Những 'bàn tay vàng' y khoa: 'Chiến binh' giữa đôi bờ sinh tử

Từ 9 năm trước, nhờ tìm ra chiếc máy lọc máu làm dịu cơn bão Cytokine, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), đã nhiều lần cứu sống bệnh nhi ngoạn mục

"Cơn bão Cytokine" - còn gọi là "cuộc nổi loạn của hệ miễn dịch" - hủy hoại nội tạng người nhanh chóng, được chú ý thời gian qua khi nó gây ra hàng loạt ca tử vong do Covid-19 khắp thế giới, cũng như khiến một phi công Anh trở thành bệnh nhân Covid-19 nặng nhất Việt Nam. Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Đại học Y khoa Georgia ở Augusta (Mỹ) công bố nghiên cứu khoa học cho thấy lọc máu có thể làm dịu "cơn bão Cytokine". Điều ít ai ngờ là từ 9 năm về trước, tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, các bác sĩ (BS) đã tìm ra chiếc máy lọc máu để khắc chế cơn bão này do virus EV71 gây ra, giành lấy sự sống cho nhiều bệnh nhi.

"Tôi đại diện nhóm tử vong"

Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) nặng nhất lịch sử xảy ra vào năm 2011-2012. Lúc đó, lọc máu liên tục để cứu những bệnh nhi chưa hề tồn tại trong phác đồ điều trị TCM của Việt Nam lẫn Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Khác với chủng Coxsackie A16 trước đó và những năm sau này, chủng "tử thần" EV71 gây ra thể bệnh cực nặng, lấy mạng hàng trăm đứa trẻ.

Ý tưởng dùng máy lọc máu chống lại "cơn bão Cytokine" và các biến chứng nặng khác đã ghi tên 2 BS chuyên khoa II của Khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi Đồng 1 là BS Nguyễn Bạch Huệ - trưởng khoa và BS Nguyễn Minh Tiến - phó khoa. Để rồi, lọc máu và giúp thở sớm - những kiểu điều trị chưa từng có trong y văn - đã đi vào quyển cẩm nang điều trị TCM mang tên BV Nhi Đồng 1, nhanh chóng được ứng dụng khắp Việt Nam.

Trong một hội nghị do Bộ Y tế tổ chức đầu năm 2012 nhằm tìm nguyên nhân khiến quá nhiều ca tử vong do mắc TCM, vị phó khoa Nguyễn Minh Tiến đã bắt đầu bằng câu: "Tôi đại diện nhóm tử vong", rồi nói ngành y tế phải chịu trách nhiệm chính khi xảy ra nhiều ca tử vong đến thế. Những trường hợp chẩn đoán nhầm, chuyển viện không an toàn... trên cả nước được mổ xẻ thẳng thắn.

"Thật sự là có những ca bệnh nhi được đưa đến BV chậm. Nhưng mình là BS thì phải dám nhìn thẳng vào trách nhiệm. Điều đó thôi thúc những nghiên cứu mới, phác đồ mới để có thể cứu được nhiều bé hơn" - BS Tiến chia sẻ.

Trong vai trò đại diện nhóm phân tích nguyên nhân tử vong ở bệnh nhi TCM, BS Tiến từng nói: "Tôi đại diện nhóm tử vong". Câu nói hàm chứa trách nhiệm của người thầy thuốc, người đại diện những đứa bé thiếu may mắn. Mỗi năm BS Tiến đặt "chỉ tiêu" cho mình phải làm 1-2 nghiên cứu khoa học. Nguồn cơn của các nghiên cứu thường là những ca bệnh y học đang phải "bó tay". Đến nay, ông đã tham gia hàng chục công trình được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước.

BS Nguyễn Minh Tiến (ảnh do nhân vật cung cấp)

BS Nguyễn Minh Tiến (ảnh do nhân vật cung cấp)

BS Nguyễn Minh Tiến điều khiển cỗ máy lọc máu liên tục - phương pháp đột phá cứu các bé tay chân miệng nặng gặp “Cơn bão Cytokine” vào năm 2011. Ảnh: ANH THƯ

BS Nguyễn Minh Tiến điều khiển cỗ máy lọc máu liên tục - phương pháp đột phá cứu các bé tay chân miệng nặng gặp “Cơn bão Cytokine” vào năm 2011. Ảnh: ANH THƯ

Thành viên "đội đặc nhiệm" ICU

Cũng mới được chú ý trong mùa Covid-19 với 2 ca bệnh nặng nhất, hệ thống ôxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể ECMO - "tim phổi nhân tạo" là một kỹ thuật đỉnh cao đem lại hy vọng cho cả những người tim, phổi tê liệt nhiều ngày. Ở Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, đã có tới 16 đứa trẻ được đem về từ cõi chết nhờ kỹ thuật này trong hơn 2 năm nay.

Và đằng sau cỗ máy kỳ diệu ECMO là BS Nguyễn Minh Tiến. Từ vài năm trước, ông đã kiên trì đi học ở Anh, Qatar và BV Chợ Rẫy, để rồi BV Nhi Đồng Thành Phố trở thành BV đầu tiên trực thuộc Sở Y tế TP HCM triển khai kỹ thuật này.

Dù là thời điểm làm phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 hay BV Nhi Đồng Thành Phố, hầu như không bao giờ gặp được ông trong văn phòng riêng. "Anh ấy ở dưới ICU (hồi sức cấp cứu) đấy!" - đó là câu trả lời chúng tôi thường xuyên nhận được. Bên cạnh vai trò lãnh đạo, BS Minh Tiến được biết đến là một BS hồi sức cấp cứu xuất sắc và chưa bao giờ ông cho phép mình chỉ làm công tác quản lý. Tên ông nằm trong "đội đặc nhiệm"của Bộ Y tế, Sở Y tế, BV: có ca nặng là đi, bất kể ngày đêm!

Hiện BV Nhi Đồng Thành Phố vẫn là một trong 3 BV được chỉ định điều bệnh nhân Covid-19. Là trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của BV, ngoài công việc điều hành, BS Tiến tự đưa mình vào danh sách như một BS ICU: nếu xuất hiện ca nặng, phải sử dụng máy thở, ECMO..., thì sẽ đến lượt ông tham gia. Nhưng may mắn là Việt Nam chưa có ca trẻ em bị Covid-19 nặng. Ca bệnh nhi Covid-19 duy nhất của TP HCM cũng đã xuất viện lần 2, sau đợt tái nhiễm.

PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1 (TP HCM):

Thế hệ kế thừa đầy triển vọng

Chúng tôi là đồng nghiệp từ khi BS Nguyễn Minh Tiến mới ra trường. Tôi làm giám đốc, BS Tiến là Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, rồi Phó Giám đốc. BS Tiến rất giỏi, say mê nghiên cứu, làm việc và luôn tận tình với các bệnh nhi. Vào năm BV Nhi Đồng Thành Phố thành lập, nhiều BS giỏi của BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 được chuyển sang. "Chia sẻ" Tiến cho BV mới, tôi tiếc đứt ruột ấy chứ! Vì BS Tiến là thế hệ kế thừa đầy triển vọng cho BV Nhi Đồng 1. Nhưng vì cái chung là sự phát triển của ngành nhi khoa TP HCM, chúng tôi đã để BS Tiến đi và hết sức tự hào về những điều anh đã làm được ở BV mới.

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/nhung-ban-tay-vang-y-khoa-chien-binh-giua-doi-bo-sinh-tu-20200609212537094.htm