Những bản đúc nổi trên Cửu Đỉnh ở Hoàng cung Huế chính thức trở thành Di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Lúc 14h9 ngày 8/5 (giờ địa phương), tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ, hồ sơ 'Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế' (hay còn gọi là Cửu Đỉnh) của Việt Nam đã được thông qua và chính thức trở thành di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.
Từ ngày 6-10/5, Hội nghị toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức tại Mông Cổ.
Tham dự cuộc họp có bà Nomin Ch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Mông Cổ; GS. Shahbaz Khan, Giám đốc Văn phòng đa lĩnh vực của UNESCO khu vực Đông Á; TS. Fackson Banda, Trưởng phòng Di sản tư liệu Bộ phận Thông tin và Truyền Thông của UNESCO; Ban lãnh đạo Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đại biểu từ 23 quốc gia thành viên.
Đoàn Việt Nam tham dự gồm có: Ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Ủy viên Thư ký, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; bà Phạm Thị Khánh Ngân, Trưởng Ban thư ký Ủy ban quốc gia MOW Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm; ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế và các cán bộ của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Theo thông tin từ đoàn công tác, ông Đào Quyền Trưởng cho biết ngoài việc rà soát công tác và xây dựng kế hoạch của Chương trình MOWCAP trong thời gian tới, Hội nghị đã xem xét 20 hồ sơ của 11 quốc gia: Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia, Bangladesh, Uzbekistan, Mông Cổ, Việt Nam, Australia và Tuvalu.
Với những giá trị tiêu biểu về nội dung thông tin, độc đáo về hình thức, đặc biệt là ý nghĩa đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hồ sơ Cửu Đỉnh đã được thông qua với số phiếu 23/23.
Cũng tại Hội nghị này, TS. Vũ Thị Minh Hương, nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đã tái cử chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2024-2028.
Ông Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm cho biết “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” do vua Minh Mạng cho đúc năm 1835. Cửu đỉnh là di sản quý giá, là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp, cũng như nghệ thuật đúc đồng tài hoa của người Việt. Cửu Đỉnh còn là biểu tượng của sự thống nhất và trường tồn của triều đại. Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đã lưu trữ nhiều giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.
Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, sự kiện “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” chính thức trở thành di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO thực sự là niềm vui và vinh dự của tỉnh Thùa Thiên Huế khi có Di sản thứ 8 được công nhận là Di sản thế giới. Điều này đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Di sản văn hóa Huế trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh về lâu dài; đặc biệt, đây sẽ là động lực to lớn để sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị Di sản và bản sắc văn hóa Huế.
Đại diện địa phương tham dự Hội nghị, ông Lê Công Sơn cảm ơn Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban quốc gia MOWCAP Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế trong thời gian qua, đã nhiệt tình đóng góp và tư vấn cho địa phương trong công tác xây dựng và ghi danh thành công hồ sơ này.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đánh giá việc ghi danh hồ sơ di sản tư liệu mới và việc TS. Vũ Minh Hương tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương là tin vui kép.
Điều này cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại UNESCO, cũng như ghi nhận đóng góp tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng. Đây là niềm vui không chỉ đối với riêng Thừa Thiên Huế, mà còn là niềm vinh dự và tự hào của tất cả người dân Việt Nam.
Các danh hiệu UNESCO đã và đang là một nguồn lực mới, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, từ đó, đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương.