Những bếp ăn ấm lòng trong đại dịch
Không nề hà vất vả, từ các cô giáo đến những chị phụ nữ tại thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) đã tình nguyện tham gia nấu ăn cho người đang cách ly và lực lượng chốt phong tỏa trên địa bàn.
ĐẢM BẢO DINH DƯỠNG CHO TRẺ MẦM NON
Hơn 10 ngày nay, dù trường đang tạm cho trẻ nghỉ học nhưng các cô giáo và nhân viên Trường Mầm non Sơn Ca vẫn có mặt hàng ngày tại trường để nấu những bữa ăn cho khu cách ly Trường THPT Lang Biang.
Đều đặn ngày 3 bữa, những suất ăn nóng hổi được các cô Trường Mầm non Sơn Ca chuẩn bị cho trẻ mầm non và phụ huynh cũng như nhân viên phục vụ khu cách ly Trường THPT Lang Biang. Với thực đơn thay đổi hàng ngày, 70 suất ăn được các cô nấu theo hai chế độ: Một cho trẻ và một cho người lớn. “Đối với trẻ mầm non 3 tuổi, chúng tôi lên thực đơn kỹ lưỡng với chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ, đặc biệt chú ý đến những thực phẩm tăng cường sức đề kháng cho trẻ trong thời gian thực hiện cách ly tập trung. Tuy trường tạm nghỉ học nhưng giáo viên, nhân viên của trường đều tích cực tham gia nấu ăn với mong muốn đảm bảo đủ chất cho các cháu và phụ huynh để họ yên tâm thực hiện cách ly theo quy định”, cô Nguyễn Thị Huyền – Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca cho biết.
Khi phát hiện trường hợp một trẻ mầm non 3 tuổi của Trường Mầm non Họa Mi trên địa bàn thị trấn Lạc Dương nhiễm Covid-19. Qua điều tra truy vết, có 33 trẻ cùng lớp được đưa đi cách ly tập trung theo quy định và cũng chừng ấy phụ huynh đi cùng để chăm sóc. UBND thị trấn Lạc Dương đã đề nghị Trường Mầm non Sơn Ca tại thị trấn nấu ăn cho trẻ và phụ huynh khu cách ly. Với kinh nghiệm tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ mầm non, các cô Trường Mầm non Sơn Ca không ngần ngại nhận lời mặc dù trường đang tạm cho nghỉ học.
Mỗi ngày, các cô đến trường lúc 5 giờ rưỡi sáng để chuẩn bị các suất ăn với thực đơn được lên sẵn từ hôm trước. Không chỉ các cô nhân viên nhà bếp mà cả các giáo viên cũng xắn tay mỗi người một việc, để đến 6 rưỡi sáng, các phần ăn sáng đã sẵn sàng để chuyển qua khu cách ly. Xong bữa sáng, các cô lại tất bật chuẩn bị bữa trưa, rồi bữa tối. Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND huyện từ xã hội hóa, các cô vận động thêm các nhà tài trợ rau, củ, quả, gạo… để bữa ăn luôn đầy đủ chất và đa dạng món ăn. Cứ thế, các suất ăn đến với trẻ và phụ huynh trong khu cách ly hàng ngày đảm bảo dinh dưỡng.
BẾP ĂN MIỄN PHÍ CỦA LỰC LƯỢNG TRỰC CHỐT
Còn đối với lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt phong tỏa đường Duy Tân (tổ dân phố Đăng Gia Dềt B, thị trấn Lạc Dương), mỗi ngày đều đặn hai bữa trưa, tối đều được ăn những phần cơm nóng hổi với đầy đủ các món xào, mặn, canh, có bữa thêm cả dưa cà muối. Những suất cơm ấm tình này do chị Lê Thị Kim Thanh cùng một số chị em trên địa bàn thị trấn nấu phục vụ miễn phí cho lực lượng trực chốt. Không phải bây giờ các chị mới nấu mà trước đây, khi chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại thị trấn Lạc Dương hoạt động, những bữa cơm đã làm ấm lòng lực lượng trực tại chốt. Khi chốt kiểm dịch ở thị trấn ngừng hoạt động, chị Thanh nhiều lần tự chạy xe vào chốt kiểm soát dịch ở xã Đạ Chais, cách thị trấn gần 60 cây số để nấu ăn cho lực lượng trực chốt ở đây.
“Thấy anh em trực chốt ăn uống thất thường, chủ yếu là cơm hộp, chị em chúng tôi rủ nhau đi chợ nấu ăn để tiếp thêm sức cho các lực lượng tại chốt. Chúng tôi lên thực đơn từ tối hôm trước rồi sáng hôm sau chia nhau đi chợ. Việc đi chợ vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho bữa ăn. Chúng tôi muốn góp sức nhỏ để hỗ trợ cho lực lượng đang làm nhiệm vụ tại chốt và chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19”.
Thấy việc làm ý nghĩa của các chị, nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ gạo, rau củ quả, đóng góp tiền để bếp ăn của các chị được duy trì. Trước đây, khi nấu ăn cho lực lượng trực chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại thị trấn Lạc Dương, các chị đến tận chốt mượn nhà dân gần đó nấu và dọn ra bàn đầy đủ các món để đến buổi anh em ngồi ăn. Khi chốt phong tỏa tại đường Duy Tân được lập, vì là vùng có dịch nên các chị nấu ăn tại nhà chị Thanh rồi đến bữa xách qua đặt trên một chiếc bàn gần chốt để lực lượng trực chốt ra lấy nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Cứ thế, tuy trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều phức tạp, nhưng những bếp ăn tình nguyện của các cô giáo, các chị phụ nữ tại thị trấn Lạc Dương đã làm ấm lòng những người đang thực hiện nhiệm vụ và những người đang thực hiện cách ly tập trung. Đó không chỉ là tình cảm mà còn là sự đóng góp, chung tay cùng địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202111/nhung-bep-an-am-long-trong-dai-dich-3088936/