Những 'bông hoa' trong sự nghiệp 'trồng người'
Những năm gần đây, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh ngày càng được nâng lên với những thành tích đáng tự hào. Đóng góp vào thành tích ấy có công sức không nhỏ của các thế hệ nhà giáo đã dành nhiều công sức, trí tuệ, niềm đam mê, nhiệt huyết cho sự nghiệp 'trồng người', trở thành những tấm gương sáng trong giảng dạy, được học trò, đồng nghiệp yêu mến.
“Bao nhiêu tuổi xuân là bấy nhiêu tâm huyết dành trọn cho sự nghiệp trồng người”, đó là những chia sẻ của các giáo viên Trường tiểu học Quyết Thắng, Thành phố khi nói về cô giáo Ngô Thị Tâm, Phó hiệu trưởng, 25 năm gắn bó với nghề giáo, với những nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi. Bằng sự tâm huyết, yêu nghề, cô giáo Ngô Thị Tâm có nhiều đóng góp đưa Trường tiểu học Quyết Thắng nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn dẫn đầu phong trào thi đua dạy tốt - học tốt của Thành phố. Cá nhân cô luôn được học sinh tin yêu, đồng nghiệp quý trọng; được công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; nhiều năm liên tiếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Cô giáo Ngô Thị Tâm chia sẻ: Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống trong ngành giáo dục, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tiểu học năm 1999, tôi công tác tại Trường phổ thông cơ sở Chiềng Sinh, xã Muổi Nọi (nay là Trường tiểu học và THCS Muổi Nọi, huyện Thuận Châu). Khi đó điều kiện dạy học và đời sống của giáo viên cắm bản nhiều khó khăn, không đường, không điện, lớp học ghép bằng phên tre chỗ kín, chỗ hở, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì bám lớp, bám bản, gieo chữ cho học trò nơi vùng cao gian khó. Từ năm 2017 đến nay, tôi chuyển về công tác tại Trường tiểu học Quyết Thắng. Dù ở công việc nào, tôi luôn cố gắng học hỏi chuyên môn, gương mẫu đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; động viên và khích lệ các đồng nghiệp cùng trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực dạy học, để đáp ứng yêu cầu, xu thế đổi mới của giáo dục.
Trường THPT Chuyên Sơn La luôn dẫn đầu về chất lượng mũi nhọn của tỉnh, nơi đào tạo nhiều thế hệ học trò tài năng và xuất sắc. Làm nên những thành tích đó không thể không nhắc đến những nhà giáo giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết và sống hết mình với nghề, cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên môn tiếng Anh là một trong những điển hình tiêu biểu. Công tác tại Trường THPT Chuyên từ năm 1999, cô Hiền luôn tâm niệm, thầy, cô phải là tấm gương đạo đức, luôn đổi mới, sáng tạo trong nhiệm vụ chuyên môn và tạo mọi điều kiện để khơi dậy học sinh lĩnh hội kiến thức hiệu quả nhất; truyền cảm hứng, truyền tải năng lượng tích cực trong từng giờ học để học sinh thực sự yêu thích và say mê với việc học.
Giỏi về chuyên môn, cô Hiền được Sở Giáo dục và Đào tạo giao trọng trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Cô đã xây dựng phương pháp giảng dạy phù hợp, giúp các học sinh nắm vững kiến thức, các dạng bài tập, câu hỏi chuyên sâu. Nhiều năm học qua, đã có hàng trăm học sinh của Trường THPT Chuyên đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2021-2022, đội tuyển học sinh giỏi do cô Hiền phụ trách, lần đầu tiên tỉnh Sơn La có học sinh đoạt giải nhì quốc gia môn tiếng Anh.
Em Lò Phạm Đức Minh, lớp 10 Anh, Trường THPT Chuyên Sơn La, chia sẻ: Được cô Hiền chủ nhiệm, chúng em được dìu dắt, dạy dỗ cách học thế nào cho hiệu quả, sống thế nào cho có ích; cô luôn động viên chúng em học thật tốt để đạt được mục tiêu đề ra.
Khác với địa bàn thành phố, thị trấn, thị tứ, các thầy, cô giáo vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình dạy học và đòi hỏi mỗi giáo viên nơi đây phải có tinh thần vượt khó, yêu nghề thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điểm trường tiểu học Keo Đồn, thuộc Trường tiểu học Nà Cài, xã Chiềng On, huyện Yên Châu có 3 lớp học, gồm 1 lớp ghép 1, 2; 1 lớp 3, 4 và 1 lớp 5, với hơn 50 học sinh dân tộc Mông; có 3 thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy.
Thầy giáo Lò Văn Vui, dạy lớp ghép 3, 4 luôn tận tâm với nghề, thương yêu, giúp đỡ học sinh; thầy cũng là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Hơn 7 năm công tác, thầy Vui đều dạy học ở các điểm trường vùng cao của huyện Yên Châu, như Ôn Ốc, bản Giáo, xã Mường Lựm; bản Đin Chí, xã Chiềng On và hiện nay đang dạy học ở điểm trường Keo Đồn. Thầy Vui tâm sự: Điểm trường còn thiếu đồ dùng, sách vở để học tập; nhiều em chưa biết hết tiếng phổ thông, dẫn đến việc tiếp thu bài học còn chậm, vì vậy, tôi phân học sinh theo nhóm để có phương pháp dạy riêng; linh hoạt giảng bài và tìm thêm nhiều tranh ảnh liên quan đến nội dung bài học để minh họa. Mỗi tuần, chúng tôi đều dành thời gian 2 buổi để bổ sung, củng cố kiến thức cho các em.
Những thầy, cô giáo tiêu biểu nêu trên là những bông hoa trong rừng hoa tươi thắm của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà. Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 318 đề tài nghiên cứu và sáng kiến kinh nghiệm của các nhà giáo được phổ biến tới đồng nghiệp, được hội đồng khoa học từ cấp cơ sở đến cấp ngành đánh giá, xếp loại; hơn 2.000 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi từ cấp trường trở lên. Ngành GD&ĐT tuyên dương hơn 200 giáo viên; Tỉnh đoàn tuyên dương 56 nhà giáo trẻ tiêu biểu đạt thành tích cao trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, có nhiều sáng tạo mang lại hiệu quả tốt trong công tác giảng dạy, đào tạo.
“Giáo viên - Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, các nhà giáo luôn giữ vị trí, vai trò đặc biệt trong sự nghiệp “trồng người”. Họ là những người thầy, người cô không chỉ giỏi về công tác chuyên môn, nghiệp vụ mà còn tận tâm, trách nhiệm, hết lòng vì học sinh.