Những bàn tay tài hoa của làng điêu khắc gỗ Nhân Hiền

Một ngày giữa Thu, chúng tôi tìm về thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín (Hà Nội). Nhân Hiền xưa là một ngôi làng nổi tiếng về nghề điêu khắc gỗ và đá thủ công. Bằng đôi bàn tay tài hoa và khéo léo, nghề điêu khắc ở Nhân Hiền truyền từ đời này sang đời khác, đến nay vẫn giữ được truyền thống là một làng làm nghề điêu khắc gỗ tinh xảo, được biết đến rộng rãi trên khắp cả nước.

Chuyện nghề điêu khắc gỗ

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trúc, nghệ nhân nổi tiếng có tay nghề cao ở làng Nhân Hiền chia sẻ: “Đã là người làm nghề, không phải riêng chúng tôi mà nghề gì cũng vậy, trước hết phải có sự đam mê, say đắm với công việc của mình. Chỉ có đam mê, say đắm mới có thể làm nghề giỏi và thành công. Nghề điêu khắc là một nghề tỉ mỉ và tinh xảo, vì vậy không những cần lòng đam mê công việc mà còn đòi hỏi sự bền bỉ, chịu khó. Chỉ có kiên trì, chăm chỉ mới tạo ra những sản phẩm có giá trị, được người tiêu dùng chấp nhận”.

Làng nghề Nhân Hiền thời hiện đại có nhiều nghệ nhân điêu khắc gỗ, nhưng người được coi là “linh hồn” của làng chính là Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc. Ông Trúc sinh năm 1962 trong gia đình có bốn đời làm nghề mộc. Năm 1984, sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự, là chiến sĩ thuộc Bộ tư lệnh Công binh, ông trở về quê hương tiếp nối nghề mộc của gia đình.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc tại làng Nhân Hiền (Hà Nội) tỉ mỉ chạm khắc từng chi tiết trên pho tượng phật đang trong quá trình hoàn thiện.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc tại làng Nhân Hiền (Hà Nội) tỉ mỉ chạm khắc từng chi tiết trên pho tượng phật đang trong quá trình hoàn thiện.

Bằng tài năng và uy tín của mình, ông đã góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm điêu khắc gỗ Nhân Hiền và hiện nay đang là Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ thôn Nhân Hiền. Ông cũng là người thầy có công đào tạo cho hơn 200 học trò có tay nghề điêu khắc vững vàng. Nhiều học trò của ông đã thành danh, có người được nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú như Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Kế, cũng là người ở làng Nhân Hiền.

Theo ông Trúc chia sẻ, công việc của người thợ điêu khắc gỗ không hề dễ dàng. Để có được một sản phẩm điêu khắc hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua các công đoạn từ khâu chọn nguyên, vật liệu cho đến phác thảo bản vẽ pho tượng rồi mới bắt tay vào chế tác. Quá trình sản xuất đòi hỏi người thợ phải tập trung tối đa, từng động tác thật tỉ mỉ, bảo đảm đạt được sự chuẩn mực trong từng chi tiết của sản phẩm. Mỗi sản phẩm như vậy, người thợ tùy theo cấu trúc của bức tượng rồi sử dụng đôi bàn tay khéo léo của mình điều chỉnh từng đường cưa, nhát đục, nhát đẽo theo từng góc độ sản phẩm yêu cầu. Độ đậm nhạt trên bức tượng cũng được thể hiện qua đôi tay đưa lên đặt xuống chính xác của người thợ. Tác phẩm điêu khắc phải chứa đựng nhiều cảm xúc, thể hiện cái hồn của nhân vật được mô tả của tượng dân gian.

“Sản phẩm tượng tự do thì không có kích thước cố định nào cả, mà tất cả là phải dùng mắt để căn làm sao cho bức tượng được cân đối. Để tạo ra một bức tượng đẹp người thợ phải có tư duy tốt, tham khảo tiếp thu kiến thức của những người giỏi để áp dụng vào công việc. Từ lúc bắt đầu cho tới khi hoàn thành sản phẩm, khâu nào cũng vô cùng quan trọng”, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc nói.

Ông Trúc tận tình quan sát, dạy nghề cho một nhân công nữ tại công xưởng của mình.

Ông Trúc tận tình quan sát, dạy nghề cho một nhân công nữ tại công xưởng của mình.

Một trong những khó khăn trong sản xuất nghề làm mộc, điêu khắc gỗ ở Nhân Hiền là thiếu mặt bằng sản xuất. Bởi vì, mỗi lần vận chuyển gỗ, đặc biệt là những khối gỗ lớn phải mất rất nhiều công sức lao động; đấy là chưa kể luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do mặt bằng hẹp, không có không gian để xoay xở. Muốn phát triển mạnh nghề điêu khắc ở Nhân Hiền cần phải có mặt bằng rộng rãi, tạo điều kiện cho xe vận tải nguyên, vật liệu ra vào dễ dàng.

Người làm nghề mộc cũng thường hay gặp các rủi ro về nghề nghiệp, trong quá trình lao động sản xuất chỉ cần sơ suất một chút là có thể mất đầu ngón tay do phải thực hiện thủ công với các thiết bị sắc nhọn, như lưỡi cưa, mũi đục… Chuyện xước xát, đứt tay, là thường xuyên. Trong quá trình vận chuyển gỗ nếu bị đổ, rơi cũng có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng; rồi khả năng tiềm tàng cháy nổ, gây nguy hiểm đến tính mạng con người…

Gìn giữ, phát triển và đi lên

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc cũng chia sẻ, các cụ ở làng Nhân Hiền kể lại: “Từ xa xưa làng nghề truyền thống đã có nhiều đội thợ giỏi được tham gia xây dựng các công trình lớn như đình, chùa ở trong vùng lẫn cả nước. Người dân trong làng luôn mang trong mình niềm tự hào của nghề điêu khắc. Thế kỷ XVIII, XIX ở làng có nhiều nghệ nhân giỏi được cử vào kinh thành Huế phục vụ việc xây dựng cung đình, lăng tẩm… Tiêu biểu có thể kể tới đội thợ của cụ Vũ Văn Khánh, cùng nhiều tay thợ tài danh. Một số cụ được triều đình Huế tấn phong chức “Cửu phẩm”, tiêu biểu có các cụ: Cửu Túy, Cửu Thảnh, Cửu Hỏa. Ở làng cũng có cụ Ứng Trọng Nhâm trước đây đã được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân”. Ngoài ra còn có hai cụ Hoàng Văn Thiều, Trần Văn Bình và ông Nguyễn Văn Trúc đã được trao danh hiệu “Bàn tay vàng”.

Làng Nhân Hiền chủ yếu điêu khắc các tượng dân gian.

Làng Nhân Hiền chủ yếu điêu khắc các tượng dân gian.

Đi một vòng quanh thôn Nhân Hiền, chúng tôi được tận mắt chứng kiến không gian làng nghề nhộn nhịp, sôi động. Từ trong các ngôi nhà vọng ra tiếng đục đẽo lách cách, đều đặn; tiếng cưa máy kêu vo vo, tiếng chạm khắc nhịp nhàng vang lên từ khắp các con ngõ nhỏ trong làng. Nếu đến đây lần đầu, khách có thể dễ dàng vừa đi vừa nhìn thấy bên trong các ngôi nhà, từng hộ lao động đang miệt mài, chăm chỉ đưa từng nhát đục, nhát đẽo thoăn thoắt cần mẫn trên mỗi thớ gỗ. Cho dù nhiều nhà làm nghề điêu khắc gỗ như vậy, nhưng những con đường làng, ngõ xóm ở đây lại rất sạch sẽ, êm đềm. Ngoài tiếng đục, đẽo vang lên nhẹ nhàng đều khắp bên tai thì không có thêm những tạp âm ồn ào nào khác. Vì vậy, làng nghề Nhân Hiền cho ta cảm giác thật bình yên.

Ông Hoàng Minh Văn, Trưởng thôn Nhân Hiền cho biết: Hiện nay ở thôn Nhân Hiền có khoảng 1.000 lao động, chiếm hơn 90% số hộ dân của làng làm nghề điêu khắc. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là chạm khắc các bức tượng dân gian với nguồn nguyên liệu chính là gỗ mít. Những người thợ ở đây cũng sản xuất từ bức phù điêu loại nhỏ như chiếc phích đến những bức tượng khổng lồ cao đến hơn 7m. Nghề điêu khắc ở làng đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi mỗi năm. Một ngày, một người thợ có thể làm hoàn chỉnh một sản phẩm nhỏ, đơn giản; nhưng cũng có khi phải mất nhiều ngày, nhiều tháng thậm chí cả năm mới làm xong một sản phẩm lớn, quan trọng đòi hỏi trình độ tay nghề cao, tinh tế, tỉ mẩn và nhiều chi tiết phức tạp… “Nhân Hiền có nhiều cơ sở sản xuất quy mô lớn như công xưởng của nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc hơn 600m2, hằng ngày có trên dưới 30 nhân công. Gia đình anh Nguyễn Văn Tân có hơn 20 lao động làm việc tại xưởng. Một số gia đình khác cũng có cơ sở thường xuyên có từ 10 đến 20 lao động làm việc. Thị trường sản phẩm tượng gỗ của Nhân Hiền được tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước. Một số mặt hàng như tượng Phật còn được xuất khẩu ra các nước như: Anh, Mỹ, Nhật, Đài Loan (Trung Quốc)...”, ông Hoàng Minh Văn nói.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc trong phòng khách, nơi ông lưu giữ những bức ảnh gia đình ông và các tấm giấy khen, giải thưởng đạt được.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc trong phòng khách, nơi ông lưu giữ những bức ảnh gia đình ông và các tấm giấy khen, giải thưởng đạt được.

Quan điểm kinh doanh của người thợ Nhân Hiền, khi đã nhận đặt hàng của khách sẽ hợp đồng chính xác đúng ngày, đúng giờ giao hàng, không bao giờ để lỡ thời gian hợp đồng giao hàng với khách. Ở đây người những người thợ lành nghề đều đặt chữ tín lên hàng đầu và truyền thống này từ lâu đã ngấm vào tính cách chung của cả làng nghề như một nét văn hóa đặc trưng.

Được biết, làng nghề Nhân Hiền hiện nay đang được chính quyền địa phương hỗ trợ mặt bằng, khuyến khích các hộ dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Địa phương cũng đang có kế hoạch di dời các xưởng sản xuất lớn ra ngoài khu dân cư. Để làm được điều này, người dân Nhân Hiền mong muốn các cấp lãnh đạo huyện Thường Tín cùng thành phố Hà Nội, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch khu công nghiệp làng nghề trên địa bàn; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân làng nghề có bước phát triển mới trong những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nhung-ban-tay-tai-hoa-cua-lang-dieu-khac-go-nhan-hien-705192