Những bức thư của Beethoven
Chúng ta không cần bất cứ một dòng nào nữa để nói về sự vĩ đại của gia tài âm nhạc Beethoven. Tuy nhiên chúng ta sẽ cần nhiều dòng, nhiều trang, thậm chí là nhiều cuốn sách để nghiền ngẫm về những biến động cá nhân của thiên tài âm nhạc này. Bởi dường như càng nghiền ngẫm, người hậu thế càng nhận ra ông 'khó hiểu' hơn nhiều so với những gì mình vẫn tưởng.
Beethoven sáng tác trong một căn phòng như thế nào? Năm 1809, sau khi đến thăm nhà Beethoven, Nam tước Trémont đã viết những dòng nhận xét như sau: "Hãy hình dung bạn ở nơi bẩn thỉu bừa bộn nhất có thể tưởng tượng - những vệt nước ẩm mốc quanh trần nhà; một cây đàn piano lớn hơi cũ mà trên đó bụi bặm tranh chỗ với nhiều bản nhạc cả viết tay cả in khắc; dưới cây đàn (tôi không nói quá) là một chiếc bô tiểu đêm chưa đổ sạch; bên cạnh nó một chiếc bàn nhỏ bằng gỗ óc chó đã quen với việc thường xuyên bị người thư ký xáo trộn; rất nhiều cây bút mực đã đóng cặn mà so với chúng thì những cây bút dùng chung nơi quán trọ còn sáng bóng hơn; rồi còn những bản nhạc nữa".
Bạn sốc lắm với những mô tả này? Đừng sốc! Bởi thật ra chẳng riêng gì Beethoven. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng có không ít các thiên tài nghệ thuật… ăn ở không giống ai. Bởi đơn giản: toàn bộ tinh lực của họ dồn hết vào tác phẩm.
Với họ, thứ phải chăm chút, tỉa tót, trang hoàng là tác phẩm chứ không phải là đời sống. Cho nên, không riêng gì Trémont, có không ít những ký giả, những người bạn nghề đã viết những dòng nhận xét về cái không gian sống có phần cẩu thả của Beethoven.
Điều quan tâm tiếp theo là trong không gian đó, đời sống tinh thần của ông đã diễn biến ra sao? Ngày 29-6-1801, Beethoven viết cho người bạn thân Wegele một bức thư đánh dấu một bước ngoặt tinh thần rất nghiêm trọng trong cuộc đời ông, bởi vì "trong ba năm qua, thính giác của tôi ngày càng suy yếu".
Wegele là một bác sĩ. Không biết có phải vì thế không mà trong những dòng thư với người bạn thân - bác sĩ này, Beethoven đã thú nhận những điều mà ông rất ít thú nhận cùng người khác: "Tôi đang sống khổ sống sở. Từ hai năm nay tôi thôi tham dự mọi tiếp xúc xã hội chỉ vì không thể trò chuyện với mọi người: Tôi bị điếc. Nếu làm nghề nào khác thì tôi còn có thể đối phó với tình trạng ốm yếu của mình, nhưng trong nghề của tôi thì đó là một trở ngại khủng khiếp. Và nếu các đối thủ của tôi, mà tôi lại có khá nhiều, biết chuyện này thì họ sẽ nói sao đây?".
Trong bức thư như muốn cầu khẩn một sự cảm thông tột độ từ người bạn của mình, Beethoven đã cho thấy những sợ hãi cực độ trước một "bản án đời". Quả thật, với một người làm âm nhạc, việc phải sống chung với căn bệnh điếc tai ác không khác gì sống chung với một bản án đời.
Chỉ 3 ngày sau bức thư này, Beethoven viết một bức thư khác cho nghệ sĩ Violon Karrl Amenda - cũng là một người bạn thân khác của ông: "Trong tình trạng hiện nay của tôi, tôi phải tránh xa mọi thứ, và những năm tháng tươi đẹp nhất của tôi sẽ trôi qua mà không thể đạt được tất cả những gì tài năng và sức mạnh của tôi đã ra lệnh cho tôi thực hiện - đó là sự nhẫn nhục đáng buồn mà tôi buộc phải giấu kín. Không cần nói ra, tôi đã quyết tâm vượt qua tất cả những điều này, nhưng làm thế nào để thực hiện được đây?".
Đến những dòng thư này chúng ta chợt nhận ra bên cạnh nỗi đau khổ và sự sợ hãi, trong thế giới tinh thần của Beethoven đã xuất hiện một phức hợp tâm lý mới: Vừa quyết tâm vượt qua bệnh tật, vừa hoang mang bối rối cho tương lai của mình. Hậu quả là gì?
Hậu quả là đến mùa thu năm 1802, tức là chỉ 1 năm sau hàng loạt những xung đột nội tâm đó, Beethoven đã quyết định trốn bỏ xã hội, trốn bỏ loài người để thu mình ẩn dật tại thị trấn Heligenstadt, một ngôi làng gần thành Vienna nước Áo. Địa danh này chứng kiến một nấc thang mới trong tấn bi kịch tinh thần của Beethoven. Tại đây, ông đã nghĩ đến cái chết.
Và tại đây ông đã viết một bản chúc thư mà xét về danh nghĩa là gửi cho 2 người em trai của mình: Carl và Johann. Sở dĩ phải nói "xét về danh nghĩa" là bởi bức thư di chúc gửi cho 2 em trai lại bắt đầu với cụm từ "Hỡi những con người".
Điều này có nghĩa là ông muốn nhắn nhủ với 2 em trai, và cũng đồng thời nhắn nhủ với những người hậu thế yêu âm nhạc. Thành thử sau khi tuyên bố 2 người em trai sẽ thừa kế "gia tài bé nhỏ" của mình và phải có nghĩa vụ "chia nó một cách công bằng" ông như muốn người hậu thế hiểu rõ tình cảnh bi đát lúc này: "Tôi vui vẻ đi gặp cái chết.
Nếu nó đến trước khi tôi có thể phát triển toàn bộ năng lực nghệ thuật tiềm tàng của mình, mặc dù số phận của tôi khắc nghiệt, nhưng thế vẫn là quá sớm và có lẽ tôi sẽ muốn nó đến muộn hơn. Dẫu sao tôi nên bằng lòng bởi nó sẽ giải phóng tôi khỏi tình trạng đau đớn bất tận chăng?. Thế thì hãy đến đi, hỡi cái chết bất cứ khi nào ngươi đến ta sẽ đón ngươi với lòng can đảm".
Thực tế là Carl - một trong hai em trai của ông, tức là một trong 2 người được trao bản chúc thư đã mất 13 năm sau đó (mùa đông năm 1815), còn bản thân Beethoven đã sống thêm 27 năm nữa. Như vậy, người viết chúc thư đã sống thọ hơn một trong hai người nhận thúc thư đến 12 năm.
Vấn đề là trong 12 năm ấy, giữa người viết chúc thư và người nhận chúc thư vẫn có mối quan hệ rất hữu hình với nhau. Bởi lẽ trước khi mất, Carl để lại một người con trai, và sau khi quyết liệt đấu tranh với vợ Carl - người sau đó đã đi bước nữa, rốt cuộc Beethoven đã giành được quyền nuôi đứa bé. Có nhiều nguồn tư liệu khác nhau nói về cậu bé này. Nguồn thì nói cậu ta sớm hư hỏng, sa đà vào nghiện ngập khiến Beethoven rất phiền lòng.
Nguồn lại nói cậu đã phải đối diện với cái áp lực khủng khiếp đến từ những kỳ vọng quá mức của Beethoven - một người bác lập dị. Người bác ấy muốn cậu trở thành một người đàn ông lý tưởng đúng nghĩa, một mẫu hình mà cả cha cậu, bác cậu, lẫn ông nội cậu chưa bao giờ chạm tới. Đã vậy Beethoven còn tỏ ra khó chịu khi cậu liên lạc với mẹ.
Và tất cả những điều đó đã dẫn tới một cuộc tự sát của cậu. Rất may, lần đó viên đạn chỉ đi sượt qua não, và sau đó cậu đã sống một đời sống bất thường. Thật khó để xác tín xem nguồn tư liệu nào đúng, nhưng bất luận nguồn nào đúng thì cũng chứng minh một sự thật: Beethoven không có sự hòa hợp với một người hiếm hoi sống cùng ông trong những năm tháng cuối đời của ông.
Những năm tháng ấy Beethoven cô đơn tới mức có những lần đã đi lang thang trên một con kênh mà không biết sẽ đi về đâu. Đói quá, ông nhìn trộm vào cửa sổ của những ngôi nhà đang có những bữa ăn tối đầm ấm. Ông bị phát hiện và bị đưa đến trụ sở cảnh sát địa phương.
Tại đây, khi ông nói với cảnh sát "Tôi là Beethoven" thì không ai tin cả. Không ai tin một cây đại thụ âm nhạc lại có một thể trạng và một tình cảnh bi đát như thế. Mãi sau đó, khi một nhạc sĩ được mời đến nhận diện, và xác tín chắc chắn "đây chính là Beethoven" thì ai cũng cảm thương sâu sắc cho cuộc đời của một thiên tài.
Cuộc sống thực tế và thế giới âm nhạc Beethoven có rất nhiều điểm trái ngược như vậy đấy. Có rất nhiều người đã viết về sự trái ngược ấy. Chính ông, qua những dòng thư và một bản chúc thư nổi tiếng của mình cũng hé lộ cho hậu thế về sự trái ngược ấy. Cô đơn, bệnh tật, đấy dường như là định mệnh của con người thể xác nơi ông.
Nhưng sau tất cả, nhớ về ông, người ta vẫn nhớ về những bản nhạc và những dòng thư nói về quan điểm âm nhạc của ông. Hãy dừng lại ở một dấu mốc: ngày 17-7-1812, khi ông 41 tuổi, và đã chứng tỏ cho cả châu Âu thấy rằng mình là người xứng đáng gánh vác những trọng trách lịch sử khí nhạc mà những người tiền nhân như Haydn và Mozart để lại.
Trong chính cái ngày 17-7-1812, trên đỉnh cao chói lọi của mình, Beethoven đã viết những dòng thư hồi đáp một cô bé không quen 8 tuổi. Nghe nói đấy là một cô bé chơi đàn Piano có tên Emilie, người đã gửi cho Beethoven một cuốn sổ thêu tay và những lời ngưỡng mộ của mình.
Trong bức thư hồi đáp, Beethoven viết như sau: "Cuốn sổ nhỏ cháu gửi sẽ được trân quý, cùng các vật lưu niệm mà nhiều người khác đã bày tỏ lòng quý trọng với ta, nhưng ta vẫn còn rất xa mới xứng đáng. Hãy kiên trì, không chỉ rèn luyện nghệ thuật của mình mà còn phải gắng sức tìm hiểu ý nghĩa bên trong của nó; nghệ thuật xứng đáng với nỗ lực này. Bởi chỉ có nghệ thuật và khoa học mới có thể nâng con người lên ngang tầm với các vị thần".
Chỉ có nghệ thuật mới nâng con người lên ngang tầm với các vị thần - chúng ta hiểu, suy nghĩ ấy, khát vọng ấy cũng chính là thứ vũ khí đã giúp ông thoát khỏi nỗi ám ảnh về cái chết, khi bản án cuộc đời đã bất ngờ giáng xuống cuộc đời ông.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nhung-buc-thu-cua-beethoven-591472/