Những bếp lửa bập bùng trong sương sớm

Đã từng sống ở làng quê, khi nói đến cảnh thôn xóm qua một đêm thức dậy, chuẩn bị cho công việc của ngày mới, không ai lại không nhớ đến cảnh những gian bếp bắt đầu đỏ lửa. Những bếp lửa đỏ ban đầu xuất hiện lưa thưa, nhưng sau đó tăng dần, bập bùng, bập bùng càng lúc càng nhiều ở các ngôi nhà đang chìm trong màn đêm còn đẫm hơi sương giữa lúc khắp nơi tiếng gà gáy cũng cất lên từng hồi, dồn dập.

Là một vùng đất nghèo, người dân ở quê tôi sống bằng nghề làm ruộng, làm rẫy nên các gia đình thường hay dậy sớm. Dậy sớm để ra đồng, lên rẫy làm cho đỡ nắng và đôi khi để có thời gian làm việc được nhiều hơn. Lao động chân tay nên phải ăn no. Mà quê nghèo, buổi sáng, cơm luôn là món chính, những ngày khó khăn có nhà thiếu gạo phải thay bằng sắn, bằng khoai, nhưng dù là món nào thì bếp cũng không thể không đỏ lửa.

Bếp đỏ lửa khi trời chưa sáng trở thành thói quen của mọi nhà. Có khi rảnh việc, không phải đi làm, người ta cũng dậy sớm, cũng lấy củi nhen bếp, có khi chỉ nấu một ấm nước để pha trà. Ở nhiều gia đình, trẻ con cũng vậy, điều đó đã thành nếp, đứa thức dậy học bài, đứa cùng mẹ lo cơm nước hoặc giúp cha chuẩn bị cái cuốc, cái cày…

Ở nhà tôi, người dậy sớm nhất thường là mẹ. Trong gian bếp nhỏ, mẹ bắt đầu nhen lửa nấu cơm. Tiếng củi khô cháy nổ lốp bốp, rồi khi mùi cơm thơm bắt đầu tỏa ra mẹ mới đánh thức mọi người. Những ngày gieo cấy hay thu hoạch lúa là những ngày ai nấy đều bận rộn. Bếp lửa nấu cơm sáng dường như được bắt đầu sớm hơn, để rồi khi bình minh chưa ló dạng, sau những bữa ăn vội, khắp xóm dưới, xóm trên, người ta rộn ràng đổ ra đồng…

Thời chúng tôi còn bé, ngoài giờ đi học đứa nào cũng biết việc nhà, việc đồng để đỡ đần cho cha mẹ. Riêng tôi, tôi có bao điều để nhớ về những ngày ấu thơ nhọc nhằn nhưng êm đềm gắn liền với hình ảnh những bếp lửa đỏ bên ngôi nhà tranh của mình. Cha tôi hồi ấy có nuôi một con trâu. Vào vụ mùa, để trâu ăn no, đủ sức kéo cày, mỗi khi dậy nhen lửa lo bữa sáng, cha mẹ tôi thường đánh thức tôi dậy để cho trâu đi ăn trên mấy ngọn đồi gần nhà. Có một lần trong cảnh quá vắng vẻ, chỉ có tiếng trâu gặm cỏ sồn sột, ngồi trên lưng nó, tôi ngủ gật lúc nào không biết, bị rơi xuống đất, may mà không có chuyện gì…

Riêng những ngày hè, ngoài việc cho trâu đi ăn, nhiều buổi chiều tôi thường tranh thủ cắt cỏ mang về, dành cho nó ăn vào buổi sáng hôm sau tại chuồng, để tiện việc đi theo bọn nhỏ cùng xóm vào rừng lấy củi. Rừng cách làng không xa, nên việc lấy củi đối với chúng tôi không khó. Tuy nhiên, vào những lúc như thế, chúng tôi phải nhờ cha mẹ đánh thức để dậy sớm. Trong ánh lửa bếp bập bùng ở các ngôi nhà trong xóm, đám bạn lấy củi gọi nhau í ới, để rồi sau đó mỗi đứa mang theo một chiếc rựa, một bình nước, một nắm cơm bọc trong tấm mo cau, và tất cả tụ lại cùng đi khi những vì sao trên trời vẫn còn nhấp nháy. Đi lấy củi cực, nhưng vui và ham lắm. Ham vì đứa nào cũng thấy mình không còn bé nữa, vì đứa nào cũng thấy đống củi mình mang về để trước sân đang cao dần lên…

Có biết bao điều để nói về những bếp lửa bập bùng nơi các làng quê lúc trời sắp sáng! Nhà thơ Bằng Việt trong bài thơ “Bếp lửa” nổi tiếng đã có đoạn rất hay khi viết về điều này: “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa/Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ/Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm/Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi/Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui/Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…/Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa!”.

HOÀNG NHẬT TUYÊN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202306/nhung-bep-lua-bap-bung-trong-suong-som-b2c2424/