Những bàn tay xây dựng bộ mặt nông thôn mới
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra trước 1 năm. Trong giai đoạn 2021-2025, chương trình tiếp tục đặt ra nhiều chỉ tiêu mới cả về xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất và giữ gìn bản sắc nông thôn. Để làm được những điều đó, không thể thiếu đi bàn tay cần mẫn, khối óc sáng tạo của người nông dân thời đại mới.
Giai đoạn 2010-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không chỉ góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và kinh tế-xã hội của đất nước, mà còn thật sự thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn, tạo cơ hội cho bà con nông dân phát triển kinh tế.
“Tỷ phú chăn bò”
Ở xã Châu Pha (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), ai cũng biết đến ông Nguyễn Văn Nhiệm. Tiếng lành về ông có được không phải chỉ từ danh hiệu một trong 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” ông được nhận năm 2022, mà thực tế bởi sự cần cù, chịu khó và tinh thần sáng tạo không ngừng.
Hơn 23 năm trước, ông Nhiệm từ quê nhà Hải Dương vào lập nghiệp tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau thời gian ngắn lao động tại 1 xí nghiệp vật liệu xây dựng, ông chạy xe chở hàng cho các doanh nghiệp. Chính từ những chuyến đi đó, ông nhận thấy cơ hội từ thị trường sữa bò lúc này đang rất khan hiếm nguồn nguyên liệu sản xuất.
Tận dụng việc chính quyền địa phương vận động bà con nông dân tham gia mô hình nuôi bò sữa, năm 2003, ông Nhiệm lấy hết số vốn dành dụm được để mua 5 con bò sữa khởi nghiệp. “Sau vài năm đầu thuận lợi, giá sữa bán cho các nhà máy giảm dần vì nguồn cung từ các nông hộ ngày càng nhiều. Có thời điểm giá sữa thấp tới mức nhiều nhà bán bò để chuyển hướng mưu sinh khác. Không muốn bỏ nghề, tôi bắt đầu trăn trở tìm cách tiêu thụ sữa ổn định hơn, giảm dần sự phụ thuộc”, ông Nguyễn Văn Nhiệm nói.
Nghĩ là làm, người đàn ông cần cù lại khăn gói lên đường tới các tỉnh mạnh về chăn nuôi trên cả nước để học cách làm ra các sản phẩm từ sữa bò. Năm 2017, ông Nhiệm trở về Châu Pha, rót tiền tỷ đầu tư các loại máy móc, kho bãi để bắt tay làm sữa chua và sữa chua thanh trùng.
Trải qua nhiều thất bại, phải đưa sản phẩm đi tiếp thị miễn phí khắp nơi, cuối cùng thương hiệu “Sữa chua-Sữa bò Ông Nhiệm” đã được người dân hào hứng đón nhận. Đến nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất của ông cung cấp ra thị trường khoảng 300-400kg sữa chua có tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài cửa hàng chính, ông cũng đã nhượng quyền thương hiệu cho 5 cửa hàng khác.
Chia sẻ với chúng tôi, ông chủ trang trại bò sữa Nguyễn Văn Nhiệm cho biết, “bí kíp” để bảo đảm chất lượng sản phẩm nằm ở việc chăn nuôi gắn với an toàn sinh học, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Bò trong trang trại của ông chỉ ăn cám, cỏ, bắp để cho sữa nhiều và sạch.
Theo báo cáo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hiện trang trại bò sữa ông Nhiệm có tổng cộng 60 con bò, diện tích đất trồng cỏ 1,7ha cùng 3 máy vắt sữa, 5 ô-tô đông lạnh, 3 kho lạnh và 250 tủ lạnh. Lợi nhuận hằng năm từ trang trại đạt 2,16 tỷ đồng, cung cấp việc làm thường xuyên cho 6 lao động.
Hiện trang trại bò sữa ông Nhiệm có tổng cộng 60 con bò, diện tích đất trồng cỏ 1,7ha cùng 3 máy vắt sữa, 5 ô-tô đông lạnh, 3 kho lạnh và 250 tủ lạnh. Lợi nhuận hằng năm từ trang trại đạt 2,16 tỷ đồng, cung cấp việc làm thường xuyên cho 6 lao động.
Không chỉ lao động, sản xuất giỏi, 5 năm qua, nhà nông sinh năm 1968 còn tích cực tham gia ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện do Hội Nông dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã phát động hằng năm với tổng kinh phí hơn 175 triệu đồng. Ông từng liên tục giành danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh từ năm 2018 đến 2021. Đặc biệt, năm 2020, ông Nhiệm vừa giành danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, vừa được vinh dự nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Bỏ học đi… nuôi lợn
Nghe tới đây, chắc hẳn sẽ có nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì quyết định của ông Lê Văn Cần, cũng là 1 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022 vừa qua. Từng là sinh viên Khoa Thú y, Trường Nông lâm Sài Gòn (nay là Trường đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh) vào năm 1985, nhưng ông đã mạnh dạn theo đuổi đam mê từ rất trẻ.
Năm 1990, sau khi đã có những trải nghiệm cần thiết trước cánh cửa cuộc đời, chàng thanh niên Lê Văn Cần quyết định khởi nghiệp với vốn liếng là 10 con lợn. Nhọc nhằn hơn 10 năm, ông dần chuyển đổi sang nuôi lợn nái ngoại. Là mô hình nuôi lợn nái ngoại đầu tiên của huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định), nhưng dưới bàn tay cần mẫn của ông Cần, đàn lợn ngày càng sinh sôi, nảy nở.
Tuy nhiên, đến năm 2007, dịch tai xanh ập đến khiến đàn lợn hơn 100 con của ông buộc phải tiêu hủy toàn bộ. Không chịu dừng bước trước thất bại, 1 năm sau, tận dụng số kinh phí 9 triệu đồng tiền hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông huyện Ý Yên, ông tiếp tục mua con giống về gây dựng lại cơ nghiệp.
Không những vậy, ông còn mạnh dạn xin nhận cải tạo khu đất “chẳng ai thèm canh tác” tại địa phương để kết hợp cấy lúa, thả cá, sau đó xin chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang chăn nuôi tổng hợp để nâng cao năng suất đàn lợn vào năm 2016.
Thế nhưng, thành công chưa bao giờ là dễ dàng. Cuối năm 2017, trang trại với 400 con lợn của vợ chồng nhà nông sinh năm 1966 gặp “bão giá” nên buộc phải bán chỉ 1,5 triệu đồng/con. Rất may là sau khi tái đàn thành công, đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019 không gây ảnh hưởng tiêu cực đến mô hình chăn nuôi do gia đình ông Cần đã tích lũy nhiều kinh nghiệm từ những lần thất bại trước đây.
Hiện tại, trang trại của nhà nông chăm chỉ đã mở rộng diện tích lên tới 21.000 m2, được vận hành theo hướng thân thiện với môi trường, bảo đảm sinh thái và sức khỏe người lao động. Chất thải chăn nuôi được chuyển vào bể biogas, được lọc để tưới vào vườn cây ăn quả hoặc bón cỏ voi. Phần cỏ sau đó lại mang đi làm thức ăn tại các ao cá.
Hiện trang trại của ông Lê Văn Cần có 100 con lợn nái, 400 con lợn thịt, 300 con lợn con, 200 cây bòng, 150 cây mít và 1 nghìn cây đinh lăng… cho tổng thu nhập hằng năm 13 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 2,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 8 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng kèm theo chi phí sinh hoạt cùng tiền thưởng theo hiệu suất công việc.
Thống kê của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trang trại của ông Lê Văn Cần có 100 con lợn nái, 400 con lợn thịt, 300 con lợn con, 200 cây bòng, 150 cây mít và 1 nghìn cây đinh lăng… cho tổng thu nhập hằng năm 13 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 2,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 8 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng kèm theo chi phí sinh hoạt cùng tiền thưởng theo hiệu suất công việc.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Cần còn thường xuyên tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam, quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ nông dân; đóng góp kinh phí xây dựng đường nội đồng, bê tông hóa đường làng… đến nay đạt tổng kinh phí 140 triệu đồng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-ban-tay-xay-dung-bo-mat-nong-thon-moi-post753055.html