Những bữa cơm ấm tình quân dân

Hành trình thăm, chúc Tết nhân dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn Tết Ất Tỵ năm 2025 do Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tổ chức đã diễn ra từ ngày 9 đến 12/1.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, gió bão tăng cường, sóng biển cao cả chục mét, trên tàu 390, đoàn đại biểu đã có nhiều hoạt động đáng nhớ. Với nhiều người, đây là lần đầu tiên đi tàu biển, ngoài kỷ niệm với những hoạt động kết nối quân - dân, trải nghiệm về sinh hoạt và những bữa ăn trên tầu chắc chắn là ấn tượng không thể nào quên.

Ấn tượng mãi lưu

Tàu 390 rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lúc 17 giờ ngày 9/1, bắt đầu hành trình vượt sóng gió, mang theo hơi ấm đất liền tiến về vùng biển đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị). Ngay khi các thành viên vừa nhận phòng, xếp gọn hành lý, loa nhà tàu đã thông báo mời các đại biểu tập trung tại khu vực nhà ăn 3A, 3B để dùng bữa tối.

Trời tối nhanh, tàu 390 tăng tốc vươn ra cửa biển. Thủy triều lên, sóng càng lúc càng mạnh, thân tàu chòng chành, bọt tung trắng xóa. Nhiều thành viên đã chìm trong cảm giác say sóng, nôn nao khó tả. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà, một phóng viên dầy dạn kinh nghiệm của Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định đã quyết định rời giường tầng, trải đệm xuống đất nằm để hạn chế cảm giác rung lắc, say sóng.

Mỗi khay thức ăn đầy đủ dinh dưỡng cho 5-7 thành viên, được phục vụ nóng hổi cùng cơm trắng, canh nóng. Ảnh: TTXVN phát

Mỗi khay thức ăn đầy đủ dinh dưỡng cho 5-7 thành viên, được phục vụ nóng hổi cùng cơm trắng, canh nóng. Ảnh: TTXVN phát

Dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn thông báo gió mùa tăng cường, biển động cấp 6 trong đêm nay, 5 thành viên trong phòng của chị Mỹ Hà đều "vật vã" chống lại cơn say. Có người phải liên tục dùng thuốc chống say kết hợp với thuốc bổ não nhưng cũng không thể gượng ngồi dậy. Nhiều thành viên đã không thể di chuyển lên nhà ăn để dùng bữa ăn đầu trên tàu 390.

Khoảng 18 giờ, phòng ăn đón những vị khách đầu tiên. Trên những chiếc bàn có chân được bắt vít chặt xuống sàn tầu, thức ăn được để trong một khay kim loại. Tất cả các bữa ăn chính đều đầy đủ các món mặn và rau, canh, cơm… đủ để 1 nhóm dành cho 5-7 thành viên ăn đủ, bữa sáng là bún thịt và bữa tối là cháo.

Trước đây, thức ăn được đựng vào các đĩa riêng biệt. Nhưng khi sóng mạnh xô nghiêng tầu, hàng loạt bát đĩa sẽ rơi xuống sàn mà không ai kịp phản ứng. Với sáng kiến để thức ăn vào khay, khi ngồi ăn, các thành viên phân chia nhau, mỗi người 1 tay giữ khay thức ăn hoặc thau cơm hoặc canh, tay còn lại cầm đũa ăn, đũa rời miệng phải chống xuống giữ bát. Như thế, dù sóng có ập đến, thức ăn cũng không bị đổ. Trải nghiệm này thật là độc đáo.

Anh Võ Văn Dũng (đại biểu từ Đà Nẵng) vô cùng thán phục tổ hậu cần tàu đã chuẩn bị bữa cơm tươm tất, nóng hổi, dù giữa trùng khơi mà chẳng khác gì trong đất liền. "Tôi đã đi lại trong cảm giác chòng chành, 2 tay vịn chặt vào cầu thang, tay vịn khi leo từ tầng 2 lên tầng 3. Mở cửa phòng, mùi thức ăn thơm kích thích cảm giác muốn ăn, nhưng cùng với đó là cảm giác người lâng lâng, bồng bềnh muốn ói cũng xuất hiện. Tôi ngồi vào cái ghế đầu tiên, gần với mình nhất khi đến nhà ăn bởi di chuyển là không hề dễ dàng. Bàn tôi đã có 3 thành viên. Một cán bộ tổ hậu cần trẻ tươi cười giữ ghế cho tôi ngồi yên. Anh hỏi tôi có ổn không, khuyên tôi ăn nhanh rồi về phòng nghỉ bởi chút xíu nữa thôi, biển có thể sẽ động hơn. Tôi thấy cảm động, ấm áp trong lòng", anh Văn Dũng kể lại.

Ấn tượng nhất là phong cách phục vụ "chuyên tàu" của anh em cán bộ tổ hậu cần. "Anh/Chị cần gì để em giúp? Anh ổn không, vịn vào tay em, em đưa anh về phòng! Anh ăn được nhiều không?..." là những câu nói thường trực của cán bộ tổ phục vụ, của hải quân trên tàu 390. Nụ cười thân thiện, ánh mắt quan tâm cùng sự sẻ chia, sẵn sàng giúp đỡ là liều thuốc xua tan một phần mệt mỏi, sự ngại ngần của các thành viên mới lên tàu.

Ấn tượng hơn nữa là phần lớn các đồng chí của tổ hậu còn rất trẻ, nhưng có nhiều kinh nghiệm xử lý các trường hợp say sóng, các triệu chứng "biếng ăn", nôn ói trên tàu nên ngoài việc chuẩn bị các khẩu phần ăn, hoa quả tráng miệng, những miếng cháy, cơm nắm và muối vừng, đặt biệt là ngô, khoai luộc để hỗ trợ những đại biểu trong cơn chán ăn, buồn nôn, say sóng. Những thành viên không lên nhà ăn sẽ được gửi cơm nắm, muối vừng đến tận giường.

Các đại biểu dùng bữa trưa khi tàu 390 thả neo gần đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: TTXVN phát

Các đại biểu dùng bữa trưa khi tàu 390 thả neo gần đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: TTXVN phát

Trên tàu, mỗi ngày sẽ có 4 bữa ăn. Ăn sáng lúc 6 giờ, ăn trưa 11 giờ, ăn tối 18 giờ và ăn đêm 21 giờ. Tổ hậu cần chỉ kịp chuẩn bị thực phẩm, chế biến, dọn ra, đợi thành viên ăn, rửa dọn rồi lại chuẩn bị bữa tiếp theo. Trong toàn bộ hành trình, đoàn chúng tôi có 10 bữa ăn trên tàu 390. Đã có kinh nghiệm đi biển mùa bão, tôi hiểu rằng để đảm bảo sức khỏe tham gia mọi hoạt động của đoàn, có thể tác nghiệp và hoàn thành tin bài về hành trình thì không được bỏ các bữa ăn. 10 bữa ăn trên tàu là những bữa ăn nặng ân tình khi tất cả thức ăn luôn nóng hổi, không bữa nào giống bữa nào, không ngày nào lặp lại. Chỉ nhìn vào điểm này cũng có thể thấy nỗ lực và chuyên nghiệp trong công tác hậu cần của lực lượng hải quân.

Vượt qua sóng biển nhờ sóng mạng

Với những người đã đi tàu cùng hải quân sẽ nhớ mãi câu lệnh được loa tàu thông báo lúc 5 giờ 30 phút: "Báo thức toàn tầu, toàn tầu báo thức!". Vậy là một ngày mới bắt đầu trên biển, nhưng biển có nhiều ngày không hề đẹp, không dễ dàng để leo lên boong tàu chụp cảnh bình minh khi không gian mịt mù, vừa mưa rải rắc vừa sóng đánh lắc lư. 6 giờ sáng ngày 10/1, tầu đã thả neo ở vùng biển Quảng Trị. Đảo Cồn Cỏ - điểm đến đầu tiên trong tầm mắt của mọi người. Các đại biểu lòng phấn khởi, nỗ lực rời giường, đi ăn sáng khẩn trương và chuẩn bị xuống đảo.

Tàu cá trung chuyển đang nỗ lực cập mạn tàu 390. Những sợi dây thừng to như cổ tay được quăng sang, cố định trụ tàu cá với tàu 390. "Rắc" một tiếng động vang lên khiến mọi người vội nhìn theo một ngư dân đang di chuyển trên tàu cá. Sóng to, biển động, trụ tàu cá buộc thừng đã bị gẫy. Anh em nhà tàu đành phải chằng thừng sang trụ chính của tàu.

Nhiều phút đồng hồ qua đi trong cảm giác căng thẳng, hồi hộp, lo lắng… Tàu 390 và tàu cá dâng lên, thụt xuống theo những cơn sóng liên hồi. Sau nhiều nỗ lực, một ván gỗ dài đã được bắc qua 2 cầu. Những thùng quà Tết được bọc gói cẩn thẩn để ngăn nước biển được hải quân thả trượt theo ván gỗ. Bên kia, anh em tàu cá nhanh chóng đỡ từng thùng và xếp gọn dưới sàn tàu. Khi các thùng quà đã được chuyển hết sang tàu cá, mưa lớn hơn, sóng to hơn nên dù rất nỗ lực triển khai nhiều phương án, chỉ huy hành trình ra quyết định: Tháo dây thừng, quà Tết đến đảo, đại biểu ở lại tàu để đảm bảo an toàn.

Quyết định nhanh chóng được thông báo khiến đại biểu toàn tàu có nhiều cảm xúc, buồn, vui xen lẫn. Quay phim Đỗ Hồng Giang - Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định cảm thấy thật tiếc bởi không xuống đảo Cồn Cỏ, sẽ không thể có hình ảnh tặng quà và các hoạt động trên đảo, những ý tưởng xây dựng chương trình truyền hình về Tết trên đảo Cồn Cỏ chắc chắn không thực hiện được. Với tất cả phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tham gia hành trình để tuyên truyền chuyến đi này, cảm giác đến gần lắm rồi mà không thể xuống đảo để trực tiếp chúc Tết, bắt tay, sẻ chia hơi ấm đất liền với quân và dân đảo Cồn Cỏ thật tiếc nuối.

Thủ trưởng đoàn công tác, các đại biểu cùng phóng viên nhanh chóng lên tầng 5 của tàu 390. Lúc này, nhiều người dù rất say sóng nhưng vẫn cố gắng tham gia chương trình giao lưu trực tuyến kết nối chúc Tết giữa tàu 390 và đảo Cồn Cỏ qua gọi video. Qua kết nối internet bằng điện thoại và hình ảnh được phóng to lên màn hình máy chiếu, những lời chúc Tết thân tình, những nụ cười và cả giọt nước mắt sẻ chia đã được trao gửi qua lại giữa cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân và quân, dân trên đảo Cồn Cỏ.

Đại tá Phạm Đình Thành, Phó Chính ủy Vùng 3 Hải quân bày tỏ niềm vui khi biết quân và dân trên đảo vẫn bình yên, đang chuẩn bị đón Tết, nhưng cũng rất tiếc nuối khi không thể trao tận tay những món quà Tết đầy ý nghĩa cho quân - dân huyện đảo Cồn Cỏ. Đáp lại tình cảm, sự quan tâm của đất liền, đồng chí Võ Viết Cường, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cồn Cỏ đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân, các đại biểu đoàn công tác đã không quản ngại khó khăn, vượt biển đến thăm và động viên quân và dân trên đảo giữa mùa mưa bão.

Sóng to nên việc phục vụ các bữa ăn trên tàu gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TTXVN phát

Sóng to nên việc phục vụ các bữa ăn trên tàu gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TTXVN phát

Tiếp đến, đội thanh niên xung kích của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam cùng nhiều "giọng ca" trên tàu 390 đã mượn lời bài hát, giai điệu biển đảo quê hương để "cháy hết mình", xua tan sự lạnh lẽo, xa cách của biển cả và sưởi ấm trái tim những người con máu đỏ da vàng qua các tiết mục văn nghệ. "Vẫn ca khúc này, hát trên đất liền em không bao giờ rơi lệ. Nhưng ra đảo, lên tàu, em không kìm nổi, nước mắt cứ thế trào ra", ca sỹ Tô Hải Ninh (Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam) chia sẻ.

Trong những phút giao lưu đặc biệt này, khoảng cách địa lý đã bị xóa nhòa. Những cánh sóng của đường truyền internet, của công nghệ thông tin đã vượt qua những cơn sóng dữ của biển cả, gắn kết tình quân dân . . . Còn đọng lại là ân tình nồng ấm, sự sẻ chia và niềm tin vào một mùa xuân mới an lành sẽ đến với nhân dân, cán bộ chiến sỹ đang công tác tại những vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ Quốc.

Ngọc Bích (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nhung-bua-com-am-tinh-quan-dan-20250115115234013.htm