Những bông hoa đẹp các dân tộc thiểu số Lào Cai

Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lần thứ III, năm 2019, nhiều tham luận của các đại biểu đã nêu bật tâm tư nguyện vọng về bảo tồn văn hóa dân tộc, những kinh nghiệm hay để phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số.

* Điểm sáng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thoát nghèo làm giàu

Ông Triệu A Sơn, thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà

Ông Triệu A Sơn tham luận tại Đại hội.

Ông Triệu A Sơn tham luận tại Đại hội.

Cũng như các gia đình khác trong thôn, trước đây gia đình ông Sơn chỉ biết làm nương, trồng lúa, trồng sắn và lo chạy ăn từng bữa. Năm 1996, vợ chồng ông đã mạnh dạn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cộng thêm tiền tiết kiệm của gia đình đầu tư mua 2 con trâu, 3 con dê. Nhờ chịu khó chăm sóc mà đàn trâu và dê của gia đình ông Sơn phát triển tốt; sau nhiều năm tích cực chăn nuôi, kinh tế của gia đình đã dần ổn định.

Năm 1998 gia đình đăng ký trồng thêm 4.000 cây quế. Từ hiệu quả từ cây quế mang lại, gia đình ông Sơn mạnh dạn mở rộng diện tích. Năm 2014 gia đình bán 1 ha quế thu về hơn 600 triệu đồng, bình quân mỗi năm tỉa thưa vườn quế để bán, gia đình thu về 50 đến 70 triệu đồng.

Trên cương vị là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, ông Sơn luôn tích cực vận động bà con trong thôn chuyển đổi diện tích đất hoang, đồi bạc màu sang trồng quế. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong sản xuất và phát triển diện tích trồng quế trên địa bàn xã Nậm Đét nói riêng và toàn huyện Bắc Hà nói chung, ông đề xuất một số giải pháp: Tiến hành bảo tồn nguồn gen quế địa phương; tập trung hỗ trợ giống quế, nhất là đối với các địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho phát triển cây quế; mở rộng chế biến các sản phẩm từ quế; cần định hướng, khuyến khích để các cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển dần từ bán quế thô sang sản xuất tinh dầu quế... Song song với hỗ trợ phát triển sản xuất cần đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông đến các vùng sản xuất quế; đưa sản phẩm quế ra các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển diện tích trồng và chế biến quế.

* Tuyên truyền thực hiện chính sách dân tộc gắn với bản tồn và phát huy bản sắc văn hóa.

Ông Ma Thanh Sợi, xã Nghĩa Đô, Bảo Yên

Ông Ma Thanh Sợi tham luận tại Đại hội.

Ông Ma Thanh Sợi tham luận tại Đại hội.

Ông Ma Thanh Sợi, dân tộc Tày, xã Nghĩa Đô, Bảo Yên, Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Trong 9 năm là Nghệ nhân dân gian, 6 năm là Tổ trưởng Tổ tuyên vận, ông Sợi đã tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo hướng “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Trong hơn 20 năm ông đã dày công sưu tầm các phong tục, tập quán, văn hóa dân gian của người Tày trong vùng tuyến đệm giữa người Tày Nùng Việt Bắc và Tày Thái Tây Bắc. Khi sưu tầm, thu lượm, tập trung nghiên cứu, phân tích, nhóm lại, ông chia ra, biên soạn thành 15 chuyên đề khác nhau. Từ những tài liệu, tư liệu, vật sưu tầm, qua phân tích ông hiểu hơn về giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Theo ông Sợi, nền văn hóa của dân tộc Tày đang bị mai một, nhiều nét văn hóa tốt đẹp nguy cơ biến mất... Từ đó, ông kiến nghị Đảng và Nhà nước có chủ trương lãnh đạo, khuyến khích người dân tộc Tày sưu tầm nền văn hóa dân tộc mình, giữ lại cho các thế hệ sau được hưởng theo hướng xã hội hóa; có cơ chế cho các nhà chuyên môn nghiên cứu, biên soạn thành các chuyên đề, in ấn, phát hành để lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ sau. Cùng với đó, ông cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ người Tày Nghĩa Đô (Bảo Yên) biên soạn in thành sách để lưu giữ, khôi phục di sản văn hóa vật thể, phi vật thể để lưu giữ tại các trung tâm văn hóa thôn, bản, trung tâm văn hóa người Tày tại nhà văn hóa khu vực.

* Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa

Bà Tẩn Thị Su, thị trấn Sa Pa

Bà Tẩn Thị Su tham luận tại Đại hội.

Bà Tẩn Thị Su tham luận tại Đại hội.

Sa Pa là địa phương có sự pha trộn nhiều dân tộc, nơi được du khách mến mộ và luôn muốn khám phá. Cộng đồng các dân tộc sinh sống ở đây đã tạo lên sắc màu văn hóa độc đáo để lại ấn tượng trong lòng du khách. Cùng với thời gian, văn hóa của đồng bào các dân tộc Sa Pa vẫn luôn được bảo tồn và lưu giữ qua năm tháng. Tuy nhiên, những năm gần đây, một phần do trào lưu của xã hội, một phần do thiếu sự sát sao, thiếu định hướng trong công tác bảo tồn văn hóa mà một số nét đẹp văn hóa người dân tộc bản địa ở Sa Pa dần mai một.

Để bảo tồn văn hóa bản địa gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng, đại biểu Tẩn Thị Su đề xuất: Việc bảo tồn văn hóa bản địa, phát triển du lịch cộng đồng cần phải gắn bó với bản sắc riêng; kèm theo đó, không phá vỡ cảnh quan, cấu trúc tự nhiên. Bên cạnh đó, chia sẻ lợi ích từ các hoạt động du lịch ở Sa Pa cho cộng đồng các dân tộc; cần có chính sách hỗ trợ về vốn, đào tạo kỹ năng, nhân lực cho ngành du lịch và cung cấp các thông tin, quy định cần thiết về du lịch cộng đồng để phổ biến đến nhân dân biết và thực hiện.

Hoàng Thu

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nguoi-tot-viec-tot/nhung-bong-hoa-dep-cac-dan-toc-thieu-so-lao-cai-z38n2019100215190676.htm