Những bông hoa viết lên câu chuyện của chính mình

ĐBP - Phụ nữ vẫn thường được xem là phái yếu, cần được che chở, bảo vệ. Nhưng với những công việc mà họ đảm nhận; thành quả, vị trí trong xã hội mà họ đạt được, phụ nữ ngày nay đã nâng cao vị thế của mình, chứng minh họ là phái đẹp, không đồng nghĩa với phái yếu. Từ vùng cao đến thành phố trên địa bàn tỉnh ta, những người phụ nữ không dựa dẫm mà tự mình vươn lên, vượt qua khó khăn, làm chủ cuộc đời, như những bông hướng dương luôn hướng về phía mặt trời.

Chị Mùa Thị Mỷ hướng dẫn chị em học nghề, làm mẫu trang phục theo yêu cầu của khách.

“Nữ cường nhân” là cụm từ chỉ những cô gái, người phụ nữ độc lập, mạnh mẽ, kiên cường, quyết liệt, không ngại thử thách, gian khó. Những “nữ cường nhân” trong xã hội có không ít, đó có thể là những người phụ nữ nắm giữ trọng trách trong cơ quan, tổ chức, cũng có thể là những nữ doanh nhân hay chị em làm nhiều công việc khác nhau; hoặc chỉ đơn giản là những phụ nữ được nhân dân tin tưởng bầu vào các vị trí “vác tù và hàng tổng”, những công việc tưởng nhỏ bé nhưng không ít phức tạp, vất vả... Bà Phạm Ngọc Tuyết (sinh năm 1961), tổ dân phố 18, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) là một người như thế. Không ít người dân địa bàn thành phố biết đến bà với hình ảnh luôn mặc bộ đồng phục công an viên, mặt nghiêm nghị, tay cầm loa, cổ đeo còi một mình điều phối giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng dịch tại chợ Mường Thanh vào giờ tan tầm hàng ngày, trong nhiều năm qua. Nhưng lại ít người biết, bà còn là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường, Phó ban Bảo vệ dân phố của phường. Mỗi vị trí, bà đều hết mình vì công việc. Vừa đứng ra kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm giúp đỡ những trường hợp khó khăn, vận động hiến máu, xây dựng các đội, nhóm tình nguyện... Vừa tham gia giữ gìn an ninh trật tự, tuần tra, thậm chí tham gia hỗ trợ vây bắt tội phạm, bảo vệ hiện trường thâu đêm...

Bà Tuyết chia sẻ: “Nhiều người bảo tôi hâm vì hơn 1 năm nay không có lương nhưng vẫn làm cả ngày cả đêm, và còn là những việc nhẽ ra đàn ông nên làm. Tôi chỉ cười, bởi đơn giản là mình yêu công việc này và đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Bản thân tôi đã làm bảo vệ dân phố 17 năm, chữ thập đỏ 14 năm, gây dựng được lực lượng bảo vệ dân phố, đội ngũ tình nguyện viên đông đảo mà giờ buông bỏ sợ sẽ tan rã thì rất tiếc”. Ðược biết từ 1/1/2020, cả 2 vị trí bà đảm nhiệm đều không còn được bố trí và chi trả phụ cấp. Trong nhiều năm qua, bà Tuyết đã xây dựng được các đội tình nguyện viên hiến máu, xung kích chữ thập đỏ, phòng ngừa ứng phó thảm họa, chăm sóc sức khỏe cộng đồng với gần 3.000 hội viên. Riêng năm 2020, Hội Chữ thập đỏ phường đã kết nối, trao tặng nhiều phần quà trị giá hơn 200 triệu đồng cho nhiều hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài địa bàn, vận động hiến được 140 đơn vị máu. Dù không còn phụ cấp nhưng bà vẫn là một người bảo vệ dân phố tâm huyết. Bà Tuyết tích cực tham gia giám sát người từ vùng dịch về, tham gia hòa giải tranh chấp, có khi phối hợp cùng công an phường tuần tra, mai phục đến sáng. Trong vai trò này, bà thực sự là 1 người phụ nữ kiên quyết, mạnh mẽ. “Khi nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang phòng dịch tại nơi công cộng, có những người tỏ thái độ không hợp tác nhưng tùy từng trường hợp mà có lúc cần cứng rắn, lúc cần tình cảm, phân tích, giải thích cho người ta hiểu. Thậm chí có người chửi bới, dọa dẫm khi bị nhắc nhở, tôi vẫn lì, kiên quyết yêu cầu làm đúng quy định, thấy vậy nhiều người dân xung quanh cũng lên tiếng bảo vệ, ủng hộ tôi giúp tôi có thêm động lực làm việc”.

Mỗi người có câu chuyện khác nhau, chị Mùa Thị Mỷ (sinh năm 1989), hiện sinh sống tại bản Mường Toong 1, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) là phụ nữ dân tộc Mông cố gắng theo đuổi con chữ nhưng tốt nghiệp chuyên nghiệp trở về vẫn chưa xin được việc. Không tránh khỏi những lời bàn tán ăn bám gia đình, Mỷ mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp và đã thu được những thành công bước đầu, chủ động tài chính, làm chủ cuộc đời mình. Trong cửa hàng nhỏ tại trung tâm xã, chị Mỷ cùng 3 chị em khác ngồi may, khâu vá giữa ngổn ngang váy, áo, mũ dân tộc Mông để kịp chuyến hàng đi ngoại tỉnh. Ðam mê thêu thùa, may mặc từ nhỏ, ban đầu chị nhận đồ của các cửa hàng mang về nhà may, sau đó bỏ tiền xuống Hà Nội học nghề tại cơ sở may mặc lớn để học hỏi thêm. Với quyết tâm đó, đến năm 2016 chị mở cửa hàng thời trang chuyên may, thiết kế váy áo dân tộc Mông, khởi đầu thực hiện ước mơ của mình. Năm 2020, mô hình kinh doanh của chị Mỷ được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khen thưởng là 1 trong 5 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc. Khách tìm đến chị bởi những đường may chắc chắn và cả những kiểu dáng cách tân đẹp mắt, hiện đại mà vẫn đặc trưng dân tộc Mông. Chị Mỷ cho biết: “Cửa hàng luôn có sẵn các mẫu thiết kế cho khách lựa chọn, hoặc có thể làm theo yêu cầu khách. Trong năm thì có thể túc tắc làm một mình nhưng cuối năm hoặc khi có lô hàng phải thuê thêm 2 - 3 người. Khách không chỉ tại địa bàn mà thông qua mạng xã hội có nhiều khách ở xa tìm đặt như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang...”. Ðược biết mỗi bộ trang phục dân tộc Mông tại cửa hàng của chị Mỷ có giá từ 1 - 1,2 triệu đồng, trung bình một năm xuất khoảng 200 bộ. Mặc dù không phải đồ thổ cẩm thêu tay nhưng cũng được làm rất tỉ mỉ, các đường nét, hoa văn, chi tiết trang trí đều mang đặc trưng dân tộc.

Gọi điện trò chuyện, chị Mỷ chia sẻ, thức trắng đêm qua để thiết kế, lên mẫu mới mà chưa xong bởi có đơn đặt 70 - 80 bộ từ người Mông ở nước ngoài. “Dự định năm nay chị mở rộng quy mô cửa hàng và thuê các cửa hàng nhỏ, người nhận việc tại nhà may hoàn thiện để có thể làm nhiều đơn hàng hơn, giảm áp lực cho cửa hàng. Mặc dù chị đã dạy nghề cho hơn 10 chị em nhưng hầu hết họ về mở cửa hàng làm riêng nên để thuê được một số người thạo việc làm ổn định cho mình cũng rất khó nên phải phát triển theo hướng đó” - chị Mỷ cho biết. Ước mơ theo đuổi thời trang của chị Mùa Thị Mỷ đã bước đầu thành công, gây dựng được cơ ngơi nhỏ cho riêng mình. Bông hoa giữa núi rừng ấy không chỉ đẹp mà còn mạnh mẽ dám đối mặt với thử thách, dám bắt đầu, vươn lên và chứng minh khả năng của bản thân.

Còn rất nhiều chị em dám làm công việc mình yêu thích, dám ước mơ, dám hiện thực hóa nó và không ngại đối diện với khó khăn như bà Phạm Ngọc Tuyết, chị Mùa Thị Mỷ. Mỗi người phụ nữ hiện đại đều đang tự viết lên câu chuyện của chính mình.

Bảo Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/185284/nhung-bong-hoa-viet-len-cau-chuyen-cua-chinh-minh