Những bộ phim có cảnh nóng 'khiêu khích' nhất lịch sử điện ảnh thế giới
Nhà báo Brian Viner của Daily Mail đã chọn ra 10 bộ phim có cảnh nóng được cho là khiêu khích, gợi tình nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.
The age of innocence (Tuổi ngây thơ, 1993)
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều khoảnh khắc gợi cảm nhất của điện ảnh lại xảy ra trong các bộ phim cổ trang, khi lễ giáo và quan niệm khắt khe về đạo đức xã hội dường như được tạo ra để ngăn cản sự thân mật.
Được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Edith Wharton, “The Age of Innocence” của đạo diễn Martin Scorsese kể về cuộc sống của những người trong giới quý tộc ở thành phố New York những năm 1870 đến những năm cuối của thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Trong phim, luật sư Newland Archer (Daniel Day-Lewis), dù đã đính hôn với May Welland (Winona Ryder), nhưng vẫn phải lòng chị họ nóng bỏng của vị hôn thê, nữ Bá tước Olenska (Michelle Pfeiffer). Phân cảnh nữ Bá tước Olenska run rẩy khi được Archer hôn vào cổ khiến khán giả cũng phải “đứng ngồi không yên” theo.
To Have and Have Not (Có và không có, 1944)
“To Have and Have Not” là một bộ phim phiêu lưu, chiến tranh, lãng mạn của Mỹ năm 1944 do Howard Hawks đạo diễn, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1937 của Ernest Hemingway. Phim lấy bối cảnh cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, kể về Harry Morgan (Humphrey Bogart) - một kẻ lưu vong người Mỹ đã giúp đỡ bí mật vận chuyển một cặp vợ chồng lãnh đạo lực lượng kháng chiến nước Pháp.
Không giống những tác phẩm khác, khoảnh khắc gợi tình nhất phim không phải là cảnh “giường chiếu” đúng nghĩa, nhưng đủ sức khơi dậy cảm xúc xốn xang trong lòng người xem. Đó là cảnh Harry Morgan châm thuốc cho cô ca sĩ Marie Browning (Lauren Bacall). Từng cử chỉ, ánh mắt đều ẩn chứa sự mê đắm.
Cặp đôi đóng chung “tình” đến mức hai năm sau đó, Lauren Bacall trở thành người vợ thứ tư của Humphrey Bogart, bất chấp chàng hơn nàng 25 tuổi, và gắn bó đến khi tài tử gạo cội qua đời.
Casablanca (1942)
Casablanca là một bộ phim chính kịch lãng mạn của Mỹ năm 1942. Phim do đạo diễn Michael Curtiz dàn dựng, dựa trên kịch bản sân khấu Everybody Comes to Rick's của Murray Burnett và Joan Alison.
Lấy bối cảnh giai đoạn đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, “Casablanca” kể về Rick (Humphrey Bogart) - người đàn ông bị giằng xé giữa tình yêu dành cho Ilsa (Ingrid Bergman) và trách nhiệm giúp cô cùng chồng - lãnh tụ kháng chiến người Tiệp Khắc - thoát khỏi Maroc, lúc này thuộc quyền quản lý của chính quyền Vichy Pháp thân Đức Quốc xã.
“Cảnh nóng” trong phim chỉ dừng lại ở khoảnh khắc Rick và Ilsa trao nhau nụ hôn vừa say mê, vừa cấm kị. Nhưng vậy cũng đủ để tác phẩm đoạt 3 giải Oscar trả thành một trong những bộ phim lãng mạn nhất lịch sử điện ảnh thế giới.
Don't Look Now (1973)
“Don't Look Now” là bộ phim kinh dị, giật gân của Anh do Nicolas Roeg đạo diễn. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn của Daphne du Maurier, ra mắt năm 1971. Phim kể về chuyến du lịch đến Venice của cặp vợ chồng John Baxter (Donald Sutherland) và Laura (Julie Christie) sau cái chết thương tâm của con gái trong một vụ tai nạn.
Khác với ba phim trước, nam nữ chính trong “Don't Look Now” đã có cảnh “ân ái” thực sự. Đôi vợ chồng đau khổ đã mang đến những thước phim thân mật, kích thích, nhưng không hề phản cảm, dung tục.
Double Indemnity (Khoản bồi thường gấp đôi, 1944)
Double Indemnity là phim kinh dị, tâm lý của Mỹ do Billy Wilder đạo diễn, kiêm đồng biên kịch cùng Raymond Chandler, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên James M. Cain (1943). Phim kể về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa nhân viên bán bảo hiểm Walter Neff (Fred MacMurray) và Phyllis Dietrichson (Barbara Stanwyck) – một phụ nữ quyến rũ có ý định giết chồng.
Phân cảnh Walter Neff nhìn Phyllis Dietrichson từ từ bước xuống cầu thang không phải là cảnh tình dục thông thường. Tuy nhiên, nó bộc lộ rõ những rung động đầy ham muốn, nhục dục, tiền đề cho sự sa ngã của chàng bán bảo hiểm khi nàng sử dụng sự quyến rũ để thuyết phục anh giết chết người chồng.
The Postman Always Rings Twice (Người đưa thư luôn đến 2 lần, 1981)
“The Postman Always Rings Twice” là bộ phim kinh dị, đen tối, tội phạm Mỹ do Bob Rafelson đạo diễn, chuyển thể từ tiểu thuyết của James M. Cain năm 1934.
Trong phim, Frank Chambers (Jack Nicholson) nhận một chân làm những việc lặt vặt ở quán cà phê chỉ để được ở gần Cora Smith (Jessica Lange) - vợ của ông chủ cửa hàng, và hai người bắt đầu một chuyện tình vụng trộm. Dần dần, khi cảm thấy khó chịu với sự hiện diện của ông chồng, Frank và Cora quyết định trừ khử người chồng.
Cảnh “ân ái” trên bàn bếp thuyết phục đến mức nhiều năm về sau người ta vẫn tin rằng Jack Nicholson và Jessica Lange đã quan hệ tình dục thực sự trong phim. Đáng nói hơn, đạo diễn Bob Rafelson đã quay cảnh đó trong phim trường kín, chỉ gồm ông, quay phim và hai diễn viên.
Butch Cassidy and the Sundance Kid (1969)
“Butch Cassidy and the Sundance Kid” lấy bối cảnh miền viễn Tây (Mỹ) dó George Roy Hill đạo diễn và William Goldman viết kịch bản. Phim kể về hai tên cướp nhà băng khét tiếng có thật trong lịch sử nước Mỹ thập niên 30 là Butch Cassidy (Paul Newman) và Sundance Kid (Robert Redford).
Trong phim, nhân vật Robert Redford dùng súng ép người yêu Etta (Katharine Ross) cởi quần áo. Điều khiến “cảnh nóng” này đáng nhớ là nhờ bầu không khí căng thẳng, dù sau đó chẳng có chuyện gì xảy ra giữa họ.
Who Framed Roger Rabbit (1988)
Who Framed Roger Rabbit là một bộ phim hài viễn tưởng hoạt hình Mỹ do Robert Zemeckis làm đạo diễn, phát hành vào năm 1988. Phim lấy bối cảnh Los Angeles vào năm 1947, khi mà nhân vật hoạt hình thực sự tồn tại và sống chung với người thật.
Tiếp tục là một “cảnh nóng” trong tư tưởng khi Eddie Valiant (Bob Hoskins) và cô thỏ gợi cảm Jessica Rabbit (Kathleen Turner lồng tiếng) “liếc mắt đưa tình”.
Casino Royale (Sòng bạc hoàng gia, 2006)
“Casino Royale” là phim điện ảnh đề tài gián điệp của vương quốc Anh. Đây là phần thứ 21 trong loạt phim điện ảnh James Bond của Eon Productions, đồng thời là bản chuyển thể màn ảnh thứ ba từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ian Fleming, phát hành năm 1963.
Trong phim, điệp viên 007 (Daniel Craig) và nữ đặc vụ của Bộ Ngân khố Nữ hoàng Vesper Lynd (Eva Green) có cảnh thân mật trong phòng tắm. Khác với những cuộc chinh phục tình ái khác của Bond, khoảnh khắc đó buồn, gợi cảm và dịu dàng.
Fifty Shades of Grey (50 sắc thái: Xám, 2015)
“Fifty Shades of Grey” là phần đầu của bộ ba tác phẩm đề tài bạo dâm do Mỹ sản xuất, chuyển thể từ tiểu thuyết “Fifty Shades” của tác giả người Anh E. L. James.
Bộ phim dán nhãn R (cấm người dưới 18 tuổi), tràn ngập phân cảnh “ân ái” nóng bỏng giữa doanh nhân giàu có Christian Grey (Jamie Dornan) và cô sinh viên vừa tốt nghiệp Anastasia Steele (Dakota Johnson). Mọi thứ trở nên dữ dội khi khía cạnh bạo lực của ngài Grey được bộc lộ.