Những bất cập từ mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Sau 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956), nhiều mô hình được đúc rút và triển khai rộng rãi. Dù vậy, không ít mô hình đạt hiệu quả không như mong đợi, trong quá trình tổ chức đào tạo còn tồn tại nhiều bất cập.

Nghề may là nghề dễ đào tạo nhưng khó để người lao động gắn bó lâu dài.

Là huyện được chọn làm điểm triển khai thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Duy Tiên có nhiều lợi thế khi được hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất, dạy nghề. Cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Duy Tiên (TT GDNN – GDTX) đều được đầu tư mới hoàn toàn, có trụ sở làm việc, có phòng học lý thuyết, phòng thực hành, cơ sở may, cơ sở hàn… đúng tiêu chuẩn. Việc dạy nghề áp dụng theo mô hình thí điểm nên tập trung chủ yếu vào những nghề phi nông nghiệp. Tổng cục Dạy nghề tạo điều kiện cho trung tâm tổ chức dạy, đào tạo những nghề gắn với nhu cầu của người lao động.

Ông Nguyễn Văn Khuyến, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Duy Tiên cho biết: Duy Tiên là huyện có diện tích thu hồi đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp lớn nhất tỉnh, hầu như xã nào cũng có diện tích bị thu hồi. Số lao động nông thôn trong diện thu hồi đất đã và đang có nhu cầu việc làm không nhỏ. Cùng với đó, số lao động thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình người có công (các đối tượng nằm trong quy định của đề án) chiếm tỷ lệ tương đối cao.

Được giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, TT GDNN – GDTX đã thực hiện liên kết đào tạo nghề với các doanh nghiệp, như: Công ty May Norfolk – Hatexco, Công ty may Việt Hiền… Mỗi năm, TT GDNN – GDTX đã tổ chức được gần chục lớp học nghề may công nghiệp và điện dân dụng cho hàng trăm lao động nông thôn.

Ông Trần Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Khóa học kéo dài 3 tháng, các học viên được đào tạo đầy đủ kỹ thuật cắt may hoàn chỉnh, nắm vững tính năng, hoạt động của máy may công nghiệp; có kiến thức cơ bản về nguyên vật liệu, phụ liệu trong ngành, đồng thời có thể tự sửa chữa các hư hỏng thông thường của thiết bị; có thể ráp may theo từng công đoạn và may thành một bộ quần áo hoàn chỉnh. Lĩnh vực điện dân dụng, các học viên được đào tạo kỹ thuật an toàn điện, thiết bị điện, các vấn đề liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất, kinh doanh điện năng, những kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành điện dân dụng”.

Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nguyễn Văn Khuyến, làm tốt liên kết trong đào tạo nên số lao động được đào tạo nghề có việc làm sau đó khá cao, đạt trên 80%. Người lao động sau đào tạo hầu hết đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc.

Ở các địa phương khác, các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được triển khai rộng rãi như: Thêu ren ở xã Lê Hồ, Đồng Hóa, Tân Sơn, Nguyễn Úy, Tượng Lĩnh, Hoàng Tây (Kim Bảng); thôn An Hòa, xã Thanh Hà (Thanh Liêm); mô hình nuôi cá nước ngọt tại xã Nhân Nghĩa, mô hình trồng bưởi tại xã Chân Lý (Lý Nhân); mô hình trồng và nhân giống nấm, trồng rau hữu cơ, trồng lúa năng suất cao… ở nhiều địa phương.

Được biết, trước khi thực hiện các mô hình này, 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh được giao thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của lao động, thực tế phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Vì thế, sau mỗi khóa đào tạo, người lao động đều có việc làm, vận dụng được kiến thức vào thực tiễn sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn. Trong giai đoạn từ 2010 đến hết năm 2019, có trên 62.000 người lao động được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp theo Đề án 1956.

Tuy nhiên, đánh giá của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, mặc dù nhiều mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, nhưng cũng còn có các mô hình bộc lộ bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, như mô hình hoạt động dập khuôn, không mang tính đa dạng ngành nghề đào tạo, việc tổ chức đào tạo cũng còn nhiều bất hợp lý. Ông Trần Huy Cường, Giám đốc TT GDNN-GDTX huyện Kim Bảng cho biết, kinh phí cho đào tạo nghề quá hạn hẹp, định mức cho đào tạo trong 10 năm không thay đổi, trong khi nhu cầu thực tế về đào tạo mỗi năm một khác.

Ông Trần Huy Cường nói: “Nếu với định mức ấy, chúng tôi rất khó có thể mời giáo viên giảng dạy, vì nhiều nghề đào tạo không có giáo viên cơ hữu. Việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa giáo viên, cán bộ quản lý vì thế cũng gặp khó khăn. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, thu hút doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng giáo trình… Một bộ phận người lao động chưa ý thức được việc học nghề, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chế độ, chính sách. Việc tuyển sinh cũng gặp khó”.

Đấy là về kinh phí, còn về hiệu quả việc làm sau đào tạo, một số mô hình đã bộc lộ rõ những hạn chế, nghề không nuôi được người lao động để lao động phải bỏ nghề tìm việc khác, thí dụ như thêu ren. Hàng nghìn lao động đã được học nghề này, nhưng chỉ sau một thời gian, thị trường thêu ren gặp khó khăn, tiền công cho lao động thấp, người ta buộc phải bỏ nghề vào làm việc ở các công ty hoặc chuyển nghề khác. Rồi như mô hình trồng nấm, đầu ra không lo được, giá thành sản phẩm rẻ nên người lao động cũng đành bỏ mô hình, chuyển đổi ngành nghề…

Ông Nguyễn Văn Khuyến, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Duy Tiên nói, đấy là tính bền vững của mô hình đã không được bảo đảm. Từ thực tế ở Duy Tiên, ông chỉ ra bất cập khác: Đối với những đối tượng trên 45 tuổi, đào tạo nghề gì cho người lao động để học nghề xong họ có thể tự tạo việc làm là điều quan trọng. Số lao động trên 45 tuổi của huyện Duy Tiên chiếm 30% dân số, là lực lượng lao động lớn. Xin vào doanh nghiệp độ tuổi này rất khó, nhưng làm lao động thời vụ, lao động tự do họ phải chịu nhiều thiệt thòi và thu nhập bấp bênh. Vì thế, triển khai thực hiện các mô hình đào tạo trong thời gian tới cần đánh giá cụ thể những bất cập này, đầu tư đào tạo nghề có trọng điểm để phát huy hiệu quả nguồn lực và huy động đa dạng nguồn lực đào tạo nghề…

Giang Nam

Chu Uyên

Nguồn Hà Nam: http://www.baohanam.com.vn/xa-hoi/nhung-bat-cap-tu-mo-hinh-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-20217.html