Những bất cập trong ngành du lịch

Bức xúc và phẫn nộ là cảm xúc của nhiều người khi xem video clip quay lại hình ảnh nhân viên một khách sạn tại TP Hồ Chí Minh thản nhiên dùng khăn tắm lau bồn cầu. Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của báo chí, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xử phạt khách sạn này 27 triệu đồng.

Tuy nhiên sự hoài nghi, lo âu của dư luận về những sai phạm tương tự tại nhiều cơ sở lưu trú khác chưa bị phát hiện thì vẫn còn đó. Sự việc nêu trên đã hé lộ một phần mảng tối trong thực hiện các tiêu chuẩn dịch vụ của ngành du lịch hiện nay, trong đó có chất lượng phục vụ ở các khách sạn tầm trung và giá rẻ. Tại nhiều nơi, tình trạng trang thiết bị xuống cấp, đồ đạc cũ nát, công tác dọn vệ sinh chỉ làm quấy quá,... trong khi giá thuê phòng không hề rẻ diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, lợi dụng mùa du lịch cao điểm, du khách không có nhiều lựa chọn, các cơ sở lưu trú này vẫn ung dung thu lời.

Dù muốn hay không những hình ảnh xấu xí này đang làm ảnh hưởng diện mạo của ngành du lịch Việt Nam trong mắt khách du lịch trong nước và quốc tế.

Có thể thấy rằng những năm qua, du lịch Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, với lượng khách quốc tế năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2017, du lịch Việt Nam được xếp thứ 6 trong tốp 10 điểm đến phát triển nhanh nhất của thế giới. Năm 2019, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón ước đạt hơn 8,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7,5% so cùng kỳ năm 2018. Mục tiêu năm nay của ngành du lịch là đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách du lịch trong nước. Song du lịch Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý: Lượng khách tăng nhưng chất lượng dịch vụ lại có phần chưa đáp ứng được như mong muốn.

Tại chuyên đề đặc biệt "Phát triển du lịch tại Việt Nam: Nhìn lại từ điểm tới hạn - xu hướng, thách thức và ưu tiên chính sách cho ngành du lịch Việt Nam" tổ chức gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ rõ: Những năm qua, Việt Nam mới chỉ tập trung vào việc mở rộng nguồn cung cơ sở lưu trú để bắt kịp với tăng trưởng về lượt khách. Cụ thể trong 3 năm (2015 đến 2017) số cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc bình quân tăng thêm gần 7% so với bình quân 7 năm trước đó (từ 9,6% lên 16,3%). Ðáng chú ý năm 2017, tốc độ tăng trưởng đạt 20,1%, là mức tăng cao nhất trong 15 năm qua. Tuy nhiên, việc tăng trưởng khá nóng của hệ thống các cơ sở lưu trú đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm: Một tỷ lệ lớn cơ sở lưu trú mọc lên theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, khai thác theo kiểu tận thu, dẫn đến tình trạng kinh doanh chộp giật. Thậm chí có tình trạng "chạy sao" từ khách sạn hạng thấp lên thứ hạng cao hơn trong khi chất lượng không tương xứng.

Hậu quả là có tình trạng khách sạn mọc lên thiếu quy hoạch, phá vỡ cảnh quan đô thị, gây sức ép lên các cơ sở hạ tầng của địa phương, làm giảm sự hấp dẫn của điểm đến du lịch. Dịp nghỉ lễ 30-4 vừa qua, việc hàng loạt khách sạn ở Sa Pa (Lào Cai) không nhận khách vì thiếu nước sinh hoạt là minh chứng rất rõ cho điều này. Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân, công tác kiểm tra, giám sát việc cấp phép xây dựng, hoạt động kinh doanh, dịch vụ đối với hệ thống khách sạn, nhà nghỉ trên toàn quốc hiện nay còn thiếu đồng bộ, không thường xuyên, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật.

Dự kiến ba năm tới, Việt Nam sẽ có sự gia nhập của các thương hiệu khách sạn quốc tế, điều này không chỉ góp phần thay đổi cấu trúc khách du lịch, mà còn tạo cuộc cạnh tranh gay gắt trong hoạt động kinh doanh du lịch trong nước. Do đó, cần phải thấy rằng, nếu ngay từ bây giờ, các cơ sở lưu trú không chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, kịp thời chấn chỉnh những bất cập, coi đó là yêu cầu sống còn để phát triển bền vững thì rất dễ bị thua ngay trên sân nhà.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/40995802-nhung-bat-cap-trong-nganh-du-lich.html