Những bẫy tin giả phổ biến trong bầu cử tổng thống Mỹ 2020
Thời gian kiểm phiếu kéo dài tạo cơ hội cho thông tin sai lệch, thiếu căn cứ về quy trình bầu cử Mỹ được phát tán trên mạng xã hội.
Hai tuần sau ngày bầu cử, kết quả chính thức về cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn chưa được khẳng định. Những thông tin do truyền thông Mỹ đưa ra đến nay vẫn chưa thể coi là chính thức, mà cần sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Hiệp hội Bầu cử Liêm chính Mỹ và các chuyên gia cho biết nhiều hình thức thông tin sai lệch tiếp tục được lan truyền trên các mạng xã hội. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên cảnh giác để tránh hiểu sai về tình hình cuộc bầu cử, cũng như gián tiếp lan truyền thông tin sai lệch.
Trang Nieman Lab chỉ ra các nhóm tin giả nổi bật trong mùa bầu cử năm nay, và nguyên nhân làm phát sinh những thông tin sai lệch này.
1. Phiếu bầu tăng vọt cho một ứng viên là bằng chứng gian lận
Tổng thống Trump khẳng định ông vẫn đang trên đà thắng trong đêm bầu cử, nhưng sau đó bất ngờ bị ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước. Việc phiếu bầu đổ dồn cho ông Biden là cái cớ để ông Trump gieo rắc cáo buộc gian lận bầu cử đã xảy ra.
Điểm khác biệt lớn nhất ở cuộc bầu cử năm nay là sự gia tăng đáng kể số phiếu bầu qua thư ở nhiều bang, cũng như quy trình kiểm phiếu không đồng nhất giữa các bang.
Ở một số bang như Wisconsin và Pennsylvania, phiếu bầu trực tiếp được gửi trước và trong ngày bầu cử sẽ được kiểm đếm đầu tiên, sau đó mới đến phiếu bầu qua thư.
Quy trình này có thể được tiến hành ngược lại ở các bang như Texas và Florida.
Ngay cả các chuyên gia cũng gặp khó khăn trong việc dự đoán những phiếu bầu được kiểm đếm sau sẽ mang lại lợi thế cho ứng viên nào.
Chính sự phức tạp trong kiểm phiếu đã tạo cơ sở cho nhiều luồng thông tin hoài nghi về cuộc bầu cử, hoặc thậm chí tước bỏ tính chính danh của sự kiện này.
Khi phiếu bầu được kiểm đếm ngày càng nhiều, dẫn tới thay đổi cục diện cuộc bầu cử, một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) đặt câu hỏi về quy trình và kết quả kiểm phiếu ở các bang chiến trường mà không có bằng chứng rõ ràng.
Chẳng hạn, hình ảnh một số người di chuyển phiếu bầu có vẻ đáng nghi xuất hiện trên mạng xã hội gần đây. Tuy nhiên, những người này sau đó được xác minh là nhân viên kiểm phiếu, và việc di chuyển phiếu bầu thuộc chức trách của họ.
Một số người cũng cáo buộc việc phiếu bầu cho một ứng cử viên gia tăng đột biến là dấu hiệu của gian lận bầu cử. Tuy nhiên, xu hướng bỏ phiếu qua thư và phương pháp kiểm phiếu có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nói trên.
2. Cử tri được phát bút đặc biệt khiến máy quét không dò ra thông tin
Nhiều cử tri khẳng định không phát hiện sự cố đáng kể nào. Tuy nhiên một số người nói đã chứng kiến vài tình huống cá biệt. Vì động cơ chính trị, họ thu thập những vụ việc đơn lẻ này thành một bộ bằng chứng, xem như cơ sở cho cáo buộc gian lận để bác bỏ kết quả kiểm phiếu.
Đa phần những bằng chứng như vậy xuất phát từ những vụ việc có thật. Tuy nhiên, chúng bị tách ra khỏi hoàn cảnh đầy đủ và có xu hướng bị phóng đại. Ví dụ, vụ việc cá biệt ở một địa điểm lại bị cho là cũng xảy ra ở nhiều nơi khác.
Một thông tin xuất hiện trong ngày bầu cử, và vẫn lan truyền trong những ngày qua, là nhân viên bầu cử ở Arizona phát cho cử tri bút chì đặc biệt khiến máy kiểm phiếu không thể đọc được thông tin trên lá phiếu.
Hơn 160.000 lượt chia sẻ nội dung liên quan tới loại bút chì trên Twitter chỉ trong ngày 4/11.
Một phụ nữ khẳng định trong video rằng chuyện này đã xảy ra ở 4 nơi tại hạt Maricopa. Dù chưa thể xác thực, video thu hút hơn 82.000 lượt xem trên mạng, theo AP.
Một số người biểu tình ở hạt Maricopa, bang Arizona sử dụng thông tin này để gây sức ép lên nhà chức trách.
Theo Fox News, Văn phòng Tổng chưởng lý Arizona phải ra lệnh điều tra cáo buộc liên quan tới loại bút chì nói trên.
Trước sự lan truyền quá nhanh của tin giả, Giám đốc Cơ quan Bầu cử bang Arizona Sambo Dul khẳng định vụ việc chỉ là "tưởng tượng" và mọi phiếu bầu đều được kiểm đếm.
3. Thuyết âm mưu về làm giả phiếu bầu
Một trong những cáo buộc phổ biến nhất là các nhà hoạt động và quan chức kiểm phiếu đã giả mạo phiếu bầu hoặc nâng khống tổng số phiếu để tạo ra kết quả có lợi cho một trong các ứng viên.
Đây là thuyết ấm mưu xuất hiện ngay trong đêm bầu cử, khi Tổng thống Trump tuyên bố ông lo ngại những lá phiếu "được tìm thấy" lúc 4h sáng và "được thêm vào danh sách".
Một số cáo buộc thì cho rằng nhân viên kiểm phiếu đã cố ý phá hủy, loại bỏ, làm sai lệch phiếu bầu của cử tri, hoặc thay thế chúng bằng phiếu bầu giả dành cho đảng đối thủ.
Mục tiêu cuối cùng là tạo ra ấn tượng sai lệch rằng phiếu bầu có thể bị đánh tráo hoặc thêm vào bất hợp pháp.
Một ví dụ là trường hợp sai sót nhập liệu trong quá trình nhân viên thông tin gửi dữ liệu kiểm phiếu ở Michigan tới các hãng thông tấn. Tuy nhiên, sai sót này không ảnh hưởng tới kết quả kiểm phiếu trên thực tế. Các hãng tin cũng đã được thông báo lại về con số chính xác sau đó.
4. Tuyên bố chiến thắng sớm của ông Trump
Đêm ngày 3/11, vài giờ sau khi hết thời gian bỏ phiếu, Tổng thống Trump tuyên bố ông chiến thắng cuộc bầu cử. Không lâu sau đó, ông Trump đăng trên Twitter nói mình đã thắng ở nhiều bang, bao gồm Pennsylvania, nơi việc kiểm phiếu chưa hoàn tất.
Với tuyên bố đơn phương này, các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Twitter đều cho ẩn, hoặc gắn cảnh báo về nội dung gây tranh cãi, cho mọi bài đăng về sau của ông Trump.
Nhiều đài truyền hình Mỹ cũng ngưng phát sóng cuộc họp báo ngày 6/11 đương kim tổng thống vì cho rằng có quá nhiều nội dung sai sự thật.
Việc ông Trump đơn phương tuyên bố chiến thắng sớm tạo tiền đề cho các tranh luận về nghi vấn gian lận, nếu kết quả được công bố về sau lại trái với những tuyên bố ban đầu của các ứng viên.
Những tranh luận về tính trung thực của cuộc bầu cử góp phần thúc đẩy mục tiêu chính trị của các ứng viên, đồng thời làm suy yếu lòng tin vào tính trung thực của quá trình kiểm phiếu.
Hiện nay, cuộc họp của các đoàn đại cử tri đại diện cho các tiểu bang chưa diễn ra. Cho đến thời điểm đó, mọi kết quả về người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 vẫn là chưa chính thức.
Tuy nhiên, theo như thông lệ, nếu một ứng viên đã nhận thua cuộc thì người thắng có thể bắt đầu chuẩn bị cho việc chuyển giao. Quá trình này năm nay bị trì hoãn do sự khăng khăng cố chấp của Tổng thống Trump.
5. Fox News "tung tin giả" về kết quả ở Arizona?
Ngay cả những mô hình dự đoán tiên tiến nhất cũng có thể mắc sai lầm. Các dự đoán thiếu chính xác, dù vô tình hay cố ý, cũng có thể được sử dụng để thách thức kết quả kiểm phiếu hoặc tạo ra nghi ngờ về quy trình kiểm phiếu.
Tuy nhiên, một thông tin bị hàng chục triệu cử tri ủng hộ ông Trump dán mác tin giả chính là việc Fox News nói ông Biden thắng ở Arizona.
Trên thực tế, cùng với Fox News, AP cũng tuyên bố sớm về kết quả ở Arizona. Điều khiến Fox News bị chỉ trích dữ dội là vì các cử tri phe Cộng hòa và bảo thủ không thể chấp nhận đài này tuyên bố có lợi cho phe đối thủ.
Tổng thống Trump và giới chức Nhà Trắng cũng rất bất bình trước động thái của Fox News.
Sức ép từ các cử tri của ông Trump lớn đến nỗi giới quan sát truyền thông cho rằng Fox News đang tự gây khó khăn cho sự tồn tại của đài này, dù họ công bố một thông tin không sai sự thật.
Phải hơn một tuần sau, nhiều hãng truyền thông lớn khác như CNN, NBC mới xác nhận dự báo chiến thắng của ông Biden ở Arizona.
Fox News chỉ là một trong rất nhiều hãng gặp khó khăn ở việc công bố dự báo ứng viên chiến thắng, do thăm dò dư luận năm nay có kết quả rất khác với tỷ lệ phiếu bầu thực tế, còn lượng phiếu bầu qua thư khổng lồ nghiêng về phía đảng Dân chủ.
Những điều kiện ấy khiến các hãng thông tấn lớn của Mỹ gặp khó khăn khi dự đoán người chiến thắng ở từng bang, cũng như kết quả chung cuộc. Thời gian kiểm phéo kéo dài tạo điều kiện cho thông tin sai lệch phát tán mạnh mẽ.