Những bí ẩn về Thành nhà Hồ, hơn 620 năm vẫn sừng sững
Trải qua hơn 620 năm tồn tại, Thành nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới ở Thanh Hóa luôn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí. Giờ đây, nhiều bí ẩn trong quá trình xây tòa thành đá đồ sộ đã dần được phát lộ.
Nhắc đến vùng đất Thanh Hóa, người ta nhớ ngay đến cái nôi của những vị anh hùng dân tộc, những câu chuyện lịch sử hùng tráng với những chiến tích vẻ vang. Trước biến cố thăng trầm của lịch sử, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đến ngày nay nhiều di tích vẫn còn sừng sững với thời gian. Nổi bật trong số đó là thành nhà Hồ với những nét đẹp cổ kính, rêu phong, là chứng tích cho một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam.
Thành nhà Hồ được xem là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở tại Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.
Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn.
Chọn đất Thanh Hóa để dựng kinh đô mới có lẽ gắn với nhiều suy tính, nhưng chắc chắn nằm trong tầm nhìn chiến lược phòng thủ đất nước của Hồ Quý Ly trước ý đồ xâm lược của quân Minh lúc bấy giờ đã lộ rõ.
Thành Nhà Hồ tọa lạc ở một khu đất bằng phẳng, được che chắn kỹ càng một cách tự nhiên bởi dãy núi trùng điệp ở phía Bắc, hai dòng sông Mã và sông Bưởi bao bọc hai mặt Đông, Tây. Thành lại nằm bên cạnh đường thượng đạo ở miền Tây Thanh Hóa. Địa thế này tránh được thế trống trải khó phòng thủ, lại thuận tiện giao thông thủy bộ ngược – xuôi và ra Bắc, vào Nam.
Năm 1400, với sự đăng quang của Hồ Quý Ly, lập ra triều đại Hồ, Thành Nhà Hồ trở thành quốc đô, nước Đại Việt được đổi tên thành Đại Ngu. Tuy nhiên đến năm 1407, cùng với sự thất bại trong việc chống lại cuộc xâm lược của nhà Minh, Thành Nhà Hồ thất thủ, cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương cùng triều đình Đại Ngu bị quân nhà Minh bắt. Kể từ đó, Thành Nhà Hồ không còn vai trò là kinh đô nữa.
Truyền thuyết xây dựng Thành nhà Hồ
Người xưa đã làm thế nào để xây dựng được một thành trì kiên cố, kỳ vĩ như Thành nhà Hồ? Câu hỏi ấy cho tới nay không ai có thể trả lời chính xác. Nhưng có thể thấy một điều, để xây dựng được một kinh đô như Thành nhà Hồ, ngày ấy phải sử dụng một khối lượng khổng lồ các loại vật liệu xây dựng.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu nghiêng về nhận định sau khi khai thác đá thô trên núi xuống chỉ qua sơ chế chuyển ngay về các bãi đá trong thành rồi mới tiếp tục gia công đẽo gọt. Hiện nay còn thấy cả bên trong và bên ngoài thành đá nát chất thành từng đám khá dày, do phải chế tác đẽo gọt các phiến đá hình thang ghép thành vòm cuốn.
Điều thán phục là bằng cách nào mà các nghệ nhân và thợ đã tách được các phiến đá khổng lồ nặng vài chục tấn từ trên núi xuống. Cách đây đã 600 năm, chắc chắn thuốc mìn chưa có. Các loại thuốc nổ vô cùng quý hiếm, chỉ đủ chế ra đạn súng Thần công, lấy đâu nổ đá?
Có nhà nghiên cứu đã khẳng định toàn bộ đá xây dựng thành đều được khai thác bằng phương pháp thủ công. Nếu dùng chất nổ dù ít đến đâu thì đá cũng bị rạn nứt. Việc khai thác đá xây dựng thành trì cho đến ngày nay vẫn là một điều khó hiểu.
Điều bí ẩn nhất chính là ngôi thành, "trơ gan cùng tuế nguyệt" suốt hơn 600 năm mà vẫn sừng sững. Các khối đá nặng hàng chục tấn cứ xếp đè lên nhau, không cần mạch vữa gì cả mà vẫn khít. Đá lấy ở đâu và người xưa xếp chúng lên nhau để làm tường thành bằng cách nào?
Theo ông Nguyễn Bá Linh - Giám đốc trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cho biết "Ngày nay thì các nhà khảo cổ đã tìm được mỏ đá ở ngay chân núi An Tôn (làng Phù Lưu, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc), cách Thành nhà Hồ khoảng 3km. Và Một công trường khai thác đá cổ khác được phát hiện trên dãy núi Xuân Đài thuộc địa phận xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc (nay là xã Ninh Khang), cách Thành Nhà Hồ khoảng 5 km về phía Nam."
Nơi này còn nhiều tảng đá có dấu đục đẽo, nhiều mảnh dăm đá văng ra tạo thành lớp dày. Vấn đề cần đặt ra là, các tảng đá này được chuyển đến xây thành bằng cách nào? Có ý kiến cho rằng, người xưa chuyển đá đi đường vòng qua một đoạn sông Mã, chở đá bằng bè.
Nhưng còn đoạn đường từ bờ sông vào thành rất có thể phải dùng sức voi, vì thời đó, voi khá nhiều, vừa dùng làm sức kéo, vừa để tham gia đánh trận. Cũng có thể dùng hệ thống con lăn làm bằng gỗ, nhưng đến nay không còn dấu tích? Lại còn chồng tảng đá nọ lên tảng đá kia, có đến 11 hàng đá tảng chồng nhau làm nên cổng thành cửa Nam.
Có giả thiết cho rằng, chắc là họ phải dùng đất đắp nghiêng để vần từng tảng đá xếp chồng lên nhau, sau đó phá các ụ đất đi chỉ còn lớp thành như kinh nghiệm nhiều nơi trên thế giới trong thời cổ đại đã làm. Dẫu sao đó chỉ là giả thiết. Thực tế nói trên phản ánh một điều chắc chắn là, người xưa rất kỳ công và khá thông minh trong điều kiện chưa có máy móc hiện đại. Mà kỳ tích này diễn ra chỉ trong vài ba tháng, phải huy động khá nhiều người.
Giải mã những bí ẩn xây dựng thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. Trong đó, công trình đồ sộ nhất và còn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là Hoàng thành. Toàn bộ mặt ngoài tường thành và bốn cổng chính được xây bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau.
Các bức tường thành được ghép từ những khối đá lớn, có phiến dài tới hơn 6 m, ước nặng 20 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.
Các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá, kiến trúc của Thành nhà Hồ rất khoa học, với các phiến đá được đục đẽo vuông vức, công phu xếp đan xen theo hình múi bưởi để tránh rung chấn lớn như động đất. Giữa các phiến đá xây thành không có bất kỳ chất kết dính nào nhưng tòa thành vẫn đứng vững hơn 600 năm qua dù chịu rất nhiều tác động của địa chấn và bom đạn tàn phá.
Câu trả lời được hé lộ phần nào khi người ta tìm thấy hàng trăm viên bi đá lớn (bằng quả bóng đá), nhỏ (bằng quả cầu mây) trong nhiều lần khai quật khảo cổ. Việc tìm thấy những viên bi đá này giúp củng cố giả thiết người thợ khi xưa đã dùng chúng như con lăn để tời đá từ vùng khai thác (cách vị trí xây thành hàng chục km). Kết hợp với tời và đắp đất, người ta đã đưa những phiến đá lên cao để xây thành.
Theo truyền khẩu của nhân dân quanh vùng, chỉ trong vài năm thành đã xây dựng gần xong, chỉ còn lại có 4 cổng thành cứ lắp gần xong lại sập... nhà vua vô cùng lo lắng, phải treo thưởng hậu cho người hiến kế. Có người đã hiến kế rằng: Phải đắp đất cát bên trong làm cốt để xếp đá lên dựng thành vòm cuốn, xong rồi moi đất cát ra.
Về phần móng tường thành, các nhà khoa học phát hiện phần móng cũng được gia cố bằng lớp đất sét màu xám xanh và khá đều. Tiếp đến là lớp sỏi cuội, đá dăm (kích thước đá dăm 1,2x5 cm) và lớp đất sét màu vàng. Tổng cộng, riêng phần móng thành có 7 lớp gia cố bằng sỏi cuội và lớp gia cố bằng đất sét màu đỏ (có độ dày 1,7-1,8 m).
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết trong 2 năm từ 2019 đến 2021, các nhà khoa học đã tiến hành 6 hố khai quật với tổng diện tích 25.000 m2. Đây là cuộc khai quật lớn nhất lịch sử Khảo cổ học Việt Nam tính về tổng số diện tích trong một lần khai quật.
"Nét độc đáo làm nên giá trị toàn cầu của Di sản Thành Nhà Hồ chính là tòa Hoàng thành bằng đá kỳ vĩ được xây dựng bằng kỹ thuật xây dựng đá lớn với các khối đá nặng từ trên 10 tấn đến 26 tấn, gia công phẳng phiu, mạch đá xếp xít xao, được chồng xếp đạt trình độ cao cả về công năng quân sự lẫn yêu cầu thẩm mỹ. Ở Việt Nam, Đông Nam á và Đông á trước và sau Thành Nhà Hồ chưa có một tòa Hoàng thành bằng đá nào tương tự."
Công trình Thành Nhà Hồ kỳ vĩ đã được tạo nên bởi khối óc sáng tạo của những người thiết kế và bàn tay tài hoa của những người thợ hồi đó. Từ nửa thế kỷ trước, L.Bezacier, một kiến trúc sư người Pháp đã viết: “Tòa thành này là một ví dụ độc đáo về việc sử dụng những khối đá vôi khổng lồ được đẽo gọt và lắp ghép một cách cực kỳ hoàn hảo” và “…Việc sử dụng đá để xây dựng lên một công trình đồ sộ như Thành Nhà Hồ là một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử kiến trúc Việt Nam”.
Với những kết quả khai quật được, các nhà khoa học nhận định quy mô kết cấu tường thành di sản thế giới này vô cùng phức tạp, kiên cố, phần nào rõ thêm được việc xây thành thời xưa như thế nào. Và góp phần lý giải vì sao sau hơn 620 năm tồn tại, tòa thành vẫn đứng sừng sững trước sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh.