1. Nằm ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TPHCM, địa đạo Phú Thọ Hòa là một hệ thống địa đạo từng phát triển mạnh ở phía Tây nội đô Sài Gòn thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Được xây dựng từ năm 1947 và mở rộng liên tục trong nhiều năm sau, địa đạo có tổng chiều dài hơn chục km.
Lối xuống địa đạo là các cửa hầm có nắp đóng bằng gỗ theo hình thang, phía trên để đổ đất, trồng cây cỏ để ngụy trang. Mỗi miệng hầm chỉ đủ rộng cho một người chui lọt.
Địa đạo có 2 tầng, được đào sâu dưới lòng đất từ 3-4 mét. Lòng địa đạo cao khoảng 1 mét, rộng khoảng 0,8 mét, hai bên có nhiều ngách đi sang nhiều hướng khác nhau.
Địa đạo có một hệ thống lỗ thông hơi dẫn lên mặt đất, được ngụy trang cẩn thận tùy theo địa hình. Vào thời kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Phú Thọ Hòa thường được các đơn vị đặc công, biệt động dùng làm bàn đạp tấn công vào nội thành Sài Gòn, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.
2. Nhìn từ bên ngoài, không ai nghĩ rằng ngôi nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 10, quận 3, TP HCM từng là một kho vũ khí rất lớn giữa đô thành của lực lượng biệt động Sài Gòn.
Vào năm 1967, sau khi mua căn nhà nằm cách dinh Độc Lập 1 km này, chiến sĩ Trần Văn Lai (Năm Lai) đã tiến hành sửa sang, đào hầm bí mật chứa vũ khí ngay dưới nền nhà.
Hầm gồm 2 tầng, sâu 3 mét, có lỗ thông hơi và nắp đậy bí mật liên thông nhau. Vũ khí được chuyển xuống hầm lúc đó gồm trên 2 tấn vũ khí, với các loại súng, đạn, bộc phá, lựu đạn… Đây chính là nơi xuất phát của trận đánh Dinh Độc Lập chấn động Sài Gòn Tết Mậu thân 1968.
Sau khi các chiến sĩ bị bắt, địch cho người đến bắn phá căn nhà vì nghi đây là nơi trú ngụ của đội biệt động. Nhưng chúng không thể tìm ra căn hầm bí mật. Cho đến năm 1975, chính quyền Sài Gòn vẫn không biết rằng quân Giải phóng có cả một kho vũ khí ngay sát Dinh Độc Lập.
3. Nhà số 183/4 đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10, TP HCM là một ngôi nhà có số phận rất đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Ngôi nhà nằm lọt giữa hàng loạt cơ quan quân sự quan trọng của địch như Quân vụ Thị trấn, Biệt khu Thủ đô, Bộ chỉ huy Biệt động quân...
Theo bố trí của tổ chức, chiến sĩ Đỗ Văn Căn (Ba Căn) đưa gia đình về trú ngụ tại căn nhà này, hành nghề sửa và ép giày bằng mủ cao su để che mắt địch. Đầu năm 1965, ông Ba Căn nhận được lệnh gấp rút xây dựng hầm bí mật ngay tại nhà. Lối vào hầm nằm ngay phòng khách.
Hầm dài nằm ở độ sâu 1,7 mét, là nơi cất giấu 50 kg thuốc nổ và kíp nổ, 7 tiểu liên AK, 21.000 viên đạn, 50 lựu đạn và một số quân trang quân dụng khác. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, một cánh quân ta tiến về đây nhận vũ khí đạn dược, nhưng do đụng độ với địch mà kế hoạch không thành.
Sau đó, căn hầm vẫn sẵn sàng phục vụ cho chiến đấu. Tháng 4/1975, các chiến sĩ biệt động đưa ra phương án sử dụng hầm để tấn công Biệt khu Thủ đô, nhưng kế hoạch chưa thực hiện thì Sài Gòn đã được giải phóng. Kể từ đó, căn hầm trở thành một di tích lịch sử của thời kỳ chống Mỹ.
4. Nằm ở số 122/351 đường Ngô Gia Tự, phường 8, quận 10, TP HCM, "Hầm B" hay Cơ sở in ấn của Hội ủng hộ vệ quốc đoàn năm 1954 là một cơ sở bí mật quan trọng của ta ở Sài Gòn thời kháng chiến chống Mỹ.
Đầu năm 1952, việc xây hầm được thực hiện. Gian nhà có cửa hầm nhìn như một nơi sinh hoạt bình thường. Thế nhưng, khi mở cánh cửa tủ, một bất ngờ xuất hiện. Dưới gầm chiếc tủ là nắp hầm cùng một cầu thang nhỏ. Dưới cầu thang là một địa đạo sâu hút. Đi hết địa đạo sẽ đến hầm bí mật.
Kết cấu căn hầm gồm hầm chính và hầm phụ cùng hệ thống địa đạo vừa một người chui. Hầm chính dài 3,5 mét, ngang 3,2 mét, cao 1,7 mét. Các hội viên luôn túc trực dưới hầm nhằm theo dõi tin tức sau đó cho in thành truyền đơn hoặc sao chép tài liệu học tập nhằm phổ biến trong nội bộ.
Khi cơ sở hoạt động tại 122/351 Minh Mạng bị lộ, tên công an Đoàn Văn Khoa đã chiếm ngụ ngôi nhà này từ năm 1958-1975 mà không biết gì về căn hầm. Sau 1975, hầm được khai quật và trùng tu. Những chứng tích của một thời kỳ chiến đấu được khôi phục nguyên vẹn.
Mời quý độc giả xem video: Tiến về Sài Gòn | VTV24.
Quốc Lê