Những bài học trong giành chính quyền ở Hải Dương

Cách mạng Tháng Tám thành công đã để lại cho Đảng bộ và nhân dân Hải Dương những bài học quý báu, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và khởi nghĩa giành chính quyền.

Mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945 tại thị xã Hải Dương (ảnh trên tư liệu).

Mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945 tại thị xã Hải Dương (ảnh trên tư liệu).

Kiên trì xây dựng lực lượng

Trong quá trình chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương, do thực hiện tốt công tác vận động quần chúng nên các tổ chức Đảng, Đảng bộ Hải Dương đã tập hợp được đông đảo quần chúng tham gia phong trào đấu tranh với những nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng thời điểm cách mạng. Từ hình thức tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ những năm 1929-1930 đến các tổ chức Tương tế, Ái hữu trong cao trào Mặt trận dân chủ 1936-1939, mạnh mẽ hơn là các Hội phản đế 1940-1941 đến Mặt trận Việt Minh và Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng cho quá trình giác ngộ, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh giành thắng lợi của Đảng bộ.

Trong nghệ thuật chỉ đạo cách mạng, bạo lực cách mạng được sử dụng thích hợp, là sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa đòi quyền lợi kinh tế với đòi quyền lợi chính trị; kết hợp giữa nổi dậy của quần chúng với tiến công của lực lượng vũ trang ở nông thôn và thành thị, trong đó đòn quyết định là các cuộc nổi dậy ở tỉnh lỵ và các huyện lỵ. Đó là hình thái vận động có sáng tạo của khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở tỉnh nhà.

Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Dương đi từ khởi nghĩa từng phần bằng khởi nghĩa giành chính quyền ở vài huyện lỵ rồi kết hợp nổi dậy cướp chính quyền giữa tỉnh lỵ và các huyện lỵ, cuối cùng kết thúc quá trình khởi nghĩa ở các thôn, xã. Tỉnh ủy chỉ đạo hình thức, nội dung đấu tranh phù hợp, giải quyết bằng các phương pháp trực tiếp, khi cần thì đối thoại trực tiếp để tránh xảy ra đổ máu không cần thiết. Đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang nhưng trong tình hình thực tiễn ở Hải Dương, đấu tranh chính trị là chính vì lúc này kẻ thù đã hoang mang, tan rã, lực lượng cách mạng đang ở thế áp đảo kẻ thù. Thắng lợi đó là kết quả của phương pháp tổ chức, phát động quần chúng nhằm tạo ra sức mạnh to lớn cho cách mạng và cách thức sử dụng lực lượng cách mạng thích hợp.

Đình Đông ở xã Thanh Tùng (Thanh Miện) - nơi Tỉnh ủy Hải Dương đã họp từ ngày 13-15.8.1945 quyết định phát động khởi nghĩa giành chính quyền

Đình Đông ở xã Thanh Tùng (Thanh Miện) - nơi Tỉnh ủy Hải Dương đã họp từ ngày 13-15.8.1945 quyết định phát động khởi nghĩa giành chính quyền

Chớp thời cơ mau lẹ

Bài học kinh nghiệm thứ hai đó là lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, chủ động, mau lẹ chớp thời cơ, dũng cảm phát động nhân dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Hải Dương đã lợi dụng mâu thuẫn giữa thực dân Pháp với phát xít Nhật và bọn tay sai phong kiến ở địa phương; mâu thuẫn trong hàng ngũ ngụy quyền, ngụy quân, các hạng tay sai của Pháp và Nhật; mâu thuẫn giữa thổ phỉ với phát xít Nhật. Kết quả là, lực lượng cách mạng được củng cố, bọn thực dân, phát xít và bọn tay sai bị cô lập cao độ. Lực lượng cách mạng đã tranh thủ hoặc trung lập những phần tử "lừng chừng", lôi kéo, phân hóa, giác ngộ binh lính, quan lại trong chính quyền địch, góp phần giảm bớt những trở ngại và hy sinh, tạo ra yếu tố khách quan cho cách mạng thành công nhanh gọn.

Thực tế trong cao trào kháng Nhật cứu nước, tình hình ở các huyện phía bắc, nhất là vùng Chí Linh, Đông Triều khá phức tạp. Lực lượng của ta cùng một lúc phải đối phó với phát xít Nhật cùng bọn phản động tay sai và thổ phỉ. Trong tình thế đó, ta linh hoạt tạm hòa hoãn với phỉ để tập trung chống Nhật nên đã đẩy Nhật và phỉ đến chỗ xung đột gay gắt, khiến cho lực lượng địch thêm suy yếu.

Tình thế của Cách mạng Tháng Tám đến trong toàn quốc nhưng với từng địa phương lại có những đặc điểm riêng và điều kiện cụ thể. Tuy lực lượng vũ trang của ta chưa mạnh nhưng đầu tháng 6.1945, nhận thấy chỗ suy yếu của địch và tương quan sức mạnh của quần chúng có lợi cho ta, Tỉnh ủy đã kiên quyết phát động khởi nghĩa đánh đồn, lập chiến khu. Trong những ngày trung tuần tháng 8.1945, tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương nhưng nắm được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Tỉnh ủy kịp thời tạm ngừng hội nghị, phân công cán bộ về các địa phương để chuẩn bị khởi nghĩa. Về tới địa phương, tuy chưa có lệnh khởi nghĩa của tỉnh, song thời cơ đến, cán bộ, đảng viên ở nhiều huyện đã chủ động lãnh đạo quần chúng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Đối với thị xã Hải Dương, ngày 17.8.1945 là cơ hội "ngàn năm có một". Sau khi Nhật đầu hàng, chính quyền tay sai định tổ chức một cuộc mít tinh lớn để ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Đó là thời cơ tốt nhất cho khởi nghĩa giành chính quyền. Mặc dù chưa nhận lệnh của trên nhưng do vận dụng sáng tạo Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" ngày 12.3.1945 của Trung ương Đảng nên Hải Dương đã phát động nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở tỉnh lỵ Hải Dương vào chiều 17.8.1945. Nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ, khoa học và hành động dũng cảm, mau lẹ, kịp thời nên khởi nghĩa đã thắng lợi một cách nhanh gọn, không đổ máu.

Cuộc khởi nghĩa ở Hải Dương diễn ra đều khắp ở các phủ, tỉnh lỵ và trở thành 1 trong 4 tỉnh giành chính quyền sớm nhất toàn quốc.

Chú trọng xây dựng, bảo vệ Đảng

Bài học thứ ba là Đảng bộ Hải Dương thường xuyên củng cố, phát triển cơ sở, đi đôi với việc đề cao cảnh giác, bảo vệ tổ chức của Đảng, đoàn kết nhất trí, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, đảng viên một lòng phấn đấu vì lợi ích của giai cấp, dân tộc. Thực tiễn Cách mạng Tháng Tám ở Hải Dương cho thấy trong hoàn cảnh đấu tranh gay go, phức tạp, phải đương đầu với kẻ thù hung bạo, Đảng chỉ có thể tồn tại và duy trì được sự tồn tại của mình khi biết khắc phục mọi khó khăn, thường xuyên củng cố, phát triển lực lượng sâu rộng trong quần chúng nhân dân; không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, tôn trọng triệt để nguyên tắc bí mật và có kế hoạch chống dịch khi bị khủng bố.

Do điều kiện xã hội của Hải Dương nên đa số đảng viên xuất thân từ thành phần phi vô sản. Vì vậy, việc phát triển Đảng trong công nhân và nông dân để cải tạo thành phần trong Đảng có ý nghĩa chính trị sâu sắc, bảo đảm tính chất giai cấp, tính chất tiên phong của Đảng và làm cho Đảng trở thành một Đảng quần chúng thực sự vững mạnh.

Xây dựng Đảng về mặt tổ chức song phải rất chú ý về mặt tư tưởng, bảo đảm sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp, toàn diện trên cơ sở đường lối chính sách của Đảng.

6 ngày, Tổng khởi nghĩa thắng lợi

Chỉ trong vòng 6 ngày từ 17-22.8.1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Dương đã hoàn thành thắng lợi. Ngày 17.8.1945, huyện Cẩm Giàng khởi nghĩa thành công, mở đầu cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Dương. Cùng ngày, huyện Kim Thành, Kinh Môn và thị xã Hải Dương cũng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Ngày 18.8, 2 huyện Bình Giang, Thanh Miện giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 19.8, 2 huyện Gia Lộc, Nam Sách cũng khởi nghĩa thành công. Ngày 20.8, Ban lãnh đạo khởi nghĩa liên huyện Ninh Giang - Vĩnh Bảo lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa thắng lợi. Ngày 22.8, cách mạng thành công ở 2 huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ. Riêng ở huyện Đông Triều, sau khởi nghĩa thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo ngày 8.6.1945, Ủy ban Quân sự cách mạng chiến khu được thành lập và ra hoạt động công khai, chính quyền địch hoàn toàn tan rã; Ủy ban Nhân dân cách mạng huyện cũng được thành lập trong cao trào Tổng khởi nghĩa.

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương tập 1(1930-1945)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xay-dung-dang---chinh-quyen/nhung-bai-hoc-trong-gianh-chinh-quyen-o-hai-duong-178503