Những bài học lịch sử giá trị của việc giải phóng Thủ đô Paris

Sau cuộc đổ bộ quy mô lớn nhất trong lịch sử lên Normandy, việc giải phóng Thủ đô Paris của nước Pháp - thành phố được mệnh danh là 'kinh đô ánh sáng' đã ghi những dấu ấn quan trọng đánh bại phát xít Đức, giúp chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai.

80 năm ngày giải phóng Thủ đô Paris

Nước Pháp vào ngày 25-8 đã tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm, diễu binh và kéo cờ tại tháp Eiffel nhân kỷ niệm 80 năm Ngày giải phóng Thủ đô Paris khỏi ách cai trị của Đức quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tổng thống Emmanuel Macron đã chủ trì buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Pháp Gabriel Attal, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo.

Quân Pháp và Đồng minh tiến vào giải phóng Thủ đô Paris 80 năm trước

Quân Pháp và Đồng minh tiến vào giải phóng Thủ đô Paris 80 năm trước

Trước đó, sáng cùng ngày, quốc kỳ Pháp đã được kéo lên dưới chân tháp Eiffel để tưởng nhớ những người lính cứu hỏa đã hạ lá cờ Đức quốc xã để thay thế bằng lá cờ Pháp vào 80 năm trước. Các sự kiện kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô Paris diễn ra trong ngày 25-8 là cao trào của các hoạt động kỷ niệm tại Paris và vùng phụ cận, kéo dài theo đúng một tuần chiến đấu trong năm 1944 trước khi quân Đức đầu hàng vào 80 năm trước.

Chiến dịch giải phóng Thủ đô Paris, còn gọi là trận Paris, được mở sau khoảng 2 tháng kể từ ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy của nước Pháp đối diện với Eo biển Manche vào ngày 6-6-1944. Đó là cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử khi hơn 150.000 quân đồng minh đã đồng loạt đổ bộ lên bãi biển Normandy bằng cả đường biển và đường không.

Chiến dịch đổ bộ này đã giúp chính thức thiết lập mặt trận phía Tây, kết hợp với mặt trận phía Đông do Liên Xô trước đây dẫn đầu tạo nên gọng kìm cô lập quân đội Đức quốc xã. Chưa đầy 1 năm sau cuộc đổ bộ, Đức quốc xã bị đánh bại, châu Âu được giải phóng hoàn toàn khỏi hiểm họa phát xít.

Trước đó, thủ đô Pháp phải chịu ách cai trị của Đức quốc xã từ tháng 6-1940 khi quân đội Đức chiếm miền Bắc và Tây Pháp trong Trận chiến nước Pháp. Chính phủ Pháp hợp tác với Đức Quốc xã do Thống chế Philippe Pétain đứng đầu được dựng lên từ tháng 7-1940 đến tháng 8-1944 cho đến khi thủ đô Paris được giải phóng.

Các lực lượng kháng chiến Pháp dưới sự lãnh đạo của Tướng Charles De Gaulle đã tiến hành các hoạt động chiến đấu chống quân Đức Quốc xã. Và cuộc đổ bộ lên bãi biển Normandy, hay còn gọi là cuộc đổ bộ D-Day vào ngày 6-6-1944 đã thay đổi cục diện chiến tranh ở phía Tây khi quân Đồng minh tiến quân đổ bộ lên Normandy và tiến xa hơn tới các vùng đất khác do Đức chiếm đóng tại khu vực phía Tây châu châu Âu.

Trong khi quân đồng minh tiến gần về Thủ đô Paris, người dân Paris đã bắt đầu nổi dậy chống lại Đức Quốc xã từ ngày 19-8-1944, nhưng quân đội Đức đã tiến hành đàn áp. Tuy nhiên, Sư đoàn Thiết giáp số 2 của Pháp do Tướng Philippe Leclerc de Hautecloque chỉ huy đã cùng với quân đội Mỹ tiến đánh vào Paris ngày 25-8-1944 và buộc quân Đức phải đầu hàng, chấm dứt hơn 1.500 ngày bị Đức quốc xã chiếm đóng. Một ngày sau Paris được giải phóng, quân Đồng minh khải hoàn tiến vào thành phố vào ngày 26-8-1944. Tướng Charles De Gaulle ngay sau đó đã tái cơ cấu Chính phủ Pháp. Nhà lãnh đạo kháng chiến Pháp đã tổ chức lễ diễu binh chiến thắng cùng với lực lượng Kháng chiến quân Pháp và quân Mỹ từ Khải Hoàn môn xuống điện Elyseés.

Hàng năm, để kỷ niệm sự kiện Thủ đô Paris được giải phóng, tại Paris đã tổ chức cuộc diễu hành mô phỏng theo một trong những hành trình của sư đoàn Pháp từ phía Nam đến trung tâm thành phố. Buổi diễu hành có sự tham gia của các phương tiện quân sự thời chiến, diễn ra dưới sự chứng kiến của những cựu binh trong Sư đoàn Thiết giáp số 2.

Vẹn nguyên “kinh đô ánh sáng”

Đối với quân Đồng minh do Mỹ đứng đầu, trận chiến giải phóng thủ đô Paris có ý nghĩa lịch sử. Nhiều người châu Âu coi sự kiện này là một bước ngoặt quan trọng cho cuộc chiến chống phát xít Đức tại châu lục này. Họ cho rằng việc giải phóng thủ đô Paris mở ra sự kết thúc cho cuộc chiến tranh giải phóng nước Pháp khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã, đồng thời khẳng định thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch Normandy của phe Đồng minh.

Được xem là đỉnh cao thắng lợi cho cuộc tiến công nước Pháp của quân lực Đồng minh, chiến dịch giải phóng thủ đô Paris cũng đánh dấu cho việc kết thúc sự chiếm đóng của Đức Quốc xã trên đất Pháp, đồng thời là dấu chấm hết cho chính phủ bù nhìn, tái lập nền Cộng hòa tại nước Pháp. Thắng lợi này của quân Đồng minh còn được xem như là một biểu trưng cho sự sụp đổ hoàn toàn của quân đội Đức Quốc xã tại nước Pháp nói riêng và phía Tây châu Âu nói chung. Cùng với những chiến thắng to lớn của quân đội Xô Viết tại mặt trận phía Đông đã đi tới thắng lợi cuối cùng trước Đức Quốc xã hơn một năm sau đó, vào ngày 9-5-1945 lịch sử, khi lá cờ Chiến thắng được các chiến sĩ Hồng Quân cắm lên nóc Tòa nhà Quốc hội Đức quốc xã.

Đáng chú ý là trải qua lần bị quân đội Phát xít Đức tràn vào hồi tháng 6-1940 và chiến dịch giải phóng vào tháng 8-1944 nhưng thủ đô Paris của nước Pháp vẫn hầu như còn nguyện vẹn. Thành phố được xem là “kinh đô ánh sáng” này đã không bị hư hại nghiêm trọng, thậm chí bị tàn phá nặng nề, trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai như nhiều thành phố lớn khác ở châu Âu.

Vào tháng 8-1944, khi liên tiếp hứng chịu thất bại trong các cuộc chiến ác liệt với quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy, nhận thấy không thể tiếp tục chiếm đóng, kiểm soát thủ đô Paris, trùm phát xít Hitler nhà độc tài Hitler quyết định thực hiện chiến thuật “tiêu thổ”. Hitler bổ nhiệm Tướng Dietrich von Choltitz làm Thống đốc Paris. Nhiệm vụ giao cho Dietrich von Choltitz là giám sát quá trình hủy diệt Paris bằng vài tấn chất nổ, biến thủ đô nước Pháp thành bình địa khiến quân Đồng minh tổn thất lớn nếu tiến vào thành phố này.

Trên thực tế, khi quân Đồng minh tiến đánh nhiều thành phố từng bị Đức quốc xã chiếm đóng thì mọi thứ đã bị phá hủy nặng nề, chỉ còn lại đống đổ nát sau khi quân Phát xít rút lui. Trong khi đó, Tướng Dietrich von Choltitz là nhân vật khét tiếng với việc phá hủy các thành phố của đối phương, nên viên tướng phát xít Đức này còn có biệt danh “kẻ phá hủy các thành phố”.

Ngay khi Dietrich von Choltitz đảm nhiệm làm Thống đốc Paris ngày 9-8-1944, Hitler liên tục nhắc lại mệnh lệnh: “Không được để thành phố này rơi vào tay kẻ thù nếu chưa biến nó thành bình địa”. Đến ngày 16-8, Hitler ra lệnh cho nhiều đơn vị, cơ quan Đức quốc xã rút khỏi Paris để cho nổ tung thành phố này. Thế nhưng, Dietrich von Choltitz đã trì hoãn không cho kích nổ bất kỳ khối thuốc nổ nào. Thậm chí, đến ngày 23-8, Dietrich von Choltitz còn nói dối rằng, việc phá hủy Paris đã bắt đầu được thực hiện.

Nhờ hành động làm trái mệnh lệnh Hitler của Tướng Dietrich von Choltitz, quân kháng chiến Pháp và lực lượng Đồng minh đã ngăn chặn kế hoạch hủy diệt Paris của trùm Đức quốc xã. Khi quân Đồng minh tràn vào Paris, Dietrich von Choltitz và khoảng 20.000 quân Đức đã đầu hàng.

Dietrich von Choltitz sau đó bị giam ở Trent Park - nhà tù dành cho sĩ quan cao cấp Đức quốc xã tại thủ đô London của Anh, rồi chuyển đến trại Clinton, bang Mississippi, Mỹ. Dietrich von Choltitz được thả tự do năm 1947 và qua đời năm 1966 trong một bệnh viện ở thành phố Baden, Đức. Tang lễ ông Dietrich von Choltitz có sự tham gia của các sĩ quan quân đội Pháp vì những gì ông đã làm để bảo vệ thành phố của họ. Theo các sử gia, hành động đầu hàng và không phá hủy thủ đô Paris của Dietrich von Choltitz xuất phát từ tình yêu sâu đậm của ông với vẻ đẹp kiến trúc, lịch sử và văn hóa của thành phố để không nỡ biến “kinh đô ánh sáng” này thành bình địa.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-bai-hoc-lich-su-gia-tri-cua-viec-giai-phong-thu-do-paris-post587321.antd