Những bãi soi dần biến mất...
Phải mất hàng trăm, hàng nghìn năm, phù sa sông mới bồi đắp lên những bãi soi trù phú, tốt tươi. Thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn, nhiều bãi soi đã biến mất, để lại dấu hỏi lớn cho dư luận.
Chảy máu tài nguyên
5 năm nay, người dân ở xã Trường Thành (Thanh Hà) vẫn chưa thể nguôi ngoai chuyện về bãi soi Ngọc Điểm. Khi được hỏi về bãi soi này, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm rồi buông câu “mất hết rồi”. Đứng ở đê tả sông Thái Bình nhìn xuống, dù là khoảng cách khá xa nhưng vẫn có thể thấy rõ được mất mát to lớn của soi Ngọc Điểm. Bờ soi thoai thoải không còn mà thay vào đó là những điểm sạt tụt nguy hiểm. Thỉnh thoảng, tàu thuyền chạy qua, sóng vỗ vào bờ làm cho một lượng đất, cát trôi theo dòng nước.
Trước kia, bãi soi Ngọc Điểm được giao cho người dân canh tác. Mặc dù đi lại khó khăn song nông dân vẫn gắn bó với bãi soi này vì đất đai ở đây màu mỡ, cây trồng phát triển thuận lợi. Cuối năm 2012, UBND tỉnh quyết định giao cho Công ty TNHH Đồng Anh (TP Hải Dương) thực hiện dự án khai thác lộ thiên mỏ đất, cát, lấy vật liệu phục vụ thi công đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Theo kế hoạch, dự án được chia thành 5 giai đoạn với diện tích cấp phép khai thác tại khu vực xã Trường Thành gần 18 ha. Công ty có trách nhiệm hỗ trợ tiền đất và bồi thường hoa màu cho người dân theo từng giai đoạn. Mặc dù vậy, công ty mới thực hiện hỗ trợ tiền đất xong giai đoạn 1, bồi thường hoa màu đến giai đoạn 4 thì đất đã mất quá giai đoạn 5. Công ty phủ nhận việc khai thác những giai đoạn tiếp theo và cho rằng việc thất thoát tài nguyên là do thiên tai và “cát tặc”. Chính vì thế, đến nay dù đã qua nhiều năm nhưng người dân có đất bị mất vẫn chưa nhận được hỗ trợ cũng như câu trả lời rõ ràng từ phía công ty và cơ quan chức năng.
Ông Luyên, người thôn Ngọc Điểm làm nghề chài lưới lâu năm dẫn chúng tôi "mục sở thị" để thấy rõ được sự mất mát của bãi soi mà theo ông nguyên nhân chủ yếu là do con người. Ông kể ngày trước soi rộng lắm và không xa cách với bờ đê như bây giờ. Chèo thuyền tay chỉ dăm phút đã tới nơi, còn giờ dù đã đi thuyền máy mà vẫn cảm thấy xa xôi, cách trở. Theo nghề đánh cá đã lâu, ông thuộc nằm lòng từng ngóc ngách ở bãi soi. Mới hôm trước, ông còn đánh dấu từng gốc cây, bụi cỏ để buộc thuyền thì hôm sau đã mất dấu. Dừng thuyền giữa lòng sông rộng, ông Luyên bần thần nói: "Ngày xưa, vị trí này chính là nơi gia đình tôi trồng cói vậy mà bây giờ mênh mông nước. Ngày ấy nếu như chúng tôi quyết tâm giữ đất thì đã không đến cơ sự này. Tiền còn làm ra được nhưng đất đã mất thì biết tìm lại ở đâu?"
Bãi soi Cộng Hòa giờ đây cũng chỉ còn lại trong ký ức của người dân thôn Tường Vu, xã Cộng Hòa (Kim Thành). Ngày trước, bãi soi với những dải đất màu mỡ, uốn lượn giữa lòng sông Rạng. Người dân nơi đây thường gọi là soi Non để phân biệt với soi Già ven bờ sông. Dưới bàn tay chăm bẵm của 20 hộ dân, soi Non mang lại hiệu quả kinh tế không kém gì soi Già. Đi lại, canh tác ở soi Non khó khăn nhưng người dân nơi đây vẫn gắn bó bền chặt với phần đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng này. Một số hộ vẫn muốn bám trụ ở bãi soi để vừa trông nom, vừa kiếm thêm thu nhập từ việc trồng chuối. Nhưng hiện nay, bãi soi đã gần như bị xóa sổ, chỉ còn lại mỏm đất nhỏ.
Một người dân giấu tên bồi hồi nhớ lại: "Ngày bé, vào mùa nước cạn, tôi hay cùng đám bạn men theo soi Non để sang đất Thanh Hà, vậy mà nay bãi soi đã biến mất khiến tôi không khỏi xót xa. Khoảng 4 năm trước, khi thấy "cát tặc" ngày đêm lùng sục lòng sông làm bãi soi sạt lở, tôi đã chủ động xin xã được đấu thầu để trồng cỏ nuôi bò nhưng không được đồng ý. Sau đó lại nghe thấy có doanh nghiệp muốn thuê đất bãi soi để canh tác rau sạch mà mãi không thấy triển khai. Diện tích bãi soi ngày một hẹp dần vì nạn khai thác cát. Tôi đã cùng vài hộ dân canh tác tìm cách đuổi "cát tặc" song lực bất tòng tâm".
Ai nhận trách nhiệm?
Đất bãi soi ngày một mất dần còn cơ quan chức năng vẫn loay hoay xử lý. Nhiều buổi xác minh, nhiều cuộc họp bàn đã diễn ra với nhiều văn bản, giấy tờ được ban hành nhưng người dân vẫn chưa nhận được lời giải thích thỏa đáng. Trong khi quyền lợi của người dân vẫn bị bỏ qua thì nhiều bãi soi đang ngày một méo mó, biến dạng rồi chìm nghỉm dưới lòng sông.
Lật giở từng trang tài liệu liên quan đến bãi soi Ngọc Điểm, ông Nguyễn Doãn Sang, Chủ tịch UBND xã Trường Thành thẳng thắn thừa nhận nếu như có sự phối hợp tốt hơn giữa các cấp, các ngành thì bãi soi Ngọc Điểm đã không bị "xẻ thịt" tan hoang như hiện tại. Theo ông Sang, khi dự án đã được cấp phép, địa phương không nghi ngờ về hoạt động khai thác bãi soi. Khi người dân phản ánh những bất thường của bãi soi vì tàu khai thác hoạt động ngày đêm, kể cả ngày nghỉ thì xã cũng đã kiến nghị với cấp trên để sớm ngăn chặn tình trạng này. Đến lúc sự việc được làm sáng tỏ thì đã muộn, công ty không thừa nhận trách nhiệm mà viện cớ do thiên tai, "cát tặc" bào mòn bãi soi. Còn lợi ích chính đáng của người dân, cơ sở thì sao? "Là chính quyền cơ sở, sâu sát với người dân, chính chúng tôi cũng cảm thấy mất niềm tin. Chuyện này đã kéo dài bao năm mà vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Tiền hỗ trợ cho người dân rất cần nhưng điều cấp bách hiện nay là quản lý diện tích đất bãi soi còn lại như thế nào. Chúng tôi chỉ có nguyện vọng, nếu công ty không còn nhu cầu khai thác thì phải xử lý triệt để những vướng mắc và giao lại đất cho xã", ông Sang bày tỏ.
Bãi soi Cộng Hòa (Kim Thành) bị "cát tặc" rút ruột chỉ còn lại mỏm đất nhỏ (2 ảnh chụp cách nhau gần 1 tháng)
Khi bãi soi Cộng Hòa gần như mất dấu trong lòng sông Rạng khiến người dân bức xúc thì chính quyền các cấp vẫn đang đi tìm nguyên nhân và cách khắc phục. Một người dân ở thôn Tường Vu có đất ngoài bãi soi không giấu nổi sự tiếc nuối xen lẫn bức xúc: "Khi một số hộ không còn canh tác tại bãi soi, tôi đã xin thêm đất để trồng chuối. Sau đó, có doanh nghiệp muốn thuê đất sản xuất rau sạch, tôi cũng chấp nhận nhận 5 triệu đồng tiền đền bù cây cối trên đất. Giờ rau sạch không thấy đâu mà đất thì mất hết".
Lý giải về việc bãi soi Cộng Hòa bị sạt lở gần như mất toàn bộ, ông Đào Quang Thảnh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết bãi soi này là phần đất bồi nhỏ giữa sông có diện tích khoảng 5.000 m2 do người dân tự khai phá nên xã không quản lý, không thu lợi tức. Tại đây cũng đã xảy ra trường hợp người dân bị chết đuối khi sang bãi soi canh tác. Nhiều hộ cũng đã bỏ đất, không còn thiết tha với bãi soi này. Do đó, khi có doanh nghiệp muốn thuê đất sản xuất, xã đã vận động các hộ còn lại đồng ý để tránh những bất trắc. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực tế, vì điều kiện đất đai không phù hợp nên công ty đã không thực hiện dự án. Cũng trong thời gian này, tại khu vực bãi soi xuất hiện nhiều tàu khai thác cát trái phép. Vì lực lượng của xã mỏng, lại không có phương tiện nên xã chỉ biết tuần tra, báo cáo lên cấp trên chứ không làm được gì hơn.
Bãi soi thường là đặc trưng tự nhiên của vùng hạ lưu sông được phù sa từ thượng nguồn bồi tích. Việc khai thác, sử dụng bất hợp lý nguồn đất bãi soi sẽ gây ra hậu quả khó lường cho mai sau. Và thực tế cho thấy, ở hầu hết những bãi soi bị xâm phạm đều đã xảy ra sự cố về đê điều. Câu nói của người phụ nữ trung niên bế đứa cháu nhỏ đứng ở bờ đê sông Thái Bình khi chỉ đường cho chúng tôi tìm tới bãi soi Ngọc Điểm đã để lại bao ám ảnh, day dứt: "Con cháu ngày một đông, còn đất đai lại mất dần. Ai sẽ phải gánh chịu cho nghịch lý này?".
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/nhung-bai-soi-dan-bien-mat-111108