỉnh bị cô lập 3 ngày, mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc nhưng khi được hỗ trợ máy phát điện thì lại không có dầu, bệnh nhân cần chuyển vào bệnh viện nhưng chưa có xuồng…
"Đây là bài học sâu sắc được rút ra từ trận bão này", TS Hà Anh Đức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, đại diện Bộ Y tế cho rằng, ngoài những thiệt hại do thiên tai gây ra trực tiếp, không thể lường trước, thì công tác cấp cứu người bệnh tại các địa phương và thông qua hệ thống Telemedicine với bệnh viện tuyến Trung ương trong thời gian bão lũ vẫn được đảm bảo, phục vụ người dân.
Trước đó, ngay khi có thông báo về bão lũ, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong tổ chức các tổ ứng trực với bão lũ, xây dựng các kế hoạch để huy động các nguồn nhân lực tham gia, xây dựng các tổ ứng trực của Trung ương để hỗ trợ địa phương…
Được biết, sau cuộc họp ngày 12/9 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp tại 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo đơn vị chức năng xuất cấp cho mỗi tỉnh này 2 tấn CloramB, sau đó cấp tiếp 100.000 viên Aquatabs để ngay lập tức đảm bảo nguồn nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý môi trường y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và đưa ra những khuyến cáo kịp thời, đồng thời có những hướng dẫn cho người dân về xử lý nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng của mưa lũ.