Những băn khoăn liên quan đến thủ tục hóa đơn, hoàn thuế
Vừa qua, VCCI đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị 'Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2023'. Dù đánh giá cao những nỗ lực cải cách trong lĩnh vực thuế - hải quan của Bộ Tài chính, thế nhưng, doanh nghiệp (DN) vẫn còn không ít băn khoăn liên quan đến thủ tục hóa đơn, hoàn thuế…
Những nỗ lực của ngành Thuế - Hải quan
Được biết, đây là chương trình đối thoại thường niên giữa DN và cơ quan thuế - hải quan của Bộ Tài chính nhằm thông tin, tuyên truyền về các chính sách và thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan, từ đó, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của DN và tăng cường quan hệ hợp tác giữa DN với các cơ quan thuế - hải quan.
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, những nỗ lực của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiểm soát có hiệu quả các quy trình, tạo cơ sở để DN giảm chi phí và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, nhiều hoạt động của các cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính đã lấy mức độ hài lòng của DN làm thước đo đánh giá năng lực, hiệu lực hiệu quả của cơ quan. Các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, đối thoại chính sách được triển khai theo nhiều hình thức khác nhau, nội dung đa dạng… thể hiện sự cầu thị và tư duy đổi mới trong hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong những tháng đã qua của năm 2023, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho DN, người dân với tổng giá trị dự kiến là khoảng 196 nghìn tỷ đồng, trong đó: Số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng.
Vẫn “nóng” vấn đề hóa đơn, hoàn thuế
Hội nghị cũng dành thời gian lắng nghe, giải đáp ý kiến trực tiếp đến từ hơn 20 DN về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, tập trung chủ yếu là các vấn đề liên quan đến thủ tục hoàn thuế GTGT, về hóa đơn điện tử, thời gian giải quyết thủ tục điện tử, việc cấp giấy phép xuất nhập khẩu,…
Theo đại diện đến Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang, các DN trên địa bàn đang rất băn khoăn về những vướng mắc khi xuất hóa đơn tại các cây xăng. Muốn triển khai, các cây xăng phải lắp đặt thiết bị in hóa đơn điện tử. Việc lắp đặt thiết bị in sẽ rất tốt kém, trong khi nhu cầu của khách yêu cầu xuất hóa đơn điện tử mỗi lần đều rất ít, có thể nói là đa số không có nhu cầu. Vì thế, việc lắp đặt thiết bị đã tốn kém, chưa kể in mỗi hóa đơn sẽ mất tới 5 phút - gây ách tắc. Chi phí in trung bình 662 đồng/1 hóa đơn. Vậy chi phí này DN chịu hay ai chịu?
Ngay ở địa bàn trung tâm như Thủ đô Hà Nội, đến thời điểm 30/11/2023, có hơn 240 DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thuộc Cục Thuế TP Hà Nội quản lý, với hơn 450 cửa hàng và gần 2.000 cột bơm. Tuy nhiên, mới có gần 150 cửa hàng áp dụng được thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Theo thống kê sơ bộ thì mới chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng với khoảng trên 2.700 cửa hàng, chiếm khoảng 16% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.
Ông Phạm Minh Khoa - Giám đốc Cty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Toàn cầu An Phát cho biết, trong 4 năm qua DN đã thực hiện 32 lần xuất khẩu tinh bột sắn. DN đóng thuế đầy đủ, có đủ hóa đơn, chứng từ mua bán nhưng điều lạ đến nay vẫn chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Theo ông Khoa, DN đã kiến nghị lên Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội đã đánh giá DN có đầy đủ điều kiện để hoàn thuế giá trị gia tăng. Đích thân Chủ tịch Quốc hội phát biểu trước DN việc hoàn thuế là có cơ sở. Song đến thời điểm này DN vẫn chưa nhận được quyết định hoàn thuế của Cục thuế Hà Nội.
Trả lời về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan thuế chưa hoàn thuế với yêu cầu của Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu An Phát là căn cứ vào đánh giá rủi ro qua trao đổi thông tin với cơ quan quản lý của Trung Quốc. Vướng mắc của công ty đã được gửi Cục Thuế Hà Nội.
Trong khi đó, trả lời đại diện Công ty cổ phần Cơ - Điện - Môi trường Lilama hỏi về việc kê khai hóa đơn bị bỏ sót, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định người nộp thuế được kê khai bổ sung hóa đơn mua vào vào kỳ phát sinh nếu đáp ứng đầy đủ quy định về khấu trừ thuế và kê khai thuế được khấu trừ. Người nộp thuế cũng cần lưu ý là việc bỏ sót hóa đơn này cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra chưa, nếu đã thanh, kiểm tra mới bổ sung thì không được điều chỉnh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có: 11 Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 19 Nghị định của Chính phủ; 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 26 Thông tư của Bộ Tài chính). Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng.