Những bức ảnh thành cổ tại Việt Nam nhìn từ Google Maps khiến cộng đồng mạng trầm trồ
Với ứng dụng Google Maps bạn có thể khám phá được nhiều địa điểm đẹp mà không cần phải đặt chân tới.
Mới đây, cộng đồng mạng được dịp trầm trồ với những bức ảnh kiến trúc thành cổ dọc đất nước chụp từ trên cao xuống thông qua ứng dụng Google Maps ở chế độ vệ tinh. Rất nhanh chóng, bài chia sẻ này nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tuy chưa tổng hợp đủ hết các thành cổ trong cả nước nhưng cũng đủ khiến mọi người trầm trồ về kiến trúc và thiết kế.
Thành cổ Bắc Ninh
Thành cổ Bắc Ninh, công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ năm 1805 thời vua Gia Long, triều Nguyễn, trên địa phận các làng Ðỗ Xá, huyện Võ Giàng (nay thuộc phường Ninh Xá); làng Hòa Ðình, huyện Tiên Du (nay thuộc phường Võ Cường) và làng Yên Xá, huyện Yên Phong (nay thuộc phường Vệ An), các địa danh trên nay đều thuộc thành phố Bắc Ninh.
Thành Cổ Vinh
Thành Vinh ngày xưa thuộc xã Vĩnh Yên, phủ Yên Trường, tỉnh Nghệ An. Nay là địa phận phường Cửa Nam - Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Thành có tên gọi cũ là Thành Nghệ An, trong dân gian còn có tên là Thành con rùa (thành quy hình). Sở dĩ được gọi là thành con rùa là bởi thành được xây theo hình 6 cạnh, đứng trên núi Quyết nhìn xuống trông giống như con rùa.
Thành được xây dựng vào triều Nguyễn, đời vua Gia Long. Năm 1802, nhà Nguyễn giành được chính quyền từ vương triều Tây Sơn. Mặc dù rất thù ghét Nguyễn Huệ - Quang Trung, nhưng Gia Long không thể làm ngơ trước cái nhìn có tầm kiệt xuất của nhà quân sự thiên tài Quang Trung - Nguyễn Huệ rằng: núi Quyết, sông Vĩnh có tầm thế của một đế đô thì sao lại không đáng để xây trấn sở của một tỉnh. Chính vì vậy, năm 1804 Gia Long khởi công xây dựng thành. Tuy nhiên, do muốn xóa đi dấu vết triều Tây Sơn nên Gia Long không cho xây Thành ở núi Dũng Quyết mà xây ở địa phận 2 tức là xã Vĩnh Yên thuộc phủ Yên Trường, chính là nơi mà dấu tích của thành vẫn còn mãi đến bây giờ.
Thành cổ Châu Sa - Quảng Ngãi
Thành Châu Sa là di tích dân sự lớn nhất trong khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi thuộc châu Amaravati của Champa xưa. Niên đại của thành được xác định vào khoảng cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X. Cơ sở để xác định là tấm bia được tìm thấy trong khu vực thành. Bia Châu Sa có niên đại xác định là năm 903, trên bia có những thông tin về hai vị vua đầu tiên của vương triều Indrapura (875-982) là Indravarman II và Jaya Simhavarman. Vì vậy thành Châu Sa ít nhất là đã tồn tại trong thời kỳ vương triều Indrapura.
Hoàng thành Huế
Hoàng thành được xây dựng năm 1804, nhưng mãi đến năm 1833 đời vua Minh Mạng mới hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng 147 công trình.
Hoàng thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600 mét, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào: Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào xung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy.
Thành cổ Đồng Hới
Đây là công trình kiến trúc cổ và là một công trình quân sự được xây dựng được xây dựng cách đây gần 200 năm theo lệnh của vua Gia Long. Tòa thành được xây bằng đất, tọa lạc trên một vùng đất xung yếu trên con đường xuyên Việt, và ở gần biển (cách cửa biển Nhật Lệ khoảng 1.500m).
Đến thời kỳ vua Minh Mạng, thành này đã được xây bằng gạch đá. Một phần lớn thành Đồng Hới đã bị phá hỏng trong giai đoạn Pháp thuộc. Phần còn sót lại của thành Đồng Hới lại bị bom đạn của không quân Hoa Kỳ phá hủy cuối thập niên 1960 trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.