Những 'bông hoa đẹp', động lực phát triển ngành GTVT
Điểm đổi mới nhất trong công tác thi đua khen thưởng trong ngành GTVT thời gian qua là khen thưởng đúng người, thực chất, đúng thành tích...
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ, xuyên suốt trong mọi chỉ đạo về công tác thi đua khen thưởng, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ GTVT luôn nêu cao tinh thần “thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”.
Khi thi đua là động lực lao động, sáng tạo
Mất nhiều lần hẹn chúng tôi mới gặp được anh Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Tổng hợp - Thống kê, Vụ Kế hoạch đầu tư của Bộ GTVT vào một ngày nghỉ cuối tuần. Bước vào phòng làm việc của anh tại Bộ GTVT, ngổn ngang là giấy tờ. Trên bàn, quyển to, quyển nhỏ, kẹp tài liệu lớn, kẹp tài liệu bé chồng lên nhau, che khuất cả người ngồi làm việc.
Với những cán bộ chuyên công việc “bàn giấy”, “bếp núc” nhưng lại đóng góp quan trọng vào hiệu quả công việc của cả một tập thể như anh Dũng, hình ảnh này không xa lạ.
Anh chia sẻ, công việc của anh liên quan rất nhiều đến các con số, các thông tin khái quát như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các thông tin chi tiết, cụ thể như các dự án, công trình… Do đó, đòi hỏi người làm công tác này phải rất cẩn thận, kiên nhẫn, sao cho có thể đưa ra được các thông tin mang tính khái quát nhất, là cơ sở cho công tác tham mưu, đề xuất.
“Tiến độ công việc lúc nào cũng gấp gáp, ngay từ đầu phải sắp xếp tài liệu khoa học, đồng thời phải ghi nhớ được ngay các thông tin cơ bản khi tiếp xúc lần đầu với văn bản, thông tin, để khi cần là tra cứu, tổng hợp được luôn, không mất thời gian”, anh Dũng nói và khiêm tốn: “Nếu có gì để nói thì chỉ là tôi cảm thấy tự hào vì đã hoàn thành công việc tốt, đóng góp được phần nhỏ vào thành tích chung của Vụ Kế hoạch đầu tư”.
Còn ở Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Việt Nam, ai cũng biết đến anh Nguyễn Trường Sơn, nhân viên Phòng Phối hợp cứu nạn.
Từ năm 2015 - 2019, anh Sơn trực tiếp tham gia phối hợp nhiều vụ tìm kiếm cứu nạn, kịp thời cứu sống nhiều thuyền viên và phương tiện.
Điển hình như vụ tàu SAR 411 được điều động cứu nạn tàu NA 90123 TS cùng 10 thuyền viên tại vị trí phía Đông Cửa Hội, Nghệ An 55 hải lý bị gãy chân vịt, không có tàu nào hỗ trợ trong thời tiết xấu (10/1/2018); Vụ tàu SAR 274 đi cứu nạn tàu Toàn Phát 68 cùng 11 thuyền viên tại vị trí phía Đông mũi Yến, Quy Nhơn 4 hải bị chìm (30/11/2019)...
5 năm qua, anh đã cùng các đồng nghiệp thu nhận, phân tích, xử lý hơn 2.700 vụ báo nạn. Trong đó, số vụ việc phối hợp là 1.662 vụ việc cùng 399 vụ việc liên quan tới điều động tàu chuyên dụng thực hiện tìm kiếm cứu nạn;
Số người được cứu, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp gần 5.000 người, trong đó có 186 người nước ngoài. Số phương tiện được cứu, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp là 412 tàu, trong đó có 10 phương tiện nước ngoài.
Anh Sơn cũng tham gia sáng kiến cải tiến kỹ thuật: “Xây dựng chương trình huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn cho Trực ban TKCN hàng hải của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam”, giúp công tác đánh giá, nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng xử lý công việc một cách chính xác, hiệu quả...
Với Tổng cục Đường bộ VN, để lan tỏa tinh thần thi đua sôi nổi trong tất cả cán bộ đoàn viên công đoàn, trong giai đoạn 2015 - 2020, các phong trào thi đua do Trung ương, Bộ GTVT phát động đã được đơn vị này cụ thể hóa thành các phong trào có nội dung gần gũi, phù hợp với thực tế hoạt động, thu hút đông đảo đoàn viên công đoàn tham gia.
Lấy mục tiêu làm sao cho các cung đường êm thuận, an toàn, thông suốt, các phong trào “Giữ đường thông suốt - an toàn - êm thuận”, “Đoạn đường an toàn - sạch - đẹp”, “Tết trồng cây làm theo lời Bác, nâng cao ATGT đường bộ” được hưởng ứng rất tích cực.
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua xây dựng “Chi cục quản lý đường bộ kiểu mẫu và ATGT”, “Kiểm soát tải trọng xe” giúp nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, tình trạng xe quá tải đã giảm sâu, hiện chỉ còn khoảng dưới 9% xe quá tải vẫn cố tình hoạt động.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN chia sẻ, phong trào thi đua “Chất lượng - tiến độ - an toàn - hiệu quả” trong các đơn vị quản lý dự án góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Minh chứng rõ nhất là hơn 1.800 cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP đã được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn.
Đặc biệt, phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật được duy trì, đã có hàng trăm sáng kiến, giải pháp được áp dụng, làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp đáng trân trọng
Trên đây chỉ là một vài trong số hàng chục gương điển hình tiên tiến cá nhân và tập thể trong phong trào thi đua yêu nước của ngành GTVT trong giai đoạn 2016 - 2020.
Nhiều năm gắn bó với ngành GTVT, chia sẻ với Báo Giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết có rất nhiều câu chuyện, tấm gương cả trong và ngoài ngành GTVT khiến ông thực sự trân trọng.
Chia sẻ câu chuyện về cụ ông ở An Giang hàng ngày đi vá ổ gà trên các tuyến đường lớn nhỏ ở TP Long Xuyên, Bộ trưởng cho biết: “Hình ảnh cụ ông ở tuổi ngoài thất thập một mình cùng chiếc xe đạp, lỉnh kỉnh túi xách nhựa đường đi vá từng ổ gà khiến tôi thực sự xúc động. Nghĩa cử cao đẹp của ông nhắc nhở tôi và CBCNVC-LĐ trong ngành GTVT nỗ lực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, trong đó có việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp và xây mới các con đường”.
Bộ trưởng cũng nhớ, trân trọng nghĩa cử cao đẹp của những mạnh thường quân, nhà hảo tâm và cả những người đã vận động các nhà tài trợ, hảo tâm trong và ngoài nước để cùng với chính quyền địa phương xây cầu, làm đường, vá đường…
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng cho biết, điểm đổi mới nhất trong công tác thi đua khen thưởng thời gian qua là khen thưởng đúng người, thực chất, đúng thành tích.
“Có thể so với nhiệm kỳ trước, số cá nhân, tập thể được khen thưởng không nhiều. Tuy nhiên những tập thể, cá nhân nếu đã được khen thưởng đều rất xứng đáng”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm: “Tất cả quá trình xét khen thưởng, chúng tôi đều họp Hội đồng. Các cá nhân, tập thể đề nghị khen thưởng đều phải báo cáo được thành tích cụ thể, nêu rõ sự đóng góp đó mang lại điều tốt đẹp cho ngành GTVT. Việc xét thưởng kỹ càng cũng là để những cá nhân, tập thể nếu đã được khen thưởng đều có thể hoàn toàn tự hào về điều đó”.
Theo Bộ trưởng, xuyên suốt trong mọi chỉ đạo về công tác thi đua khen thưởng, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ GTVT luôn nêu cao tinh thần “thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”.
Cũng từ đây, phong trào thi đua được đẩy mạnh suốt 5 năm qua, khuyến khích, động viên mọi cá nhân, tập thể trong ngành khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Ba phong trào đậm tính chất giao thông
Thông tin thêm về công tác thi đua khen thưởng, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, ngành GTVT và tổ chức Công đoàn đã tổ chức được 3 phong trào mang đậm tính chất ngành giao thông.
Thứ nhất là phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp với phương châm “4 xin, 4 luôn” (Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ).
Phong trào đã được triển khai khá bài bản. Từng tổ chức, cho đến từng CBCNVC-LĐ, quán triệt, lĩnh hội ý nghĩa của phong trào. Phong trào được triển khai cụ thể, chi tiết, có kiểm tra, đánh giá, khen thưởng kịp thời. Qua đó, mỗi CBCNVC-LĐ đã có sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ, trở thành hành động cụ thể trong ứng xử với người dân, doanh nghiệp cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.
Cũng theo ông Việt, đặc thù của GTVT là ngành kinh tế mũi nhọn, giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế - xã hội phát triển đến đó. Vì vậy, phong trào thi đua lao động sáng tạo trong ngành GTVT cũng được phát động, triển khai với tinh thần tiên phong “Đi trước mở đường” để thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Phong trào này đã được các đơn vị, các tổ chức công đoàn triển khai một cách sâu rộng, hiệu quả. Trong 5 năm qua đã mang lại lợi ích lớn, đã có hơn 2.000 đề tài, sáng kiến, làm lợi hàng trăm tỷ đồng, qua đó xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể là những điển hình tiên tiến, không chỉ ở đơn vị mà còn lan tỏa trong toàn ngành, trong xã hội.
Phong trào riêng có của ngành giao thông là phát động xây dựng Quỹ Xã hội - Từ thiện toàn ngành, xuất phát từ tinh thần “Tương thân, tương ái”, tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, trách nhiệm đối với thế hệ đi trước cũng như hỗ trợ cho CBCNVC-LĐ, những người có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi, không may mắn...
Mỗi đoàn viên công đoàn, người lao động, hàng năm trích hai ngày lương đóng góp cho Quỹ, cùng đó là sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo, các nhà hảo tâm, vì thế hơn 5 năm qua đã vận động đóng góp được hàng trăm tỷ đồng.
Hơn 80 tỷ đồng đã được Quỹ hỗ trợ đến các cá nhân, đơn vị, các đối tượng chính sách, những người có hoàn cảnh khó khăn, những CBCNVC-LĐ bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn, những học sinh, sinh viên nghèo vượt khó... Tất cả đều thể hiện tính nhân văn của CBCNVC-LĐ ngành GTVT.
Vinh danh 15 tập thể, 62 điển hình tiên tiến ngành GTVT
Chiều nay (19/10), tại Trung tâm Văn hóa hàng không VN (196 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội), Bộ GTVT tổ chức Đại hội thi đua yêu nước vinh danh 15 tập thể và 62 cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trong các phong trào thi đua 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. 15 tập thể và 62 cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.
Báo Giao thông vinh dự có 1 cá nhân là Trưởng ban Giao thông Nguyễn Đức Thắng được tôn vinh tại Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT lần này và nhận Bằng khen của Bộ trưởng.