Những bất cập trong dạy thêm, học thêm hiện nay
Trong hơn 1 tháng qua, kể từ khi Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận có Thông báo số 2106/TB-SGDĐT kí ngày 26/9/2019 về thực hiện Quyết định 2499/QĐ - BGDĐT ký ngày 26/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm đã gây ra ít nhiều hoang mang, lo lắng cho cả các đơn vị giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh. Và cũng gây không ít bất cập trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm của ngành giáo dục hiện nay.
Những bất cập trong dạy thêm
Bất cập thứ nhất, có lẽ dễ nhận ra là theo điều 2 trong Thông báo của Sở ghi rõ Sở Giáo dục và Đào tạo không cấp phép, không gia hạn thời gian hoạt động dạy thêm, học thêm cho các tổ chức, cá nhân xin đăng ký tổ chức dạy thêm, học thêm cho đến khi có văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng thực tế, từ khi công văn của Sở được ban hành đến nay việc học thêm và dạy thêm vẫn diễn ra ở các địa phương. Bởi hầu hết là ngay từ đầu năm học (ngày 26/8/2019), các trung tâm tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường đã chủ động xin giấy phép, hoặc gia hạn thời gian hoạt động theo quy định trước đây. Trong khi đó Thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo ký ngày 26/9/2019. Nên việc có hay không dừng hoạt động của các trung tâm ngoài nhà trường vẫn là câu hỏi, vẫn là nỗi băn khoăn của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Điều bất cập thứ hai chính là việc các trường học tổ chức dạy phụ đạo học sinh yếu kém hoặc dạy đại trà cho học sinh trong trường có thu phí (có nhiều nơi cũng gọi là dạy thêm trong nhà trường) lại gặp khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục pháp lý để tổ chức hoạt động. Qua tìm hiểu tại nhiều trường THCS trên địa bàn một số huyện, thị xã trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy có nhiều trường ban giám hiệu mang hồ sơ lên phòng xin cấp giấy phép tổ chức dạy thêm trong trường (vì trong trường thường vào học vài tuần mới ổn định tổ chức lớp học phụ đạo, học thêm được) thì phòng giáo dục các địa phương đều trả lời là không thể cấp phép vì hiện tại sở đã có Thông báo chỉ đạo 2499 mà chưa có thông báo nào mới. Bởi vậy, hiện nay có nhiều trường đã chủ động ngừng hoạt động dạy thêm trong nhà trường vì sợ sai quy định, nhưng cũng có số ít trường vẫn duy trì để chờ thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thực tế đó đặt ra câu hỏi: Vậy các trường có được tổ chức dạy thêm, học thêm hay không? Xét về mặt pháp lý chắc chắn là không nhưng thực tế đây chính là cái khó của các trường. Bởi việc dạy thêm đã được sự đồng thuận của phụ huynh và học sinh tự nguyện đăng ký học (vì không phải địa phương nào cũng có trung tâm ngoài trường, nhất là các vùng nông thôn để các em học). Đặc biệt là đối với học sinh cuối cấp. Nếu các trường vẫn tiến hành dạy thì vi phạm pháp luật vì các cấp quản lý không cấp giấy phép. Mà giải thể, không dạy thì học sinh biết học ở đâu? Chị Nguyễn Thị H. (xin được phép giấu tên), một phụ huynh ở Hàm Thuận Nam cho biết: “Con tôi năm nay thi vào lớp 10, nhà lại khó khăn, đầu năm họp phụ huynh (tuần học thứ 3) nghe cô chủ nhiệm nói nhà trường có tổ chức phụ đạo đại trà cho các cháu, tôi mừng lắm. Vì học ở trường học phí rẻ mà có thầy cô dạy trên lớp kèm cặp phụ huynh cũng yên tâm. Bữa rồi nghe con bé về nói nhà trường thông báo sắp tới không dạy phụ đạo nữa vì lý do này nọ… tôi thấy lo cho con”. Lo lắng của chị H. cũng là nỗi niềm chung của không ít bậc phụ huynh hiện nay.
Nhiều thầy cô giáo cũng cho rằng việc không tổ chức dạy học thêm trong trường được như hiện nay là một sự bất hợp lý. Vì học sinh sẽ đi ra ngoài tìm các trung tâm ngoài trường học đã được cấp phép hoạt động để học. Thực tế này rất bất cập vì các trường tổ chức thì không được cấp phép mà người ngoài tổ chức trung tâm thì lại được. Còn đối với những địa phương, không có hoặc ít trung tâm bên ngoài đã được cấp phép thì phụ huynh thường chọn cách là gửi con em mình cho các thầy cô kèm riêng ở nhà. Mà việc giáo viên dạy ở nhà cũng sai quy định. Đây chính là 1 vòng lẩn quẩn với những bất cập của các cấp quản lý và các trường học hiện nay trên địa bàn tỉnh nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung.
Theo nguyện vọng, mong muốn của nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên thiết nghĩ, để việc dạy thêm và học thêm đi vào nề nếp ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, quản lý dạy thêm và học thêm ở các địa phương hiện nay là rất cần thiết. Sở Giáo dục và Đào tạo sớm có thông báo để các trường, các địa phương chủ động hơn trong việc tổ chức và cũng tạo tâm lý yên tâm đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh.
T.M