Những 'bóng hồng' dũng cảm và cống hiến hết mình cho nghệ thuật xiếc
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay, mặc dù không được phục vụ khán giả, không được chứng kiến những tràng vỗ tay cổ vũ của người xem do điều kiện khách quan mang lại, nhưng các nữ nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn hàng ngày đều đặn lên sân khấu để tập luyện.
Thiếu diễn viên nữ
Liên đoàn Xiếc Việt Nam hiện có hơn 40 nữ diễn viên, trong tổng số 200 cán bộ, nghệ sĩ. Với con số nữ nghệ sĩ như vậy có thể coi là tương đối đông hơn so với một số đơn vị nghệ thuật khác.
Nói về nguyên nhân thiếu diễn viên nữ hiện nay, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: Phụ nữ ngoài công việc, họ còn có thiên chức làm vợ, làm mẹ nên khi theo đuổi bộ môn này đòi hỏi họ kết hôn muộn hơn, sinh con cũng muộn hơn những phụ nữ làm nghề khác. Hơn nữa, đối với nghệ thuật xiếc, nữ diễn viên ở đỉnh cao của sự nghiệp chỉ từ 17 đến khoảng gần 30 tuổi. Chính vì tuổi nghề ngắn như vậy nên những bạn nữ nào phải thực sự đam mê với nghề thì mới dám theo đuổi. Ngoài ra, đối với nghệ thuật xiếc, phải có những động tác nguy hiểm và bắt buộc người nghệ sĩ phải mạo hiểm để thực hiện, thì mới thu hút khán giả. Không giống những loại hình nghệ thuật khác, nếu chỉ dừng tập luyện chỉ vài ngày thì khi trở lại sân khấu sẽ không thể biểu diễn được nữa. Bởi thế mà, tập luyện thường xuyên là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với bộ môn nghệ thuật xiếc. Đó chính là những nguyên nhân khiến Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn thiếu diễn viên nữ.
Thiếu diễn viên nữ nên có một số nghệ sĩ có chuyên môn tốt, muốn chinh phục những đỉnh cao mới của loại hình nghệ thuật này đã đảm nhiệm nhiều tiết mục. Diễn viên Lô Thị Ngọc Thúy, năm nay 27 tuổi đời nhưng đã có 16 năm trong nghề. Hiện nay chị có thể đảm nhiệm biểu diễn 3 tiết mục: Nhào lộn trên sào, đu dây, cưỡi ngựa.
Diễn viên Lô Thị Ngọc Thúy cảm thấy lựa chọn của mình dành cho xiếc là chính xác bởi khi bắt đầu theo đuổi con đường này, chị luôn dành niềm đam mê đặc biệt cho nghệ thuật xiếc mặc dù biết rằng sẽ rất vất vả và nguy hiểm.
Đã từng là diễn viên xiếc trước khi trở thành Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tạ Duy Ánh chia sẻ: Các nhà hát, đơn vị nghệ thuật luôn rất cần nữ nghệ sĩ, nhiều loại hình nghệ thuật hầu như đều thiếu nữ, nhưng đặc biệt nghề xiếc càng thiếu hơn bởi chị em phải tập luyện rất vất vả. Họ phải hy sinh nhiều, kể cả cuộc sống riêng để theo đuổi ngành nghề. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nào cũng vậy, chúng tôi tổ chức mít tinh để động viên, tôn vinh các nữ nghệ sĩ phấn đấu trong sự nghiệp. Khán giả có đến với rạp xiếc hay không là trông chờ vào những nữ nghệ sĩ tài năng bởi họ là mang vẻ đẹp của một nửa thế giới và họ giỏi thế, yêu nghề thế thì không có lý gì chúng tôi không trân trọng.
Dũng cảm và yêu nghề
Đó là yếu tố cần thiết của mỗi diễn viên nữ khi theo đuổi nghệ thuật xiếc.
Gặp nữ diễn viên Vũ Thị Kim Oanh tại sân khấu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam khi em vừa hoàn thành tập luyện tiết mục đu dây trên cao. Vũ Thị Kim Oanh cho biết: Năm nay mới 17 tuổi, nhưng đã có 6 năm theo đuổi môn nghệ thuật này. Khi vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, em được nhận về làm việc tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Gia đình không có ai theo bộ môn nghệ thuật này nhưng vì đam mê nên quyết định theo đuổi. Hồi nhỏ, tôi hay xem các chương trình nghệ thuật trên truyền hình, rất thích xem các tiết mục xiếc, múa nhưng tôi vẫn thích xiếc hơn. Khi mới vào thì cảm thấy xiếc không nguy hiểm nhưng khi đi chuyên sâu vào tiết mục mới cảm thấy mạo hiểm. Tuy nhiên, tôi luôn muốn khám phá và chinh phục những đỉnh cao mới của xiếc bởi tôi rất yêu thích và đam mê môn nghệ thuật này.
Trong quá trình tập luyện, Vũ Thị Kim Oanh bị chấn thương cổ chân nên em phải nghỉ một thời gian để điều trị. Bố mẹ thấy vậy đã không cho em theo nghệ thuật xiếc. Tuy nhiên, vì đam mê môn nghệ thuật này nên tôi năn nỉ, thuyết phục bố mẹ đồng ý cho tôi tiếp tục đi theo con đường mình đã lựa chọn.
Chia sẻ về cảm giác lần đầu biểu diễn trên sân khấu, Vũ Thị Kim Oanh bộc bạch: Khi lần đầu đứng trên sân khấu, tôi vừa lo, vừa sợ bởi không biết mình có làm tốt hay không. Cuối cùng, tôi đã vượt qua và tiết mục được khán giả vỗ tay nhiệt tình. Vì thế, tôi cảm thấy rất vui. Buổi diễn đầu tiên đó, mẹ tôi đến xem và rất thích nhưng vẫn muốn tôi phải bỏ nghề bởi mẹ lo đây là nghề nguy hiểm. Tôi đã động viên, an ủi để mẹ yên tâm bởi trong quá trình tập, tôi được rèn luyện các kỹ thuật của từng động tác.
Là hai nữ nghệ sĩ đều có chồng là diễn viên cùng biểu diễn trên sân khấu, Lô Thị Ngọc Thúy và Nguyễn Thùy Dương đều cảm thấy mình may mắn hơn một số đồng nghiệp bởi có chồng cùng nghề và cũng là điểm tựa cho các chị trong mỗi tiết mục.
Lô Thị Ngọc Thúy cho biết: Khi biểu diễn tiết mục “Nhào lộn trên sào”, chồng tôi và một bạn diễn nam làm trụ hất nhào lộn. Tôi đứng trên chiếc sào dài 4,5m, còn chồng và bạn diễn gánh sào trên vai để tôi thực hiện các động tác. Có chồng luôn bên cạnh nên tôi cảm thấy yên tâm khi thực hiện những động tác khó. Hai vợ chồng cùng làm diễn viên nên con tôi năm nay mới 17 tháng tuổi mà thường xuyên phải theo bố mẹ đến sàn tập. Dường như bé đã quen với ánh đèn sân khấu và cảm thấy rất thích mỗi khi được theo bố mẹ đi làm. Khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi rất vui bởi luôn có sự động viên, giúp đỡ của lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam và đồng nghiệp.
Mặc dù mới 33 tuổi đời nhưng nghệ sĩ Nguyễn Thùy Dương đã được coi là nữ diễn viên “gạo cội” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Tuy đã có hai con nhưng Nguyễn Thùy Dương vẫn dành tâm huyết và đam mê cho xiếc. Với sự hậu thuẫn của chồng là diễn viên Hoàng Đức Thắng, chị đã gặt hái nhiều thành công trên con đường nghệ thuật. Với tiết mục “Đu quăng”, diễn viên này đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Xiếc toàn quốc năm 2016.
Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, chấn thương luôn dình dập, nhưng những “bóng hồng” của nghệ thuật xiếc coi nghề là nghiệp đi theo mình nên họ không quản ngại khó khăn để mang đến món ăn tinh thần hấp cho khán giả.