Những bông hoa gạo đỏ thẫm
Vừa đặt lưng trên chiếc ghế gỗ cáu bẩn của quán cắt tóc.Cơn mưa mùa hạ đổ sầm sậm như trút nước, vài người khách chạy vội vào quán cắt tóc trú mưa. Du gã cắt tóc vừa hạ tấm rèm che mưa vừa lẩm bẩm.
Ảnh do tác giả cung cấp
- Kiểu này là mưa dai giẳng đây.
Tiếng Du hỏi quen thuộc :
- Vẫn như mọi khi chứ?
Tôi nhấm nhẳng:
- Biết rồi mà cứ hỏi!
Gã gí tông đơ lên đầu tôi, tiếng sành xạch hòa với tiếng mưa tạo nên âm thanh hỗn tạp.
Một người đàn ông mặc bộ quân phục tay cầm quyển sổ tay che mưa trên đầu, nhảy bổ vào quán hớt hải nói :
- Nghỉ đi họp cựu chiến binh thôi chứ ?
Du ngừng tay, nhưng mặt vẫn không ngước lên, giọng thủng thẳng.
- Ờ ông cứ đi trước đi tôi còn bận chút.
Người đàn ông mặc bộ quân phục cựu chiến binh không nói lời chào chạy vụt ra khỏi quán hòa vào cơn mưa nhạt nhòa. Tiếng một người khách hỏi vu vơ :
-Thằng này đi bộ đội cùng ông à?
Du dừng tay, vừa gỡ chiếc khẩu trang che miệng vừa nhỏ nhẹ nói:
- Lính cậu thôi ! Nó nhập ngũ sau mình.
Liếc mắt nhìn ông khách vừa nói, tôi nhận ra ngay người này cũng là cựu binh. Phải rồi bao nhiêu lần cắt tóc ở đây toàn thấy họ, những cựu binh vừa đến cắt tóc vừa hàn huyên kể chuyện quân ngũ. Với những người lính trở về sau chiến tranh, dường như những năm tháng mặc áo lính trên biên giới luôn đọng lại những kí ức không quên, có lẽ nó sẽ đeo đẳng theo họ suốt cuộc đời .
Tiếng mưa rơi sào xạc, tiếng gõ kéo tanh tách, giọng Du kể chuyện thủ thỉ như kéo thời gian trở lại 30 năm trước.
Hồi đó Du nhập ngũ cuối năm 1983 với thân hình to béo Du trở thành xạ thủ B41. Sau ba tháng huấn luyện ở Bắc Quang, ăn tết xong đơn vị của Du được điều động lên bổ sung cho các chốt ở mặt trận Vị Xuyên cách thị xã Hà Giang chừng 20km.Từ Thị Xã Hà Giang hành quân bộ hơn 20 km, đơn vị Du dừng chân ở làng Pinh để nghỉ ngơi và có điều kiện làm quen địa hình trước khi lên thay đổi quân cho cao điểm 1509. Nằm ở nhà Âm tránh pháo, Du và đồng đội gác chân lên nhau nghe tiếng sấm hay tiếng đạn pháo ầm ì đâu đó mà thấy thấp thỏm lo âu. Sau này Du mới thấy chỉ huy của đơn vị quả là nhiều kinh nghiệm, họ cho những người lính mới dạn dần với không khí chiến trường.
Làng Pinh nơi đơn vị Du tạm dừng chân, chỉ còn vài nếp nhà sàn xiêu vẹo, dân đi sơ tán hết, ruộng nương bỏ hoang, cây cối đổ chỏng chơ vỡ toác vì đạn pháo trông thật tan hoang, nếu không có lính đến trú quân chắc là cô quạnh lắm. Chỉ có những nụ hoa Gạo hé đỏ trổ thẳng lên trời làm cho nơi biên ải trông còn có vẻ thanh bình đôi chút.
Sau nửa ngày vong vèo theo chân lính trinh sát dẫn đường dưới trời rét căm căm, sương mù dày đặc, trung đội tăng cường của Du cũng đặt chân lên điểm cao 1509 nơi tiểu đoàn 2 - E 122 - F 313, trấn giữ từ sau 17/2/1979.
Nhìn đám lính mới lặc lè đeo balo và vũ khí trông có vẻ mệt mỏi, trung đội trưởng Minh Đỗ ra đón chỉ tay vào thanh bê tông làm hầm bảo :
- Kia ! ngày trước chúng tôi è cổ cả tháng để vác các thanh bê tông này lên tận đây đấy.
Đám lính cũ vui mừng ra đón lính mới, trông họ như người rừng, tóc tai bờm sờm, quần áo te tua gẻ lở, họ nhìn đám lính mới quân phục trang bị còn chỉnh tề vừa thương cảm vừa như diễu cợt, như muốn nói: " Ừ cứ lên đây vài tháng khác biết thế nào là lính chốt ". Trung đội của Du được chia đều bổ sung thay cho nhữnh cựu binh có quyết định ra quân, lính mới, lính cũ gặp nhau hỉ hả bên ấm Chè Chốt và thuốc lào An Thái. Những người lính hoàn thành nhiệm vụ, được về tuyến sau họ rời chốt ngay đêm ấy, hình như họ không muốn nán lại thêm một phút nào ở nơi này nữa.
Đời sống trên Chốt tuy gian khổ nhưng nhàn hơn khi còn đang huấn luyên, các chỉ huy cũng chan hòa, thân ái hơn chỉ huy ở các đơn vị huấn luyện. Hầm hào lính cũ đã lắp gép bằng bê tông từ những năm trước nên chỉ tu sửa.
Cao điểm 1509 là một núi đất, có rừng, có nguồn nước, nơi tiểu đoàn bộ đóng quân có một ao nước nhỏ. Những hôm đẹp trời từ đỉnh 1509 có thể nhìn thấy thị xã Hà Giang. Ấn tượng nhất với Du là hình ảnh những cây Gạo ra hoa đỏ ối, chim sáo về hút mật ríu rít. Từ trên điểm cao nhìn xuống dưới thung lung hay khu vực cửa khẩu Thanh Thủy hoa Gạo thắp đỏ như những đốm lửa đỏ rực một vùng trời biên giới làm Du và mấy chàng lính mới càng thêm phấn chấn, họ đâu biết rằng nhưng bông hoa Gạo rực rỡ dường như như báo hiệu một trận chiến sinh tử sắp bắt đầu.
Du bất ngờ gặp được đồng hương và Lê Thủy và hoàng Thắng. Thủy là lính quân khí của tiểu đoàn, Thủy và Thắng đã ở trên chốt nhiều tháng, gặp nhau họ vui mừng nói mãi không hết chuyện, Lê Thủy chỉ tay xuống thị xã Hà Giang thủ thỉ :
- Ước gì tháng nào cũng được xuống thị xã thăm mấy em học ở trường sư phạm, rồi ra bến xe khách uống cốc bột đậu đá hay vào quán cà phê Sỹ Tồ nghe dàn AKAI hát bài Đà Lạt hoàng hôn...
Nói vừa dứt câu đã thấy Thủy quân khí nhảy bổ, kéo một chiến sỹ lính mới xuống hào nói như quát:
- Mày trèo lên đấy làm gì? ở đó toàn mìn đấy !
Cậu lính mới mặt tái mét thanh minh :
- Nhìn thấy mấy quả đùm đũm định hái.
Thủy chỉ về phía sườn núi gần vị trí phòng ngự của lính Trung Quốc bảo :
- Đấy chỗ kia ông Trần Phúc C20 người thị trấn mình, đi trinh sát bị vướng mìn K58 của Tầu cụt chân, mấy ngày mới khiêng về trạm phẫu được.
Du và mấy chiến sỹ mới nhìn nhau mặt tái dại, họ biết Thủy không nói đùa, họ biết ở đây chỉ một sơ sểnh nhỏ cũng có thể trả giá bằng sinh mạng con người.
Lên chốt vài ngày Du mới biết ở trên này một số người kiêng không chịu cắt tóc, chẳng biết họ nghe ai nói : " Nếu cắt tóc hay bị xúi quẩy, khó tránh khỏi mũi tên hòn đạn " Cho nên một số chiến sĩ để tóc dài như thổ phỉ .
Bước sang tháng 4 năm 1984 bên sườn chốt, những bông hoa Gạo quá mãn đỏ sậm rời cành quay tít rơi đỏ gốc cây, đàn chim Sáo bay nháo nhác khi các loại pháo lớn quân Trung quốc bắt đầu nổ rầm rầm, chỉ huy đơn vị thông báo sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất, bộ đội không thể đi lại tự do được nữa. Các loại pháo 122ly,130 ly, H12...đạn cối các cỡ nã điên cuồng vào các vị chí phòng ngự của tiểu đoàn, căn hầm bê tông như nghiêng ngả, sóng xung kích, khói thuốc súng nhồi xuống hầm làm những người lính ngẹt thở muốn vỡ tung lồng ngực. Đáng sợ nhất là các loại pháo bắn thẳng DKZ, pháo phòng không hạ nòng, pháo 85 ly, đối phương bí mật chuẩn bị kỹ từ khi nào, từ các cao điểm bên kia biên giới bắn trực xạ vào các chốt gây nhiều thương vong cho đơn vị. Hầm của khẩu đội súng máy 12,7 ly bị trúng đạn bắn thẳng, đồng đội gom mãi cả khẩu đội mấy người chỉ được mấy xô thịt xương…
Quân số đơn vị hao hụt hầm hào sạt lở, bộ đôi không nấu được cơm ăn chỉ nhai gạo rang, đại tiểu tiện ngay tại hầm rồi dùng xẻng hất ra xa. Lính mất ngủ mắt thâm quầng, tai ù đặc, tinh thần giảm sút. Các loại pháo bên ta cũng ầm ầm trút lửa xuống các vị chí của địch, tiếng hú của hỏa tiễn bay trên đầu nghe như tiếng ma quỷ, nhìn sang đất địch sau những lô rừng Cao Su lửa cháy rừng rực. Trong khói lửa mù mịt các chỉ huy đơn vị vẫn động viên nhắc anh em không rời vị trí quan sát. Trung đội trưởng Minh Đỗ vẫn lạc quan nhắc lính: " Cất cái chảo gang sao chè xuống hầm kẻo vỡ mai không có gì sao chè đâu..."
Sau gần một tháng chịu trận, lúc bắn dồn dập, lúc bắn cầm canh như ru ngủ. Rạng sáng ngày 28 tháng 4 năm 1984 trời đất như chao đảo bởi hàng ngàn quả đạn của địch trút như cuồng phong vào các mỏm của cao điểm 1509, và bình độ 1200, 1100...
Sau mấy tiếng bắn phá dường như không còn sinh vật nào có thể tồn tại nơi đây, bộ binh Trung quốc lợi dụng sương mù áp sát trận địa, lần đầu tiên chúng sử dụng loại đạn nổ không mảnh bắn vào trận địa để lính bộ binh xung phong áp sát, địch tấn công nhiều mũi, chúng tấn công từ phía sau lưng nơi ít bãi mìn nhất, nhiều nơi bộ đội vừa chui ra khỏi hầm đã giáp mặt với quân địch, có nơi vừa dứt tiếng pháo chúng đã nhảy xuống được chiến hào, tiếng súng AK, tiếng lựu đạn nổ vang khắp trận địa.
Lớp lớp quân quân địch liên tục tấn công lên chốt, nhiều đợt tấn công của chúng bị đẩy lùi, tuy vậy bộ đội ta cũng bị thương vong nhiều, liên lạc với cấp trên bị cắt đứt hoàn toàn. Địch ỉ thế đông quân, được hỏa lực mạnh chi viện, liên tục mở các đợt tiến công chiếm điểm cao bằng mọi giá, đến quá trưa hôm đó tiếng súng bộ đội ta thưa dần. Được lệnh của chỉ huy, bộ đội ta đưa thương binh, tử sỹ rút dần xuống núi trong làn pháo truy đuổi của địch.
Chiều tối Du cùng hơn chục người rút xuống đến lưng núi, trung đội trưởng Minh Đỗ bị thương sã cánh tay được đồng đội dìu xuống sau cùng vẫn cay cú chửi thề : " Lựu đạn như củ C...bốn quả xịt hai thì đánh đấm con khỉ gì ! ". Chiều tối HoàngThắng cùng đồng đội tổ chức đánh phản kích không may trúng đạn, Thắng hy sinh ở tuổi 22 cùng nhiều đồng đội trong ngày ấy.
Thủy quân khí, một mình sử dụng nhiều loại vũ khí chống trả quân địch quyết liệt, nhiều lần bị đất vùi lấp nhưng vẫn gắng gượng cùng đồng đội chiến đấu tổ chức đánh phản kích, Thủy là điển hình về tinh thần chiến đấu kiên cường,Thủy được về hậu phương báo cáo thành tích điển hình. Sau đó chắc là do sức ép của đạn pháo, ám ảnh của sự chết chóc, mọi người thấy Thủy bắt đầu nói chuyện lẫn lộn, có dấu hiệu của bệnh tâm thần, đơn vị cho đi bệnh viện chữa chạy nhưng bệnh ngày càng tăng. Bây giờ nếu hỏi chuyện Thủy về trận đánh đẫm máu năm xưa Thủy vẫn hào hứng kể chuyện như người mộng du với những ký ức lộn xộn.
Mấy năm nay không còn thấy Du cắt tóc nữa, Du đã chết vì bệnh tật, cái quán cắt tóc xưa bây giờ cũng không còn nữa.
Trận chiến đẫm máu trên đỉnh 1509 đã đi qua hơn 30 năm những nhân chứng người còn người mất, bây giờ nếu ai có dịp đi cửa khẩu Thanh Thủy huyện Vị Xuyên - Hà Giang vào dịp tháng ba tháng tư, nhìn lên những sườn núi sẽ thấy rất nhiều hoa Gạo đỏ rực trời, hoa đỏ thẫm như máu như nhắc nhở mọi người đừng quên những người lính năm xưa, họ đã hy sinh tuổi trẻ và xương máu của mình cho tổ quốc. Xa xa điểm cao 1509 thấp thoáng sau mây, trầm mặc.
P/s :
- Bột đậu đá* là loại nước giải khát xa sỉ nhất đầu những năm 198x
- Tên người được người viết thay đổi có thể không đúng với tên thật.
Trái tim người lính
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-bong-hoa-gao-do-tham-a14332.html