Những bàn chân lặng lẽ khắp nẻo rừng Pù Mát
Cuối tháng 9, từ Hà Nội, chúng tôi có chuyến công tác vào Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Những người chúng tôi gặp đầu tiên chính là Đội Bảo vệ rừng, hay còn gọi là Đội Antipoaching - biệt đội lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam để hỗ trợ tích cực cho lực lượng kiểm lâm. Dưới tán rừng, Nguyễn Hữu Trung kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện. Trung là người điều phối hoạt động của Đội, chịu trách nhiệm lên kế hoạch và phối hợp với kiểm lâm viên triển khai các tuyến tuần tra, truy quét bảo vệ rừng và kịp thời ngăn chặn cũng như gỡ bỏ các loại bẫy, lán trại khai thác động thực vật tại VQG Pù Mát.
Trung người gầy nhẳng nhưng đi rừng nhanh như một con sóc. Như một lẽ tự nhiên, bất cứ chuyện gì Trung kể cũng liên quan đến rừng. Với Trung hay bất cứ ai trong Đội và các cán bộ kiểm lâm, thì cuộc sống của họ là ở rừng, tầm mắt, suy nghĩ, hơi thở đều gắn với rừng. Anh em ở đây, hầu hết đều học ngành lâm nghiệp, làm đúng ngành đúng nghề. Có lẽ, có sự lựa chọn từ trước nên họ về với rừng trong trạng thái tinh thần bình thản, không băn khoăn, tính toán.
Trung sinh năm 1994, học ngành quản lý tài nguyên rừng - Đại học Lâm nghiệp. Năm 2017 ra trường thì đến tháng 6-2018, Trung vào VQG Pù Mát phỏng vấn và trải qua các bài sát hạch. Trở thành một trong những người tham gia Đội từ ngày thành lập, sau nhiều đợt tập huấn chuyên sâu, ngày 11/6/2018, Trung cùng 6 anh em nữa bước vào chuyến đi rừng đầu tiên, quyết tâm cùng lực lượng kiểm lâm bảo vệ VQG Pù Mát trở thành nơi an toàn cho các loài động vật hoang dã.
Trước chuyến đi, mẹ Trung lo cho con trai lắm, cứ dặn đi dặn lại vào rừng phải cẩn thận không thú dữ tấn công. Nhớ lời mẹ dặn, Trung tưởng tượng ra cảnh rừng đầy muông thú, hổ báo, trâu bò, hươu nai sống thành bầy đàn vô số kể. Nhưng, càng vào sâu trong rừng, Trung càng vỡ lẽ ra rằng rừng không nhiều muông thú như Trung tưởng. Rừng buồn lặng, chỉ có bẫy là như thiên la địa võng giăng khắp nơi. Những cái bẫy làm từ dây thép phanh xe âm thầm chờ chực, chỉ cần một con thú chạm vào là bị giật treo lên cao. Những cảnh tượng đau lòng đập vào mắt những người đi rừng: một con chồn bạc má đã chết cứng trong tư thế treo lơ lửng. Lợn, cầy chết khô trong khi chân, cổ vẫn bị siết bẫy mà người đi bẫy quên không đến lấy mang về. Nhiều anh em không dám nhìn vào những đống xương động vật sau khi bị lấy thịt chất đầy hốc cây. Đi đâu cũng gặp lán trại của những người vào rừng bẫy thú. Nếu không vào lõi rừng, có lẽ khó mà hình dung được rằng rừng đang bị thảm sát khủng khiếp đến thế.
Chứng kiến những sự sống nhỏ bé đang chết dần chết mòn trong rừng, nghĩ đến cảnh bàn nhậu đầy thịt rừng, những thực khách đang nuốt chửng sự sống còn sót lại của các loài sắp tuyệt chủng, cả nhóm bàng hoàng, lao vào gỡ bẫy, phá lán trại.
Mới đó mà đã hơn 4 năm. Bước chân của Trung và các thành viên trong Đội đã in dấu khắp các nẻo rừng Pù Mát. Kinh nghiệm đi rừng không thể có trong ngày một ngày hai, mà tích dần qua mỗi chuyến đi. Bây giờ, số lượng thành viên của Đội ở Pù Mát đã là 15 người. Họ tách nhau ra, kết hợp với cán bộ kiểm lâm của 11 trạm và 4 chốt quản lý bảo vệ rừng thuộc VQG Pù Mát để tuần tra rừng. Họ làm việc không biết mệt mỏi, mỗi tháng ngủ rừng 15-20 ngày trong điều kiện không có điện, không nước sạch, không Internet, không sóng điện thoại, không trò chơi giải trí hiện đại. Ở rừng thường xuyên thiếu thức ăn nhưng họ tuyệt đối không sử dụng động vật hoang dã, kể cả sản phẩm tịch thu được.
Ngày đầu, nhiều người từng hoài nghi khi nhìn những thanh niên 8-9X ấy, liệu họ có đảm nhận nổi công việc vô cùng gian truân này nơi rừng thiêng nước độc? Liệu họ có sẵn sàng gắn thanh xuân của cuộc đời dưới tán rừng, không chỉ một năm, hai năm, mà nhiều hơn thế? Liệu họ có thấy nhàm chán mà bỏ giữa chừng? Đến bây giờ, sức dẻo dai và tinh thần thép của cả Đội đã được thử lửa.
Khi chúng tôi có mặt ở Con Cuông, cũng là lúc Lộc Văn Tạo - chàng trai dân tộc Thái cùng các cán bộ kiểm lâm ở Trạm Quản lý bảo vệ rừng Phà Lài vừa trong rừng ra, kết thúc chuyến tuần tra rừng gần một tuần. Tạo tính bộc trực, thẳng thắn như cây rừng. Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ chàng trai sinh năm 1991 này là người khô khan. Nhưng không, Tạo dí dỏm, nhiều ý tưởng, nấu ăn trong rừng rất tài.
Tạo bảo, đợt đi này là một chuyến tuần tra rừng đẫm nước mưa. Mà đi rừng khổ nhất là lúc gặp mưa, lại toàn mưa đêm. Cả đêm phấp phỏng canh mưa để chạy lũ. Mái lều căng lên, nước nhỏ giọt tong tong, rừng đêm tối thẫm, gió ào ào như muốn thổi bay tất cả. Tạo không nhớ bao nhiêu trận lũ đã trải qua. Mùa lũ mà đi qua suối thì cực khổ vô cùng. Nước chảy siết, sâu ngập đầu người, cảm giác chới với, vật lộn, vừa lo cho tính mạng, vừa lo trôi chiếc gùi sau lưng.
Bao giờ cũng vậy, trước ngày đi rừng, anh em lại chuẩn bị đồ đạc lên đường. Ngoài quần áo cá nhân, mỗi người chia nhau mang xoong nồi, gạo, thức ăn dự trữ, tăng, võng. Đi dài ngày, nên không hề có sự lựa chọn về thực phẩm. Ngoài cá khô, muối vừng, thì chỉ còn cách ướp những miếng thịt vào trong lọ muối để chống thiu. Mỗi lần ăn, đem thịt luộc đi luộc lại mà vẫn không hết mặn. Bao nhiêu ngày đi rừng thì dự tính mua bấy nhiêu ngày gạo và mua thừa ra một ngày. Đến ngày về mà còn gạo sẽ đem giấu trong rừng, phòng trường hợp đột xuất thì vẫn có lương thực.
Quần áo dài tay, tất chân dài để giảm thiểu sự "hỏi thăm" của lũ vắt và ruồi vàng. Và đôi dép rọ bộ đội là không thể thiếu. Có điều thú vị mà chúng tôi nhận thấy, anh em gắn với đôi dép này trong mọi địa hình, ngay cả lúc ra khỏi rừng, trở về nhà, như đã quen chân. Đã từng thử qua các loại ba lô đi rừng, nhưng đều không thích hợp. Anh em học kinh nghiệm của người dân làm gùi từ bao tải có lót bên trong túi bóng tylen. Đây có lẽ là chiếc gùi đơn giản nhất, rẻ nhất, an toàn nhất và di chuyển dễ dàng. Qua suối, gùi là chiếc phao mà không sợ bị thấm nước, không sợ bị chìm. Gùi có thể là cái gối ngủ trưa dọc đường vào những ngày nắng chói chang. Khi đã mang gùi trên vai, 2 tay có thể cầm, nắm leo trèo, tháo bẫy thú linh hoạt.
Tạo quê ở huyện Tương Dương, từ rừng săng lẻ đi lên gần 30km. Cũng như các anh em trong Đội, mỗi tháng Tạo sẽ có 2 đợt nghỉ, mỗi đợt được 3-4 ngày, còn lại là ở trong rừng. Mỗi ngày, cả đội tỉnh dậy, cất bước lúc 7 giờ sáng, đi tuần tra qua các khoảng rừng, đến tầm 3 giờ chiều thì dừng chân, dựng lán và nghỉ ngơi. Có muốn đi nữa cũng không cố thêm được, bởi càng vào sâu rừng càng rậm rạp, âm u, trời tối rất nhanh. Chỗ nghỉ phải tương đối bằng phẳng, gần nguồn nước, không ở dưới tán cây to, đề phòng mưa dông sẽ rất nguy hiểm. Tạo bảo với chúng tôi, người Thái quê anh đi rừng thường tránh ngủ ở những con đường mòn, vừa theo kinh nghiệm thực tế lại vừa có ý nghĩa tâm linh. Dừng bước, là Tạo lại nhớ con gái đến cồn cào. Bé mới được 18 tháng mà đã phải xa bố xa mẹ. Vợ Tạo là giáo viên mầm non, công tác ở huyện Kì Sơn, cách nhà 100km nên ở lại trường, chỉ cuối tuần mới về với con. Con gái ở nhà với ông bà nội từ lúc còn bé xíu. Thời gian đoàn tụ của cả nhà tính ra mỗi tháng chỉ được vài ngày, chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng.
Cảnh sống trong rừng, có lẽ sẽ không ai tưởng tượng được lại tạm bợ đến thế. Nhưng đó là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi muốn vào sâu trong lõi rừng, anh em phải trút bỏ dần những gì là tiện nghi, phụ trợ dọc đường. Vậy là, một bếp củi vừa để nấu ăn, vừa để hong quần áo khô, vừa để xua đuổi thú dữ lúc đêm về, vừa xua bớt giá lạnh, vừa để bừng sáng giữa không gian u trầm của rừng già. Những chiếc võng mắc gần nhau, giấc ngủ kéo đến nhẹ như không, giữa hoang sơ.
Ở quán, có người bưng bê đặc sản thịt rừng thịnh soạn. Ở nhà, bếp ga, nồi cơm điện, đồ ăn tươi ngon. Ở rừng, chỉ có vài cục đá làm bếp, có vài nhánh củi khô giữ lửa, gặp mùa mưa thì thổi mỏi mồm, phồng phổi mà lửa vẫn không lên. Ở rừng miệt mài từ 15 - 20 ngày, đồ ăn có khi là cơm nắm chấm muối lạc vừng, có khi là mì gói nấu ống tre. Mâm cơm trải bằng lá rừng, mỗi người một chiếc đèn pin đội đầu, lia luồng sáng đề nhìn thấy nhau, vừa ăn vừa trò chuyện.
Bốn năm qua, họ đã có bao nhiêu kỉ niệm cùng nhau. Đó là lúc có thành viên bị ốm, anh em phải thay nhau cõng, cực nhọc vô cùng. Đó là một buổi tổ chức sinh nhật cho một người anh ở giữa rừng. Tiệc sinh nhật cũng đầy đủ cả, bánh sinh nhật bằng đoạn thân chuối, nến là que nứa nhỏ quấn giấy ở đầu và tẩm chút dầu ăn để bắt lửa, một xâu cá suối nướng, một nồi cơm thơm dẻo. Vậy là có ngay màn thổi nến lung linh giữa bao la đại ngàn…
Đội Anti-poaching tổng cộng có 23 người hoạt động trên địa bàn rộng tại các VQG Pù Mát, Cát Tiên, U Minh Thượng, U Minh Hạ và Cúc Phương. Điều đặc biệt, trong số 23 thành viên có duy nhất một bóng hình con gái. Lê Thị Ngọc Lắm sinh năm 1997, hiện đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tại VQG Cát Tiên ở Đồng Nai. Nhưng để có một chân trong Đội, thì cô gái đã phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn và sát hạch gắt gao như anh em nam giới.
Bây giờ nhớ lại, Lắm không nghĩ rằng mình có thể vượt qua các vòng lọc hồ sơ, phỏng vấn trực tiếp, test thực tế trong rừng và trúng tuyển. Nhiều anh em thời điểm đó cũng không nghĩ là Lắm đủ sức đối mặt với những thử thách gắt gao nhất, trong những điều kiện thiếu thốn nhất của đợt test thực tế trong rừng Pù Mát. Bởi ngay cả anh em nam giới cũng có nhiều người phải ngậm ngùi dừng lại do không đáp ứng được yêu cầu.
Đó là tháng 6-2020, từ quê hương Bình Định, Ngọc Lắm giấu ba mẹ lặn lội đến VQG Pù Mát, bắt đầu chuyến đi rừng đầu tiên cùng Đội vào Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Choăng. Lúc sắp xuất phát, Lắm cùng cả đội hào hứng lắm. Bắt đầu lên một con dốc dựng đứng ngay phía sau Trạm Khe Choăng. "Nếu ai không vượt qua con dốc này thì trượt ngay từ phút đầu tiên", tuyên bố của cán bộ sát hạch thực sự là một cú sốc đầu đời với cô gái trẻ. Bởi để vượt con dốc chạm trán đó, không thể đi bằng hai chân, mà phải bò bằng cả tứ chi. Lần đầu chưa có kinh nghiệm, Lắm mang hơi nhiều đồ. Được một lúc, ba lô 17kg trên vai bắt đầu nặng trĩu mà không thể san được cho ai. Có lúc, Lắm tụt lại đi sau cả đoàn. Chỉ lo bị loại, Lắm tranh thủ mỗi chặng nghỉ đi trước cho đỡ mất thời gian. Chẳng thể ngờ được cuối cùng Lắm lại vượt qua con dốc và lên trước điểm đến.
Ngày đầu tiên, đoàn đi vào vùng địa hình hiểm trở, xa nguồn nước để thử thách lòng kiên nhẫn. Không có nước để tắm, để rửa mặt, chỉ gặp một vũng nước nhỏ, vàng khè và đầy loăng quăng. Cũng đành đem lọc qua áo để chắt lấy nước uống và nấu ăn. Đêm ấy, giữa rừng, những người anh em dựng lán trại, mắc võng giúp Lắm. Sau bữa ăn tối, giấc ngủ kéo đến nhẹ nhàng như không. Sáng, Lắm dậy sớm, phụ các anh nấu cơm ăn rồi lại lên đường.
Có ngày, cả đoàn vượt mấy đoạn dốc. Đi từ 7 giờ sáng đến 1 giờ chiều thì chai nước 1,5l mang theo đã hết sạch. Cổ ai cũng khô đặc, người lảo đảo vì thiếu nước. Tiếng anh trưởng đoàn luôn động viên mọi người cố gắng, chỉ 10 phút nữa, 5 phút nữa là tới điểm lấy nước. Nhưng mãi đến 5 giờ chiều mới tìm được một đoạn suối. Giây phút chạm tay vào làn nước mát, cảm giác vỡ òa như tìm được nguồn sống. Vục tay xuống, vốc nước lên uống ừng ực, vã lên mặt, nước mát lạnh dần xua đi nỗi khát đeo bám.
Sau chuyến đi đầu tiên nặng kí và nhiều cảm xúc, Lắm cùng cả đoàn được nghỉ 5 ngày để bước vào đợt kiểm tra thực địa tiếp theo. Ba ngày liền đi trong trời mưa tầm tã mới đến ranh giới VQG Pù Mát. Cả nhóm dựng lán, cố nhóm lửa, hong quần áo để ngày mai đi tiếp. Trong quá trình di chuyển, Lắm bị lạc và rơi xuống một khe núi dựng đứng, phía dưới là thác nước ào ào. "Người mệt rã rời, cơn đói đang cồn cào, em không còn sức mà leo lên. Ở lằn ranh giới giữa sự sống và cái chết, em chỉ có một suy nghĩ phải cố gắng bám trụ để có cơ hội gặp lại ba mẹ. Em cố sức bò lên, cũng là lúc mọi người quay lại tìm. Các anh gọi tên em không ngớt, tiếng gọi vang vọng vào vách núi. Lúc đã đến điểm an toàn, em òa khóc. Các anh trong đoàn cuống quýt và lo sợ thực sự, chỉ biết nói "Bọn anh xin lỗi" - Lắm hồi tưởng lại giây phút kinh hoàng. Có lẽ giây phút ấy, cả đoàn thực sự thấy áy náy, thương Lắm và hối hận khi đã chọn Lắm tham gia chuyến đi, dù rằng Lắm hoàn toàn tự nguyện.
Hai chuyến đi 14 ngày trong rừng đã giúp Lắm vượt qua vòng test, trở thành thành viên nữ duy nhất của Đội. Đó là những kỉ niệm không thể nào quên với cô gái giàu nhiệt huyết với rừng. Giờ thì Lắm đã có nhiều kinh nghiệm khi đi rừng, càng gọn nhẹ càng tốt. Đồ mang theo của Lắm hầu như chẳng có thêm gì của con gái, ngay cả một tuýp sữa rửa mặt cũng không nốt. Vốc nước suối lên mặt là xong, tắm thì đi cách xa lán, thông báo cho anh em trước khi đi. Cuộc sống giản tiện tối đa.
Bây giờ, Lắm đã rời VQG Pù Mát, đặt chân tới VQG Nam Cát Tiên và làm việc ở đây cũng sắp tròn năm. Từ Vườn về quê hơn 500km, nên một năm Lắm về thăm nhà được một lần. Ai cũng bảo Lắm mạnh mẽ, cá tính, tự lập. Say rừng, lo lắng cho số phận những con vật trong rừng, với Lắm, cuộc sống ở rừng cứ trong veo, không có sóng, không có mạng, ngày nghe vượn hót, đêm nghe côn trùng rỉ rả. Lắm bảo: "Động vật hoang dã không đòi hỏi bất cứ điều gì. Động vật hoang dã cần sự sống mà thôi".
Bốn năm qua, những bàn chân lặng lẽ trong rừng đã dần tạo nên những đổi khác. Khoảng hơn một năm trở lại đây, việc săn bắt, đặt bẫy giảm đáng kể ở rừng Pù Mát. Sau mỗi chuyến đi, anh em trong Đội thấy vui hơn vì không còn trông thấy la liệt bẫy và lán trại, mà thấy được nhiều dấu vết của động vật hoang dã. Càng vui, họ lại càng bám rừng, không thể lơ là nhiệm vụ. Họ ước một ngày không xa, rừng sẽ xôn xao trở lại, nhạc rừng lại reo vui, hương rừng lại đắm say, để thấy công việc mình đang làm có ý nghĩa để giữ lại những mảng rừng xanh ngắt.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/eMagazine/nhung-ban-chan-lang-le-khap-neo-rung-pu-mat-i670791/