Những bất cập từ chính sách tài chính của Nhật Bản
Chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản cho rằng chính sách tiền tệ siêu lỏng mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì cho thấy những bất cập và cần có một sự thay đổi linh hoạt hơn.
Báo Mainichi (Nhật Bản) dẫn phân tích của bà Sayuri Kawamura, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính tiền tệ thuộc Viện nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản, cho rằng chính sách tiền tệ siêu lỏng mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì đang cho thấy những bất cập và cần có một sự thay đổi linh hoạt hơn.
Trong một phát biểu gần nhất, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết, họ vẫn sẽ kiên trì với chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn để hỗ trợ nền kinh tế ngay cả khi đồng yen suy yếu và chỉ số lạm phát đã đạt được mục tiêu đề ra trước đó.
Tuy nhiên, bà Kawamura cho rằng chính sách tiền tệ siêu lỏng này đang là một trong những lý do khiến giai đoạn sau của chính sách kinh tế "Abenomics" không phát huy được hiệu quả.
Một nền kinh tế duy trì lãi suất ở mức 4-5% sẽ được xem là một nền kinh tế năng động nhưng câu chuyện sẽ khác nếu lãi suất ở mức quá thấp là 1%, thậm chí là 0%. Một khi lãi suất quá thấp, việc vay tiền sẽ không phát sinh thêm chi phí và dẫn đến tình trạng ngay cả khi doanh nghiệp làm ăn không tốt thì họ vẫn có thể tồn tại do không chịu áp lực trả lãi ngân hàng.
Do đó, nguyên nhân quan trọng khiến mục tiêu tăng trưởng của chính sách Abenomics không thuận lợi và việc phục hồi kinh tế của Nhật Bản giai đoạn hậu COVID-19 chậm hơn Mỹ và châu Âu là do BoJ thiết lập lãi suất quá thấp.
Lý do Thống đốc BoJ Kuroda chưa xem xét điều chỉnh chính sách tiền tệ
BoJ thực chất không còn quyền tự do tăng lãi suất như trước đây. Nếu tăng lãi suất, BoJ sẽ không có đủ khả năng chi trả cho chi phí lãi suất gia tăng đối với các tài khoản vãng lai. Giả sử tài khoản vãng lai tiền gửi là 500.000 tỷ yen do các tổ chức tài chính tư nhân nắm giữ và BoJ tăng lãi suất lên 1% thì chi phí hàng năm BoJ sẽ phải chi trả là 5.000 tỷ yen/năm. Mặt khác, lợi suất trái phiếu chính phủ mà BoJ mua từ các tổ chức tài chính thấp hơn 0,2%, do đó lợi suất là âm.
Nếu lãi suất càng cao thì BoJ sẽ chìm trọng nợ nần và mất khả năng thanh toán. Đó là lý do chính khiến Thống đốc Kuroda đang trì hoãn việc tăng lãi suất.
Ngược lại, nếu BoJ tiếp tục thả lỏng lãi suất, lạm phát do giá trị nhập khẩu tăng cao sẽ như “đổ thêm dầu vào lửa”. Một kịch bản đáng lo ngại là các doanh nghiệp Nhật Bản cảm nhận được những rủi ro lớn và tìm cách rời khỏi Nhật Bản để đầu tư kinh doanh ở những đất nước có chính sách tiền tệ phù hợp hơn với họ.
Việc Bộ Tài chính tiến hành can thiệp tiền tệ bằng cách mua vào đồng yen và bán ra đồng USD để giữ cho đồng yen không vượt mốc an toàn 150 yen đổi 1 USD là một dấu hiệu cho sự khởi đầu của khủng hoảng, mặc dù tác dụng của giải pháp này khá hạn chế. Đây là thời điểm Chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio và BoJ ngồi lại để thảo luận về các chính sách tiền tệ hợp lý, không để ảnh hưởng sâu hơn đến giới doanh nghiệp và người dân.
Mâu thuẫn giữa mở rộng tài chính công và kiểm soát lạm phát
Quy mô gói ngân sách bổ sung thứ hai được Nội các Nhật Bản phê duyệt vào ngày 8/11 đã lên tới con số 29.000 tỷ yen, trong đó 80% được huy động từ việc phát hành trái phiếu chính phủ.
7.800 tỷ yen dự kiến sẽ được sử dụng trong các sáng kiến để đối phó với tình hình giá cả leo thang và tăng lương cho người lao động cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại các nước phương Tây, giải pháp để đối phó với lạm phát là thặt chặt lãi suất, qua đó thu hẹp khoảng cách mặt bằng lãi suất với các nước khác. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản lại lựa chọn phương án mở rộng tài chính công để chống lạm phát, được xem là đang có tác dụng ngược.
BoJ, là cơ quan chịu trách nhiệm chính về chống lạm phát, đã không có động thái nào khi tốc độ tăng giá tiêu dùng đạt mức 2-3% trong 6 tháng từ tháng 4-10/2022. BoJ lập luận rằng, chỉ số này không phản ánh đúng mục tiêu lạm phát 2% như ban đầu, qua đó tiếp tục củng cố lập trường duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng. Tuy nhiên, tốc độ tăng lương thấp khiến cho các chính sách liên quan của Chính phủ Nhật Bản không mang lại niềm tin cho người dân.
Để cứu vãn tình thế, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai chương trình hỗ trợ người dân có thu nhập thấp bằng tiền mặt nhưng thực chất chỉ mang tính tạm thời mà không giải quyết được vấn đề cốt lõi của vấn đề là giá cả leo thang. Trong khi đó, nguồn tiền để thực hiện lại là tài chính công, điều này đồng nghĩa với việc giải pháp hiện tại sẽ là gánh nặng cho thế hệ tương lai.
Theo bà Kawamura, cần có một sự điều chỉnh chính sách tiền tệ kịp thời, chẳng hạn như BoJ chấm dứt việc duy trì lãi suất âm hoặc cho phép lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng thêm một chút.
Nếu lãi suất âm trong giai đoạn tập trung đối phó với khủng hoảng thì có thể chấp nhận được, nhưng đã 6 năm rồi và đó là một khoảng thời gian quá dài. Càng kiên định, Nhật Bản càng ít có cơ hội thoát khỏi tình trạng khó khăn này./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-bat-cap-tu-chinh-sach-tai-chinh-cua-nhat-ban/269432.html