Những bí ẩn hạt nhân

Sau thảm họa Fukushima, một lượng phóng xạ khá lớn đã lan tràn về phía Đông Bắc Nhật Bản. Khi thực phẩm từ Fukushima bị cấm do nhiễm phóng xạ ở mức độ cao, thì thực phẩm ở hầu hết các quận lân cận có mức độ phóng xạ an toàn hoặc trong giới hạn cho phép.

Nấm phóng xạ Nhật Bản

Tuy nhiên, sau thảm họa này, thói quen hái và sử dụng nấm tự nhiên đã trở thành quá khứ. Nhiều loại nấm mọc tự nhiên cách nơi xảy ra sự cố hàng trăm km vẫn có lượng phóng xạ cao hơn mức cho phép.

Thậm chí, dường như một số loại nấm còn có “sức hút” đặc biệt với phóng xạ, đến mức chúng được sử dụng như một biện pháp làm sạch phóng xạ. Khi nấm nhiễm phóng xạ cao được phát hiện ở Nhật Bản, chính phủ nước này đã ra lệnh cấm bán bất kỳ loại nấm nào tại các cửa hàng cũng như nhà hàng, trừ khi chúng đã được kiểm nghiệm và chứng tỏ an toàn với sức khỏe. Tuy nhiên, có một điều kinh ngạc đã xảy ra: Sau khi kiểm nghiệm, một số hàm lượng nấm có mức phóng xạ vượt quá mức cho phép, nhưng lại không phải là loại phóng xạ phát sinh từ Nhà máy Fukushima. Vậy phóng xạ này có nguồn gốc từ đâu?

Thử nghiệm cho thấy, phóng xạ ở các mẫu nấm này thực ra xuất hiện từ trước thảm họa nhiều: Từ các thử nghiệm hạt nhân giai đoạn những năm 1940, 1950 và 1960. Một số thậm chí còn có liên quan đến phóng xạ từ thảm họa hạt nhân Chernobyl. Mặc dù khu vực thu hoạch nấm được ghi nhận là an toàn về phóng xạ, nhưng tất cả các mẫu nấm đều hấp thụ phóng xạ còn sót lại và tích lũy đến mức độ nguy hiểm. Tỷ lệ hấp thụ phóng xạ của các loài nấm khá khác biệt, nhưng hầu hết mọi người không phân biệt được loài nấm nào chứa nhiều nguy cơ hơn. Vì vậy, sau phát hiện này, nhiều nhà nghiên cứu khuyên rằng người Nhật không nên ăn các loại nấm thu hoạch tự nhiên.

Tỷ lệ phân hủy bất thường

Năm 2006, các nhà vật lý tại Purdue, Stanford và một số địa phương đã ghi nhận một hiện tượng làm thay đổi bình diện của khoa học hạt nhân hiện đại. Tỷ lệ phân hủy của phóng xạ tăng nhanh trong mùa đông hơn là mùa hạ. Các nhà khoa học đã thử lại kết quả bất thường này tại nhiều phòng thí nghiệm khác nhau để kiểm tra sai sót, tuy nhiên mọi kết quả thu được đều không thay đổi. Họ đã tìm kiếm lời giải thích và vô cùng kinh ngạc khi câu trả lời không nằm trên Trái đất mà phụ thuộc vào... Mặt trời.

Khi kiểm tra tốc độ phân rã của đồng vị mangan, nhà vật lý Purdue nhận thấy rằng sự thay đổi trong tốc độ phân hủy trùng với một ngọn lửa Mặt trời xảy ra vào một đêm trước đó. Từ năm 2006 - 2012, sự cố bất thường đã được ghi nhận trong 10 vụ nổ ở Mặt trời.

Mặc dù, các nhà vật lý đã giải quyết được tại sao tốc độ phân hủy của mangan-54 thay đổi một cách bí ẩn, họ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khoa học đằng sau hiện tượng này. Các nhà khoa học tin rằng, nó có thể là sự tương tác giữa các hạt ion hóa và neutrino, nhưng không ai có thể khẳng định chắc chắn. Bất kể tại sao hiện tượng này xảy ra, phát hiện này có thể được sử dụng để tạo ra một thiết bị cảnh báo cho các vụ phun trào Mặt trời. Purdue đã nộp bằng sáng chế cho phát kiến này, có thể đưa ra cảnh báo kịp thời để đóng cửa các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng trước khi diễn ra các thảm họa gây hậu quả nghiêm trọng. (Còn tiếp)

Nano

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nhung-bi-an-hat-nhan-4021775-b.html