Những bức họa mang khát vọng chiến thắng
Người yêu hội họa có cơ hội ngắm thỏa thích những bức họa về cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước tại triển lãm online của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với những tác phẩm mang khát vọng mãnh liệt về chiến thắng.
NDĐT – Người yêu hội họa có cơ hội ngắm thỏa thích những bức họa về cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước tại triển lãm online của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với những tác phẩm mang khát vọng mãnh liệt về chiến thắng.
Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thực hiện nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2020) tại website (vnfam.vn) và fanpage của Bảo tàng.
Lời giới thiệu của Bảo tàng cho biết, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang, anh dũng của quân và dân ta luôn là niềm hứng khởi, là mạch nguồn sáng tạo cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó có những người trực tiếp có mặt trên chiến trường hay chứng kiến giây phút lịch sử khi đất nước được giải phóng.
Các đề tài được thể hiện rất phong phú, từ chiến trường đến hậu phương, từ những người mẹ, người vợ tiễn chồng, con tập kết ra miền bắc, những người mẹ nuôi quân trong kháng chiến, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, những cô gái hăng hái tham gia du kích, vận chuyển khí tài đạn dược… cho đến ý chí chiến đấu kiên cường, quyết tâm giành chiến thắng của quân dân ta… Triển lãm cũng giới thiệu những tác phẩm thể hiện những cảm xúc lãng mạn, bình yên trong những khoảng lặng của cuộc chiến.
Khát vọng, niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa khi chứng kiến giây phút chiến thắng cũng được các họa sĩ mô tả lại trong nhiều tác phẩm như Nắng xuân 1975 của Nguyễn Quang Thọ và Nắng tháng năm của Quách Phong
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, triển lãm này cũng là hoạt động nhằm thể hiện sự tri ân của các thế hệ sau đối với sự dũng cảm quên mình của cha ông đã chiến đấu vì nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Trong triển lãm, có những tác phẩm của các tác giả đã từng được trao những giải thưởng cao quý, có những tác phẩm của các tác giả hàng đầu của nền mỹ thuật Việt Nam, các tác giả thời kỳ mỹ thuật kháng chiến…. Đây là dịp hiếm hoi giới yêu mỹ thuật Hà Nội được chiêm ngưỡng những bức tranh về đề tài kháng chiến của nhiều tên tuổi lớn hội tụ trong một trưng bày.
Một trong những tác phẩm đáng chú ý là tranh sơn mài “Mẹ kháng chiến” của NGND, họa sĩ Hoàng Trầm, với trung tâm bức tranh là hình ảnh bà má miền Nam cùng người con gái đang chăm sóc chiến sĩ bị thương, xung quanh là các đồ sinh hoạt quen thuộc như chiếc làn đỏ, chai nước, cặp lồng cơm, chiếc mền kê chân… Bức tranh không nhiều chi tiết, nhưng tác giả khéo léo sắp xếp các nhân vật để khỏa lấp gần hết không gian tranh, tạo cảm giác chật chội, ngột ngạt, thể hiện sự khó khăn, gian khổ của những chiến sĩ chiến đấu trong thành phố thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến nhận xét: “Đây là hình ảnh quen thuộc trong những năm chống Mỹ. Các chiến sĩ hoạt động trong vùng tạm chiếm cần sự che chở của nhân dân, của các bà mẹ, các bà má. Bức tranh với bút pháp thô khỏe, mộc mạc, nội dung giản dị nhưng gây xúc động, gợi không khí kháng chiến thời kỳ trước”. NGND, Họa sĩ Hoàng Trầm tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 1964. Ông hoàn thành bức tranh sơn mài “Mẹ kháng chiến” năm 1980 và đã giành giải A tại kỳ Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc tổ chức cùng năm. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật đợt I năm 2001.
Một tác phẩm khác đáng chú ý là bức tranh lụa “Bên chiến hào Vĩnh Linh” được họa sĩ Đào Đức sáng tác trong giai đoạn đi thực tế ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đầu những năm 1970. Bên chiến hào, nơi những thân cây cháy xém, sườn đồi trơ trụi với những mô đất gồ ghề bị xới tung bởi bom đạn, hai anh lính, người cảnh giới, người đọc báo cho nữ dân quân cùng nghe. Bằng lối vẽ tả thực, bố cục hình tam giác chắc chắn, sử dụng chất liệu lụa mềm mại, tác phẩm lên án sự tàn phá của chiến tranh, đồng thời ca ngợi tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
NSND, Họa sĩ Đào Đức là sinh viên của khóa Họa sĩ kháng chiến (1950-1954). Sau khi Trường Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa (1925-1945), đây là khóa học chính thức đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập tại an toàn khu tỉnh Thái Nguyên, trong giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Một tác phẩm khác đến từ họa sĩ Nam Bộ: “Trái tim và nòng súng”, của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm (Long An). Đây là một tác phẩm tiêu biểu của ông về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh sống động cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của phụ nữ Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm (1922 – 1987) là một trong những cánh chim đầu đàn phát triển nền Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm “Trái tim và nòng súng” đã đem lại cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật năm 1990.
Thể hiện đề tài tuổi trẻ trong chiến tranh, có bức tranh sơn mài “Dân quân gái Ngư Thủy” của họa sĩ Hoàng Trầm sáng tác năm 1971, vẽ những cô gái thuộc đại đội pháo binh nữ dân quân Ngư Thủy. Điểm đặc biệt của tác phẩm, theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, là sự thể hiện màu sắc sơn mài với sắc đỏ son, nâu, vàng được tạo chất trong các hình thể với nhiều cung bậc của sắc độ đậm nhạt. Đây là kỹ thuật rất khó thành công trong chất liệu sơn mài, nhưng đã được họa sĩ thể hiện nhuần nhuyễn.
Một tác phẩm nữa của tác giả từng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, đó là bức sơn mài “Qua Dốc Miếu” (ảnh trên) của họa sĩ Lê Quốc Lộc sáng tác năm 1974. Bức tranh tái hiện khung cảnh đội quân chủ lực của ta đang hành quân vượt qua cứ điểm Dốc Miếu. Họa sĩ lựa chọn bố cục hình chữ nhật ngang và dài, một bố cục tương đối mới tại thời điểm đó và ngay cả hiện tại, nhưng có tỉ lệ phù hợp để vẽ một bức tranh toàn cảnh.
Họa sĩ Lê Quốc Lộc (1918-1987) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1942. Ông nổi tiếng về sáng tác tranh sơn mài và chủ đề chiến tranh cách mạng. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2000 và nhiều giải thưởng cao quý khác.
Một bức tranh đặc biệt tại triển lãm, tuy được sáng tác sau chiến tranh, nhưng với cảm xúc cao độ, đã được tác giả hoàn thành chỉ trong vòng một ngày hai đêm. Đó là “Giặc Mỹ” của nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê sáng tác năm 1980. Bức tranh này được ghi nhận như một tác phẩm tiêu biểu cho những thay đổi nghệ thuật của nền mỹ thuật Việt Nam thời kỳ tiền Đổi mới, được họa sĩ coi như một sự tổng kết, phản ánh cái nhìn, đánh giá của một con người, một thế hệ mà “chiến tranh là một phần tiểu sử” đối với cuộc chiến đã đi qua.
Tác phẩm đã được trao Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1980.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu về những khoảnh khắc lãng mạn trong chiến tranh là bức tranh lụa “Trăng trên cồn cát” (1976) của họa sĩ Nguyễn Văn Chung, được sáng tác sau chuyến công tác ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Họa sĩ Nguyễn Văn Chung tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), khóa 1964 -1969. Ông nguyên là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (1990-1998).
Những bức họa được sáng tác ở những thời điểm khác nhau, với những đề tài và mang những cảm xúc khác nhau, nhưng đều chuyển tải một tinh thần chung, đó là hướng tới ngày thống nhất non sông, hướng tới niềm vui chiến thắng…