Những 'bóng hồng' ngành Y trưởng thành từ tình nguyện

Tăng tốc để có mặt tại hiện trường tai nạn, sơ cứu nạn nhân dưới nhiều tác động chi phối,... Những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam lực lượng cứu trợ chuyên nghiệp song đã dần trở nên quen thuộc với các 'bóng hồng' tình nguyện của Đội Hỗ trợ Sơ cứu FAS Angel.

Mai Anh (2005, Nam Định, sinh viên Trường Cao đẳng Y Hà Nội), chia sẻ về lịch trình bận rộn của mình: “Một ngày mình vừa đi học, vừa đi làm, vừa tham gia trực ca hoặc hỗ trợ các công việc tại trụ sở FAS Angel”. Hơn nữa, chương trình học của sinh viên y khoa khá nặng, nên những sinh viên ngành Y như Mai Anh phải cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo không bị ảnh hưởng cả học tập lẫn hoạt động xã hội.

Sau 6 tháng gia nhập Đội và được đào tạo bài bản về kỹ năng sơ cứu, Mai Anh đã nâng cao khả năng chuyên môn, ứng biến tình huống và làm việc nhóm.

Sau 6 tháng gia nhập Đội và được đào tạo bài bản về kỹ năng sơ cứu, Mai Anh đã nâng cao khả năng chuyên môn, ứng biến tình huống và làm việc nhóm.

Nhớ lại khoảng thời gian đầu tiên trực tiếp sơ cứu cho một nạn nhân, Mai Anh cảm thấy vô cùng hồi hộp và lo lắng. “Dù mình đã được học lý thuyết và thực hành, nhưng khi đối mặt với tình huống thực tế, mình vẫn có chút bối rối”, cô chia sẻ.

Cụ thể, nhiều trường hợp nạn nhân sử dụng bia rượu từ chối sơ cứu khi có những vết thương chảy máu. Bên cạnh đó, khi gặp các tình huống nghiêm trọng, các Đội viên, tình nguyện viên cũng phải đối diện với áp lực tâm lý rất lớn, vì bất kỳ sai sót nào cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng người.

Tuy nhiên, qua thời gian, nữ sinh Trường Cao đẳng Y Hà Nội đã trở nên tự tin và bình tĩnh hơn trong công việc. Cô nhận thấy, trong những tình huống khẩn cấp, điều quan trọng nhất là giữ vững tinh thần, sau đó đánh giá tình huống nhanh chóng và thực hiện các thao tác một cách chính xác.

Tham gia cùng đợt với Mai Anh, cô bạn Nguyễn Thị Thu Trang (2005, Lào Cai) cho biết, lý do cô gia nhập đội là vì mong muốn áp dụng những kiến thức học được vào thực tế, đồng thời rèn luyện kỹ năng sơ cứu và khả năng phản ứng nhanh trong những tình huống khẩn cấp.

Trang giãi bày: “Trước đây, khi sơ cứu một người bị nạn, mình cảm thấy lo lắng và sợ mắc sai sót. Nhưng giờ đây, mình đã bình tĩnh hơn khi đối mặt với tình huống và tập trung vào các bước sơ cứu đúng kỹ thuật”.

Với tính chất nhiệm vụ đặc thù, Thu Trang và các đồng đội của mình không tránh khỏi những lần ám ảnh khi chứng kiến cảnh người gặp nạn: “Mình nhớ nhất là một lần sơ cứu một nạn nhân bị tai nạn giao thông vào ban đêm. Lúc ấy, tình trạng nạn nhân bị chấn thương mũi, chảy máu, xước xát chân tay, và chấn thương đốt sống cổ. Hơn thế nữa, người này còn đang trong trạng thái hoảng loạn”. Rất nhanh ngay sau đó, Thu Trang cùng đội viên đã phối hợp nhịp nhàng để sơ cứu và chuyển nạn nhân vào bệnh viện.

Thu Trang gửi gắm thông điệp đến các bạn trẻ: “Hãy tham gia hỗ trợ cộng đồng với tinh thần cống hiến. Bởi khi làm tình nguyện, bạn không chỉ giúp đỡ người khác mà còn học được rất nhiều điều quý giá cho bản thân”.

Thu Trang gửi gắm thông điệp đến các bạn trẻ: “Hãy tham gia hỗ trợ cộng đồng với tinh thần cống hiến. Bởi khi làm tình nguyện, bạn không chỉ giúp đỡ người khác mà còn học được rất nhiều điều quý giá cho bản thân”.

Gia nhập Đội Hỗ trợ Sơ cứu FAS Angel từ giai đoạn đầu tiên, Thu Phương, sinh viên năm 4 Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, là một trong những người gắn bó lâu dài nhất với Đội hỗ trợ sơ cứu tình nguyện cho đến thời điểm hiện tại.

Một trong những vụ việc mà cô nhớ mãi là ca trực hỗ trợ hai nạn nhân tai nạn giao thông nghiêm trọng. Có mặt tại hiện trường trước cả xe cấp cứu, Phương và một đồng đội mới đã tự mình tiếp cận và sơ cứu. Song, do tình trạng nguy kịch, cả hai nạn nhân đều không qua khỏi. Ca trực kéo dài 5 tiếng đó đã để lại trong Phương nhiều cảm xúc khó tả cho đến tận bây giờ.

Thu Phương khuyến khích người trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên, nên tham gia các CLB, hội, đội, nhóm để phát huy tôn chỉ “học đi đôi với hành”.

Thu Phương khuyến khích người trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên, nên tham gia các CLB, hội, đội, nhóm để phát huy tôn chỉ “học đi đôi với hành”.

Sau 4 năm dần cứng cáp tại môi trường tình nguyện, nữ sinh năm 4 ngành Y nhận ra bản thân khá kiên định và có sự nhiệt huyết lớn. Thu Phương khẳng định: “Sơ cứu là một kỹ năng mà ai cũng có thể học và nên học chứ không chỉ là việc của các nhân viên y tế. Điều này đảm bảo mọi người đều có thể tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh khi cần thiết”.

Trải qua năm thứ 5 duy trì hoạt động tình nguyện, số nữ Đội viên của Đội Hỗ trợ sơ cứu duy nhất tại miền Bắc chỉ “đếm trên đầu ngón tay” bởi hoạt động đặc thù đòi hỏi nhiều yếu tố khắt khe. Tuy nhiên, những “bóng hồng” tình nguyện ấy vẫn không ngại ngần trước mọi tình huống để giúp đỡ nạn nhân, nhận nhiệm vụ hỗ trợ sơ cứu kịp thời.

Trải qua năm thứ 5 duy trì hoạt động tình nguyện, số nữ Đội viên của Đội Hỗ trợ sơ cứu duy nhất tại miền Bắc chỉ “đếm trên đầu ngón tay” bởi hoạt động đặc thù đòi hỏi nhiều yếu tố khắt khe. Tuy nhiên, những “bóng hồng” tình nguyện ấy vẫn không ngại ngần trước mọi tình huống để giúp đỡ nạn nhân, nhận nhiệm vụ hỗ trợ sơ cứu kịp thời.

(Ảnh: NVCC)

Hồng Hoa

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nhung-bong-hong-nganh-y-truong-thanh-tu-tinh-nguyen-post1741246.tpo