Những bệnh lý nguy hiểm người chơi thể thao cần biết
Thời gian qua, nhiều ca nhập viện, thậm chí tử vong khi luyện tập các môn thể thao như chạy bộ, đạp xe… Theo thống kê, có tới 80% ca đột tử khi chơi thể thao liên quan các bệnh lý tim mạch.
Sốc, choáng do vận động gắng sức
Sau pha đổi hướng gấp trong lần chơi cầu lông, suốt một tháng nay, một bên đầu gối của anh N.V.T (27 tuổi, Hà Nội) vẫn đau nhẹ khi đứng thẳng chân hoặc gập chân hết biên độ. T cho hay, ngay sau cú xoay người gấp để đỡ cầu, khớp gối ngoài chân phải của anh không gập và duỗi thẳng được. Sau khi uống thuốc giảm đau và kháng viêm, gối co gập lại được nhưng vẫn đau.
Sau đó, anh T chụp MRI và được chẩn đoán là bị dập nhẹ sụn chêm ngoài bên phải và giãn dây chằng chéo sau. "May mắn là trường hợp của tôi có thể điều trị bảo tồn không cần mổ. Sau này khỏe, tôi sẽ lại tiếp tục quay trở lại chơi môn thể thao yêu thích này", T chia sẻ.
Cách đây không lâu, các bác sĩ Bệnh viện E (Hà Nội) tiếp nhận nam bệnh nhân 37 tuổi được đưa đến cấp cứu trong tình trạng vật vã, kích thích. Trước đó, bệnh nhân bất ngờ chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu khi đang chạy bộ. Sau khi được sơ cứu, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện E.
Trước khi tham gia giải chạy, bệnh nhân bị sốt. Nghĩ rằng đã khỏe mạnh trở lại, anh này tiếp tục chạy. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy dấu hiệu chuyển hóa, suy thận cấp, buộc phải điều trị tích cực, lọc máu. Sau hai tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân được cải thiện.
Kém may mắn hơn, hồi giữa tháng 10 vừa qua, một người đàn ông khoảng 30 tuổi đang chạy bộ tại Công viên Thanh Xuân (Hà Nội) bất ngờ ngã gục. Dù được cấp cứu ép tim ngừng tuần hoàn, sau đó được đưa đến viện nhưng người này không qua khỏi.
BS Đỗ Quốc Phong, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện E cho biết, mỗi năm tại đây tiếp nhận 4-5 bệnh nhân vào cấp cứu do sốc, choáng do vận động gắng sức. Bệnh nhân khi nhập viện thường có dấu hiệu choáng váng, mạch nhanh, ngất, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Khó lường với bệnh lý tiềm ẩn
PGS.TS Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe là rất tốt. Tuy nhiên, nếu không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó có thể bị chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp. Thậm chí, người tập có thể đối mặt với tình trạng nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...
Mùa lạnh, khi chạy hoặc chơi thể thao, cơ thể phải lấy năng lượng nhiều hơn, tăng dòng máu vào cơ tim nhiều hơn, nên nguy cơ ngừng tuần hoàn, đột tử có thể xảy ra, đặc biệt với người có bệnh lý tim mạch, hô hấp tiềm tàng. Chính vì vậy, người tập cần khởi động kỹ càng trước khi tập luyện và vận động tăng dần. Trong quá trình tập luyện, người tập luyện nên bổ sung nước, điện giải đầy đủ. Cần chú ý tới các dấu hiệu như khát nước liên tục dù đã uống nước. Đặc biệt, nếu đau cơ kéo dài, mệt mỏi, nước tiểu ít, nước tiểu có màu đỏ… người tập cần nhanh chóng tới cơ sở y tế thăm khám.
BS Nguyễn Đức Hưng
Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Thậm chí, có những người đã biết trước bệnh lý tim mạch, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Hoặc có người có bệnh lý tiềm ẩn nhưng chưa phát hiện vì họ không đi khám, hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.
"Trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào, người tập cần phải kiểm tra thể lực. Có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý tiềm tàng như: bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…", ông Kha khuyến cáo.
Đồng quan điểm, BS. CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, không ít trường hợp tử vong đáng tiếc khi chạy bộ hay tham gia các hoạt động thể thao mang tính cạnh tranh do đột quỵ tim.
Nhiều trường hợp mắc bệnh lý tim mạch không có triệu chứng. Khi người bệnh hoạt động gắng sức phải lấy năng lượng nhiều hơn, tăng chuyển hóa cơ bản, mất nước và điện giải khiến những bệnh lý tim mạch tiềm ẩn bị khởi kích, như loạn nhịp nguy hiểm hoặc kích thích nghẽn đường ra thất trái trong bệnh cơ tim phì đại… dẫn đến hậu quả ngừng tim phổi, đột tử nếu không cấp cứu kịp thời.
Để phòng ngừa tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra, BS Hưng khuyến cáo trước khi tập chạy, nhất là chơi các môn thể thao đòi hỏi sức bền, có tính cạnh tranh cao, cần kiểm tra thể lực, kiểm tra chuyên sâu tim mạch, hô hấp, tuần hoàn. Nếu thấy các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tăng, huyết áp tụt… phải đi khám và điều trị kịp thời.