Những bệnh nhân thoát cửa tử nhờ quy trình báo động đỏ liên viện
Quy trình báo động đỏ của bệnh viện được đẩy mạnh trong thời gian xảy ra dịch COVID-19. Những tháng qua đã chứng minh việc tổ chức cấp cứu thông qua hệ thống này hiệu quả cho bệnh nhân.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều phương thức trong công tác khám chữa bệnh ở các bệnh viện.
Điển hình như trong tình hình dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19 trở thành mối quan ngại lớn với ngành y tế, bệnh nhân được phân luồng nên khám chữa bệnh tại tuyến dưới, tránh tình trạng vượt tuyến không cần thiết lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) từ đầu năm đến nay có rất nhiều trường hợp bệnh nhân ngừng tuần hoàn, ngừng tim, ngộ độc khí… được cứu sống kịp thời nhờ hệ thống báo động đỏ nội viện và liên viện.
Bệnh nhân thoát cửa tử
Ngày 7/11, bệnh nhân N.T.H 67 tuổi ở phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội nhập Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba trong tình trạng mặt tím tái, khó thở.
Khi được đưa tới viện, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc khí gây kích ứng hô hấp. Bệnh nhân sau đó càng khó thở hơn.
Tiến sỹ Trần Thị Nguyệt Nga - Trưởng khoa Nội (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba) cho hay bệnh nhân bị kích ứng, ngạt thở do khí của nước tẩy bồn cầu. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, sau đó được các bác sỹ đặt ống nội khí quản và bóp bóng hỗ trợ.
Ngay sau đó hệ thống báo động đỏ liên viện được kích hoạt. Các bác sỹ của Khoa Nội đã liên hệ với các bác sỹ của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) hướng dẫn xử lý cấp cứu ngay cho bệnh nhân và chuyển tuyến. Sau 2 ngày điều trị tại Trung tâm Chống độc sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được chuyển về tuyến dưới.
Bệnh nhân H. có tiền sử tăng huyết áp, mắc bệnh đái tháo đường điều trị thường xuyên.
Người nhà của bệnh nhân kể lại, bà H. bị ngộ độc khi đang cọ rửa bồn cầu, hít phải thuốc tẩy rửa bồn cầu.
Trước đó, vào tháng 5/2020, bệnh nhân H.M.H, 71 tuổi ở Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội bị đau ngực 5 ngày nhưng không đi khám vì sợ dịch COVID-19. Sau đó gia đình đưa bệnh nhân vào trong tình trạng mệt và được các bác sỹ chỉ định điện tim. Sau khi điện tim xong, các bác sỹ chỉ định làm thủ tục chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Tim Hà Nội. Khi điều dưỡng đang làm thủ tục chuyển thì bệnh nhân ngừng tim.
Ngay lập tức, tua trực tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân H., ép tim và bóp bóng, sốc tim suốt từ bệnh viện tới khi tới Bệnh viện Tim Hà Nội. Sau khi cấp cứu kịp thời, đến nay bệnh nhân đã ổn định.
Một trường hợp khác là bệnh nhân V.T.H, 73 tuổi ở Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội là trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng lả người, đi lại khó khăn phải có người dìu vào. Khi bệnh nhân được đưa vào giường nằm thì ngừng tuần hoàn.
Các bác sỹ Khoa Nội tiến hành ép tim, bóp bóng, tiêm Adrenalin. Sau đó các bác sỹ Khoa gây mê hồi sức hỗ trợ đặt nội khí quản. Sau cấp cứu, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Tim Hà Nội điều trị kịp thời đến nay sức khỏe vẫn ổn định.
Hoàn thiện hệ thống báo động đỏ
Tiến sỹ Trần Thị Nguyệt Nga cho biết tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba quy trình báo động đỏ của bệnh viện được đẩy mạnh trong thời gian xảy ra dịch COVID-19. Những ca bệnh được cứu sống kịp thời trong các tháng qua đã chứng minh việc tổ chức cấp cứu thông qua hệ thống này hiệu quả, thuận lợi cho nhiều bệnh nhân nặng. Có bệnh nhân ngừng tim, nhồi máu cơ tim cấp được bệnh viện kích hoạt hệ thống báo động đỏ kịp thời để cứu sống bệnh nhân.
Theo tiến sỹ Trần Thị Nguyệt Nga, hệ thống báo động đỏ nội viện và ngoại viện được đẩy mạnh đồng thời với nhau. Với bệnh nhân nội viện, bất kỳ trường hợp nào ở các khoa khác khi có bệnh nhân có sốc phản vệ gọi hệ thống báo động đỏ trong đó có danh sách của lãnh đạo khoa và bác sỹ có trình độ, năng lực cấp cứu, đơn nguyên cấp cứu của khoa nội là chủ đạo, kết hợp với khoa gây mê hồi sức hỗ trợ các khoa lâm sàng có những tình huống bệnh nhân nặng khi đến sẽ cùng nhau phối hợp để xử lý cấp cứu. Khi bệnh nhân ổn và không có nguy cấp sẽ duy trì điều trị tiếp.
Đối với hệ thống báo động đỏ ngoại viện, tại bệnh viện có danh sách khoa cấp cứu của các bệnh viện như: Thanh Nhàn, Xanhpôn, Bạch Mai, Viện Tim Hà Nội. Khi có bệnh nhân nguy cấp cần chuyển viện, các bác sỹ sẽ liên hệ, tuyến trên hỗ trợ kịp thời. Hệ thống báo động đỏ nội viện đang hoạt động tốt, mỗi một khu có 1 valy cấp cứu nâng cao để trang bị kịp thời các thiết bị cấp cứu.
“Số lượng bệnh nhân năm nay được cấp cứu thông qua hệ thống báo động đỏ nội viện và liên viện nhiều và thành công hơn. Đó là những kỳ tích đáng tự hào. Từ những ca cấp cứu thành công đó, chúng tôi tiến hành rút kinh nghiệm ở khoa và ở bệnh viện để hoàn thiện hơn các quy trình, phác đồ cấp cứu tiếp theo,” bác sỹ Nga chỉ rõ.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Phúc - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba cho hay trong những năm gần đây, hệ thống báo động đỏ của bệnh viện ngày càng hoàn thiện hơn và dần phát huy hiệu quả. Khi bệnh nhân đến viện được các bác sỹ khám sàng lọc và chẩn đoán nhanh, trong trường hợp cần chuyển tuyến sẽ được các bác sỹ liên hệ chuyển tuyến kịp thời, tránh tình trạng bệnh nhân vượt tuyến không cần thiết.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả của hệ thống báo động đỏ, bệnh viện đã triển khai nhiều lớp tập huấn đặc biệt là cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp, cấp cứu phản vệ để bất kỳ nhân viên y tế nào cũng xử lý được khi có tình huống xảy ra với người bệnh./.
Nhằm không ngừng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, các bệnh viện đã đầu tư trang thiết bị, đào tạo và tăng cường nhân lực cả về số lượng và chất lượng, cải tạo cơ sở hạ tầng, phát triển nhiều lĩnh vực mũi nhọn về khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe…
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba có hơn 100.000 người đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại đây. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân tới khám và điều trị.