Những 'bóng hồng' thổi hồn làng nghề Hà Nội
Họ là những nữ nghệ nhân không chỉ mang trong mình ước mơ giữ lửa nghề truyền thống, mà còn mang khát vọng đưa những sản phẩm làng nghề vươn cao, vươn xa ra khu vực và thế giới. Họ là những đóa hoa rực rỡ của làng nghề Thủ đô Hà Nội.
Bền bỉ giữ lửa làng nghề
Xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm nổi tiếng với làng nghề dát vàng, bạc quỳ. Đầu năm 2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chính thức công nhận nghề thủ công truyền thống quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năng động, sáng tạo và say mê nghề truyền thống của làng, nghệ nhân trẻ Hoàng Thị Anh, chủ cơ sở dát vàng Phương Nam đã và đang góp phần gìn giữ nghề truyền thống quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ.
Nghề làm vàng, bạc quỳ rất tinh xảo, đòi hỏi người thợ kiên trì, cẩn thận, tinh tế từ việc xây lò kín, làm mực “lướt” quỳ, đánh quỳ. Để tạo ra được một sản phẩm chất lượng như dát một pho tượng, người thợ ngoài sự cẩn thận, tỉ mỉ thì trước khi làm phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm để từ đó có phương án làm tốt nhất.
Từ sự đam mê nghề truyền thống, nghệ nhân Hoàng Thị Anh luôn tự tìm tòi, học hỏi những người thợ đi trước, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế các sản phẩm, công trình. Với việc xây dựng được đội ngũ thiết kế hỗ trợ từ khâu lên ý tưởng, đồ họa và thi công lành nghề, cơ sở của nghệ nhân Hoàng Thị Anh ngày càng phát triển.
Cùng với đó, nghệ nhân còn truyền dạy nghề cho hơn 100 người cùng có chung niềm yêu nghề truyền thống. Với sự nỗ lực của mình, năm 2018, nghệ nhân Hoàng Thị Anh được Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á, Việt Nam trao tặng Bằng chứng nhận danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề truyền thống Việt Nam”. Năm 2021, được thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.
Tới làng tranh sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), không khó để tìm đến cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi. Gần 50 năm gắn bó với nghề sơn mài, đến nay, nhiệt huyết, tình yêu nghề ở nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi chưa khi nào vơi bớt. Bà sinh ra trong gia đình theo nghề sơn mài truyền thống nên ngay từ nhỏ đã có cơ hội tiếp xúc với các kỹ thuật, cách làm tranh sơn mài. Năm 16 tuổi, bà vào hợp tác xã học làm tranh và theo nghề một cách bài bản. Năm 2003, khi tích lũy được một chút kinh nghiệm, bà Hồi quyết định mở xưởng riêng, tự mình làm chủ. Chặng đường “khởi nghiệp” ấy không hề dễ dàng, nhiều lần lao đao, khó khăn.
Bây giờ nhắm mắt lại nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi cũng có thể hình dung, miêu tả sinh động quy trình sản xuất tranh sơn mài với hơn 20 công đoạn rất tỉ mỉ, kỳ công như lựa chọn, xử lý cốt gỗ, sơn và mài nhiều lớp, nhiều lần, trang trí bạc, vỏ trứng…
Cũng vì đem cả tâm huyết và tình yêu vào tranh nên mỗi sản phẩm, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi làm ra đều rất tinh xảo, chi tiết, mang đậm dấu ấn cá nhân. Với những giá trị đem lại cho xã hội, năm 2006, bà trở thành một trong bốn người đầu tiên của làng nghề được công nhận danh hiệu nghệ nhân. Người dân trong làng vẫn ví von và gọi bà là “người giữ lửa nghề sơn mài Hạ Thái”.
Bây giờ khi ở cương vị Chủ tịch Hội Sơn mài Hạ Thái, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi không chỉ làm nghề, tiên phong áp dụng các kỹ thuật mới vào làm tranh sơn mài, mà còn tích cực phối hợp cùng địa phương đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ, với ước muốn phát triển làng nghề quê hương.
Khát khao đưa làng nghề cất cánh
Chỉ sau 8 năm theo nghề, chị Nguyễn Thị Hân thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội được tặng danh hiệu “Nghệ nhân mây tre đan” và là một trong những nghệ nhân có tuổi đời, tuổi nghề trẻ nhất ở làng Phú Vinh nhận được danh hiệu này. Bởi lẽ tuổi trẻ, sự ham học hỏi và sáng tạo đã giúp chị có được bước đi nhanh chóng, “uốn” những sợi mây, thanh tre vốn cứng cáp, chắc chắn thành sản phẩm trang sức, phụ kiện thời trang đẹp mắt và mềm mại.
Chị đã kết hợp mây với gốm và thuyết phục chồng bằng ý tưởng về một bình gốm sẽ được chế tác làm hai phần. Phần trên tráng lớp men màu nâu pha vàng, phần dưới để nguyên lớp đất nung và chìm vào trong. Đây sẽ là nơi mây và gốm hội tụ, tùy theo kiểu dáng của bình mà chế tác.
Chấp nhận không ít thất bại, phải bỏ đi một số mẫu mã không bảo đảm chất lượng, cuối cùng, họ gặt hái được trái ngọt khi “kết duyên” thành công giữa mây và gốm. Những chiếc bình gốm được đan mây bên ngoài trang trí mang lại vẻ đẹp mới, hội tụ tinh hoa của nghề truyền thống, được người tiêu dùng và các chuyên gia đánh giá cao, dành Huy chương Vàng tại Hội chợ làng nghề và thi sản phẩm thủ công Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Luôn nắm bắt nhu cầu thị trường để đầu tư công sức, sáng tạo ra sản phẩm mới, nữ nghệ nhân vẫn nhiều trăn trở với sự phát triển của làng nghề. Bởi để mỗi làng nghề được phát triển, chỉ phụ thuộc vào đôi bàn tay nghệ nhân thôi là chưa đủ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hân bày tỏ: “Tôi mong muốn nghĩ tới làng nghề, là người ta nghĩ ngay tới một điểm hẹn, một nơi du lịch trải nghiệm. Ngày nay, điều đó không phải hữu xạ tự nhiên hương mà có. Hy vọng rằng, qua những chương trình tôn vinh làng nghề, tôn vinh nghệ nhân, sẽ có thêm nhiều sự chung tay vào cuộc giúp đỡ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng để đưa làng nghề lên một tầm cao mới, nơi mà mỗi nghệ nhân, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, có như vậy làng nghề mới có thể cất cánh bay xa”.
Cũng với khát khao để sản phẩm làng nghề “cất cánh”, nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) là 1 trong 9 “Công dân ưu tú” của Thủ đô năm 2021. Đau đáu những năm giá tằm rớt thê thảm, bán không ai mua, bà Thuận quyết đi tìm đầu ra cho tơ tằm. Bà làm thành một quy trình sản xuất khép kín, ở đó, tự con tằm sẽ dệt tơ thành các thành phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Năm 2012, bà Thuận chính thức trình làng sản phẩm và phương pháp lần đầu tiên chăn tơ do tằm tự dệt. Sản phẩm đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và đạt giải Nhất với giải pháp sáng tạo mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt năm 2015.
Từ sản phẩm này, bà đã cho ra đời nhiều tấm mền chăn, các loại gối chất lượng cao, có mặt ở những thị trường như Nhật, Thái, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út...
Dạy tằm dệt cửi thành công, bà tiếp tục “bắt sen nhả tơ”. Từ đầu năm 2017, bà Thuận bắt tay vào nghiên cứu lụa tơ sen. Công đoạn tạo tơ sen còn khó khăn gấp bội nhưng bà đã hoàn toàn làm được chỉ thêu từ tơ sen. Từ tơ sen đó đã thêu vào áo thành bông hoa sen hoặc thêu khăn quàng cổ. Lụa tơ sen ngay lập tức tạo được tiếng vang. Năm 2019, lụa tơ sen vinh dự được lựa chọn là sản phẩm quà tặng Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.
Còn rất nhiều những nghệ nhân của làng nghề Thủ đô mà chúng ta không thể kể hết những cống hiến đầy sáng tạo của họ. Họ là những nữ nghệ nhân không chỉ mang trong mình ước mơ “giữ lửa” nghề truyền thống, mà còn mang khát vọng đưa những sản phẩm làng nghề vươn cao, vươn xa ra khu vực và thế giới.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-bong-hong-thoi-hon-lang-nghe-ha-noi-153483.html