Những bữa cơm ấm lòng bệnh nhân tâm thần

Hơn 5 tháng qua, bất kể trời mưa hay nắng, bà Bảy (Huỳnh Thị Sương, 65 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội từ thiện An Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường An Lạc A, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) đều đặn đón xe buýt đi từ TP.Hồ Chí Minh đến Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa) để nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân tâm thần.

Bà Bảy (áo đen) cùng mọi người chuẩn bị bữa cơm từ thiện cho bệnh nhân Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa). Ảnh:N.An

Bà Bảy (áo đen) cùng mọi người chuẩn bị bữa cơm từ thiện cho bệnh nhân Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa). Ảnh:N.An

Bệnh nhân ở đây quý mến, xem bà Bảy như người thân trong nhà và thường gọi bà với cái tên thân thiện như: má Bảy, ngoại Bảy hay cô Bảy.

* “Thương người như thể thương thân”

Chia sẻ về ý tưởng thành lập Bếp ăn tình thương tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2, bà Bảy kể, đầu năm 2019, trong một lần bà tham gia công tác từ thiện ở tỉnh Đồng Tháp thì một người bạn cho biết, hiện nhiều bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2 có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người không có thân nhân hoặc bị người nhà bỏ rơi nên rất cần sự giúp đỡ.

Từ thông tin của người bạn, bà Bảy đã dành thời gian đi đến bệnh viện để khảo sát thực tế. “Hôm đó, tôi có gặp và trò chuyện với một phụ nữ 79 tuổi từ quê tỉnh Bạc Liêu lên thăm con trai đang điều trị tại đây. Bà ấy tâm sự, vì cuộc sống quá nghèo nên bà đành bỏ con cho bệnh viện chăm sóc gần 10 năm nay. Thỉnh thoảng bà lên thăm con một lần nhưng chỉ đứng từ xa nhìn cho đỡ nhớ rồi về...” - bà Bảy kể lại.

Tối hôm đó, bà Bảy về nhà nhưng không thể nào ngủ được vì cứ nghĩ thương hình ảnh người mẹ già vượt chặng đường hàng trăm cây số để đến thăm con. Mấy hôm sau, bà đến gặp Giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2 để trình bày ý tưởng muốn mở Bếp ăn tình thương tại bệnh viện và đã nhanh chóng nhận được sự đồng ý của giám đốc bệnh viện.

Bà Bảy phát cơm từ thiện cho thân nhân bệnh nhân Bệnh viện tâm thần trung ương 2. Ảnh:N.An

Bà Bảy phát cơm từ thiện cho thân nhân bệnh nhân Bệnh viện tâm thần trung ương 2. Ảnh:N.An

Ngày 15-7, Bếp ăn tình thương được bà Bảy thành lập và đưa vào hoạt động ổn định cho đến nay. Từ đó đều đặn mỗi ngày, bà Bảy thức dậy từ 4 giờ 30 phút đón xe buýt số 601 đi 2 tiếng đồng hồ từ TP.Hồ Chí Minh đến Bệnh viện tâm thần trung ương 2. Đúng 7 giờ, bà bắt tay vào gọt rau, củ, quả và nấu cơm, chế biến thức ăn; đến 9 giờ, bà phát cơm cho thân nhân nuôi người bệnh và đến 10 giờ thì đem cơm đến các trại để phát cho bệnh nhân. 13 giờ, bà lại chuẩn bị nấu bữa cơm chiều để kịp giờ phát cho bệnh nhân vào lúc 15 giờ. Đến 16 giờ thì bà xong việc và ra đón xe buýt để về lại TP.Hồ Chí Minh.

Bà Bảy chia sẻ: “Thời gian đầu mở Bếp ăn tình thương, tôi gặp khó khăn nhiều thứ, vì một mình "tự biên tự diễn", từ đi chợ mua thực phẩm đến cắt, gọt rau, củ, quả, rồi tự chế biến những món ăn... Nhưng sau đó, bệnh viện đã huy động đội ngũ nhân viên giúp đỡ kịp thời; đồng thời vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm tiền, gạo, rau, củ, quả... nên Bếp ăn tình thương hiện hoạt động ổn định hơn”.

Tuy khẩu phần ăn đều là món chay nhưng bếp ăn tình thương của bà Bảy luôn linh hoạt trong thay đổi thực đơn và tính toán cân bằng đủ các nhóm chất dinh dưỡng để cho người bệnh nhận được khẩu phần ăn tốt nhất có thể. Chẳng hạn, bà Bảy thường chế biến các món: xào thập cẩm, đậu hũ chiên, canh chua, canh khoai mỡ... để khỏi trùng với những món của bếp ăn bệnh viện. Bà còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm bánh, trái cây. Ngoài ra, các nhóm bạn của bà ở TP.Hồ Chí Minh cũng tham gia nấu các món ăn mặn như: phở, bánh canh, bún mộc... Nhờ vậy, món ăn luôn đa dạng, thơm ngon, giúp bệnh nhân ăn ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng.

Chị Tống Thị Thanh Thúy, Tổ trưởng Tổ công tác xã hội Bệnh viện tâm thần trung ương 2 cho biết, hiện có trên 1,3 ngàn bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Theo chế độ nhà nước, mỗi bệnh nhân chỉ được hỗ trợ tiền ăn 27 ngàn đồng/ngày (sáng, trưa và tối) nên dinh dưỡng không đảm bảo. Do đó, việc bà Bảy tình nguyện lập ra Bếp ăn tình thương trong bệnh viện đã được Ban giám đốc bệnh viện ủng hộ. Qua đó giúp thân nhân và bệnh nhân có bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, ngon miệng hơn.

Chị Thúy chia sẻ: “Bệnh nhân ở đây rất yêu quý cô Bảy. Có lần cô về quê ở tỉnh Vĩnh Long vài ngày để thu xếp chuyện gia đình. Khi cô quay trở lại bệnh viện thì rất đông bệnh nhân đã ôm hôn cô và nói: Má ơi! Má đi đâu mấy ngày nay, con không gặp nên nhớ má lắm hoặc Ngoại ơi! Mấy ngày ngoại đi, con không được ăn thức ăn do ngoại nấu nên con thèm lắm. Từ đó, mình càng yêu quý cô hơn và sẵn sàng hỗ trợ mỗi khi cô gặp khó khăn”.

* Cả nhà cùng làm từ thiện

Bà Bảy cho hay, gia đình bà có truyền thống làm từ thiện. “Trước đây, má thường căn dặn tôi phải nhớ câu: Người ta ăn thì còn, chứ mình ăn thì hết. Còn ba của tôi trước khi mất đã để lại cho gia đình một “tài sản” quý giá là câu treo trong nhà: “Đức thắng Tài”. Từ đó, tôi tiếp tục kế thừa ba má làm việc thiện giúp đỡ cho những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn, bất hạnh cho đến nay đã hơn 30 năm” - bà Bảy thổ lộ.

Lan tỏa tình yêu thương

Bác sĩ Võ Thành Đông, Giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2 chia sẻ: “Từ ngày có Bếp ăn tình thương trong bệnh viện đã hỗ trợ thêm thức ăn để nâng cao chất dinh dưỡng cho bệnh nhân. Nhờ vậy, sức khỏe của bệnh nhân ngày càng cải thiện tốt. Mong rằng, bếp ăn sẽ tiếp tục đón nhận ngày càng nhiều tấm lòng vàng góp công, góp của để bệnh nhân và thân nhân có những bữa ăn ngon hơn”.

Thời gian qua, bà Bảy đã đi nhiều nơi trong cả nước để làm việc thiện giúp đỡ cho những người nghèo, bệnh tật. Đầu tiên, bà tham gia cùng nhóm bạn thành lập Bếp ăn tình thương tại các bệnh viện lớn ở TP.Hồ Chí Minh như: Ung bướu, Chợ Rẫy, Nhi đồng I, Nhi đồng 2, Phạm Ngọc Thạch, Hùng Vương, đại học y dược... Sau khi thấy bếp ăn ở các bệnh viện này hoạt động ổn định, bà bàn giao lại cho người có tâm huyết để tiếp tục thành lập các bếp ăn ở những nơi khác.

Năm 2006, bà thành lập Bếp ăn tình thương tại Bệnh viện tâm thần Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang) và duy trì ổn định cho đến nay với 1 ngàn suất/ngày. Năm 2014, bà thành lập Bếp cơm từ thiện tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) với 800 suất cơm/ngày (hiện bà giao cho người con trai phụ trách bếp ăn này)...

Bên cạnh đó, bà Bảy còn tham gia các chuyến đi về các vùng sâu, vùng xa để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm thiết thực như: tặng quà, chăm lo sức khỏe cho cộng đồng bằng việc khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, tặng quà trung thu, học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học, tặng áo ấm mùa đông, hỗ trợ nuôi 50 trẻ em khuyết tật... Ngoài ra, bà còn vận động nguồn lực hỗ trợ làm cầu, đường giao thông một số tỉnh miền Tây theo chương trình nông thôn mới.

Bà Bảy bộc bạch: “Đến thời điểm này, tài sản của tôi là con số... 0, vì bao nhiêu tiền bạc con cháu cho, tôi đều dùng vào làm việc thiện. Nhưng ngược lại, tôi nhận được những thứ còn quý hơn tiền, đó là tình yêu thương mà mọi người dành cho mình. Hơn nữa, tôi muốn làm nhiều việc tốt để là tấm gương tốt cho con cháu noi theo, vừa tạo phúc đức cho gia đình. Vì vậy, ngày nào tôi còn sức khỏe thì ngày đó tôi vẫn còn làm việc thiện”.

Nhân An

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201912/nhung-bua-com-am-long-benh-nhan-tam-than-2980360/