1. Tọa lạc tại số 97A Phó Đức Chính, quận 1, TP HCM, trụ sở của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM hiện tại chính là tư dinh của một trong "Tứ đại phú hộ" đất Sài Gòn xưa: Nhà tư sản người Hoa Hứa Bổn Hỏa (Hui Bon Hoa), mà dân Sài Gòn vẫn quen gọi là chú Hỏa.
Được khánh thánh năm 1925, dinh thự của chú Hỏa là một tòa nhà 4 tầng đồ sộ, có bố cục đăng đối, gồm 2 dãy nhà ngang và 2 dãy nhà dọc khép kín tạo thành một giếng trời ở giữa. Tòa dinh thự mang phong cách chủ đạo là Art-Deco, một trường phái kiến trúc thịnh hành ở phương Tây đầu của thế kỷ 20.
Dấu ấn kiến trúc này thể hiện rất rõ ở quy mô công trình và những chi tiết kiến trúc phóng khoáng như ban công đua ra phía ngoài, mái vươn xa, các hệ thống hoa sắt uốn công phu, độc đáo.
Do quy mô quá to lớn với nhiều phòng ốc nên người Sài Gòn còn gọi dinh thự của chú Hỏa là căn nhà 99 cửa. Đây có lẽ chỉ là con số tượng trưng. Số cửa thực tế của tòa nhà có thể còn nhiều hơn.
Tòa dinh thự này chính thức hoạt động như một bảo tàng từ năm 1991. Ngày nay Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM là một trung tâm mỹ thuật lớn của Việt Nam, nơi lưu trữ rất nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc và cổ vật mỹ thuật quý giá của Việt Nam.
2. Tọa lạc tại số 65 Lý Tự Trọng, TP HCM, tòa nhà Bảo tàng TP HCM - thường được gọi là Dinh Gia Long - là một trong những công trình cổ nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn thời thuộc địa. Tòa nhà được khởi công năm 1885 và hoàn thành năm 1890 theo thiết kế của KTS Pháp Alfred Foulhoux.
Tòa nhà có diện tích mặt bằng rộng hơn 1.700 m², gồm hai tầng với một tòa nhà chính và hai dãy nhà ngang, thiết kế theo phong cách cổ điển - phục hưng, kết hợp Âu - Á, mặt tiền được trang trí bằng rất nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo.
Nội thất của tòa nhà rất tráng lệ với những chùm đèn pha lê, hốc tranh tường, các trụ cột, gờ trần phong cách cổ điển sang trọng. Giữa sảnh chính của tòa nhà là một cầu thang gỗ uốn cong về hai bên để dẫn lên tầng hai.
Khi mới khánh thành, công trình được dùng làm Bảo tàng Thương mại. Những thập niên sau đó, tòa nhà được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như dinh Thống đốc, dinh Khâm sai, tinh Tổng trấn... Tên gọi Dinh Gia Long có từ năm 1954, do Quốc trưởng Bảo Đại đặt.
Sau 1975, tòa nhà tạm thời bị bỏ không. Đến năm 1978, TP HCM ra quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng TP HCM. Đến năm 1999 thì bảo tàng chuyển đổi thành Bảo tàng TP HCM như hiện nay.
3. Nằm trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là một công trình kiến trúc thuộc địa nổi tiếng của Sài Gòn xưa. Bảo tàng được khánh thành năm 1929, có tên gọi ban đầu là Bảo tàng Blanchard de la Brosse.
Công trình do KTS Pháp Delaval thiết kế, mang lối kiến trúc Đông Dương cách tân (Styleindochinois). Đây là phong cách kiến trúc kết hợp giữa kiến trúc châu Âu và kiến trúc bản địa, khai thác các yếu tố truyền thống địa phương. Năm 1970, bảo tàng được xây dựng thêm phần phía sau.
Điểm nhấn trong kiến trúc của tòa nhà bảo tàng là phần trung tâm có một khối bát giác, gợi nhớ quan niệm về bát quái của Kinh Dịch phương Đông. Các trang trí kiến trúc trên mặt tiền và nội thất sử dụng nhiều chi tiết, họa tiết, hoa văn... mang âm hưởng truyền thống Á Đông và Việt Nam.
Năm 1970, bảo tàng được xây dựng thêm phần phía sau một dãy nhà do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế. Dãy nhà có hình chữ U, ở giữa là hồ cây cảnh lộ thiên, hai dãy nhà nối hai bên, sau cùng là dãy nhà ba tầng.
Ngày nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP HCM là một trong những bảo tàng lớn nhất miền Nam. Trong bản đồ du lịch TP HCM, Bảo tàng là một địa điểm tham quan hấp dẫn thu hút đông đảo du khách gần xa.
Mời quý độc giả xem video: Vẻ đẹp kiến trúc TP HCM.
Quốc Lê