Những bức thư dưới đáy rương của mẹ

Truyện ngắn 'Gọi con' mở đầu từ cái rương của mẹ, từ những bức thư dưới đáy rương.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Câu chuyện sẽ dẫn dắt người đọc giải mã những bí ẩn về mẹ, về người em được nhắc đến trong những bức thư.

Bảo Ninh là nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Năm 1969, ông vào bộ đội, chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên, tại Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10. Hiện thực cuộc chiến tranh ác liệt đi sâu vào tâm trí của chàng trai trẻ, để rồi, sau ngày hòa bình lập lại, nó trở thành nguồn cảm hứng chắp bút cho nhà văn viết nên những tác phẩm để đời như cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, truyện ngắn “Khắc dấu mạn thuyền”, “Gọi con”…

Từ một lát cắt rất gần gũi trong đời sống - những bức thư trong cái rương cũ của mẹ, truyện ngắn “Gọi con” đã để lại cho người đọc nhiều cảm xúc và suy ngẫm bởi nhà văn đã tạo nên được một tình huống truyện mang tính nhận thức sâu sắc.

1. Cái rương của mẹ

Đó là kỉ vật mà sau khi mẹ mất, Tân đã “miễn cưỡng chọn lấy” và “tha” từ Hà Nội về tận Sài Gòn. Thực tình là Tân cũng không thiết nhận nó, nhưng như chị Tân nói “Mẹ mất rồi, nhà của mẹ đã bán, mọi thứ trong nhà cứ để vất vưởng hết cả đó chẳng buồn bê đi một thứ gì, sẽ mang tiếng là hợm”. Ông anh lựa chiếc tivi, bà chị chở đi cái tủ lạnh, còn Tân chọn cái rương kê kề giường mẹ. Mặc dù nó “xoàng xĩnh” nhưng là vật đã từng theo Tân đi trọ học sơ tán suốt mấy năm cấp ba.

“Tha” được về nhà rồi, Tân lại “bỏ xó” ở buồng chứa đồ dưới tầng hầm. Một năm sau, chị người làm dọn dẹp, khuân nó lên, cho ra ngoài sân, “toan thải”. Đứa con gái lớn của Tân nói đùa “nom như cỗ áo quan”. Vợ Tân thì bảo “cái thứ này lạc vào biệt thự nhà mình chẳng khác gì một cái bát cóc gặm được tìm thấy trong dinh ông Thạch Sùng”.

Bỏ qua lời của vợ và con gái, Tân cho chị người làm lau sạch bụi bặm trên cái rương rồi tìm cách cạy cái khóa tí xíu đã mất chìa. Nắp rương mở ra, nhẹ hắt lên mùi băng phiến. Trong rương có cuốn sổ học bạ, sổ liên lạc, những bằng khen và chứng chỉ học sinh giỏi của chị em nhà Tân; có một cuốn an-bum khổ nhỏ kẹp rời rạc những tấm hình cỡ bằng con tem; một cuốn sổ gạo, một tệp phiếu vải, phiếu thực phẩm đã cắt gần trụi các ô; dăm lá thư của anh trai Tân từ Liên Xô, của chị gái Tân từ Đông Đức và của Tân từ Tiệp Khắc.

Dưới đáy rương có một xấp thư được gói kĩ trong giấy báo cũ, trên tất cả các phong bì, tên người nhận đều là Nghĩa - em trai của Tân, tất cả đều được gửi tới một số hiệu hòm thư duy nhất, tất cả đều là những lá thư do bưu điện huyện Lương Sơn kiên nhẫn gửi trả lại. Tất cả còn để nguyên chưa được bóc ra.

Truyện ngắn “Gọi con” đã có một cách mở đầu thật tự nhiên nhưng rất cuốn hút. Từ cái rương của mẹ, từ những bức thư dưới đáy rương, câu chuyện sẽ dẫn dắt người đọc giải mã những bí ẩn về mẹ, về người em được nhắc đến trong những bức thư.

Cái rương của mẹ được mở ra, cả bầu trời kí ức trong Tân dội về. Không vội mở xem lá thư đầu tiên, Tân “ngồi im ngẫm nghĩ” nhớ về mẹ, nhớ về cậu em và nhớ về tuổi trẻ của mình.

Tân từng đi du học ở Tiệp lúc mười bảy tuổi. Kí ức trước cái năm mười bảy tuổi trong Tân chỉ còn là bức ảnh úa vàng, chàng trai trong ảnh đứng một mình bên cây bàng trụi lá trước mặt tiền tiều tụy trong chung cư, “gương mặt sầu tẻ, gượng gạo mỉm cười - nụ cười như một cái bọt khí còn sót lại của quãng đời thanh thiếu, từ dưới đáy sâu của thời gian đã quên lãng, lạc lõng nổi lên”. Kí ức ấy bị ám ảnh bởi chiến tranh, sơ tán, nỗi sợ hãi - sợ bom đạn, khiếp hãi cảnh sống nghèo nàn, kham khổ, “không có gì đáng để nuối tiếc, mà nhớ nhung”.

Nhưng chính vì thấm thía cảnh sống ấy mà Tân quyết tâm “học và học, học thật giỏi, hạnh kiểm thật đẹp để xong lớp mười được đi nước ngoài như anh trai, như chị gái trong nhà”. Cũng bởi mải mê theo đuổi mong ước đó mà Tân đang dần lãng quên hình ảnh người em út của mình. “Có lần làm lí lịch tự khai, Tân đã quên không ghi Nghĩa vào”. Quen nói “ba chị em mình” nên dần dần trong tâm thức của Tân, của ông anh, bà chị, hình bóng người em út cứ “lẳng lặng phai mờ rồi tắt hẳn lúc nào không hay”. Có lúc, Tân thoảng chợt nhớ đến Nghĩa, nhưng anh gắng mường tượng lại gương mặt em mà không được.

Sang Tiệp tròn một năm, Tân nhận được thư của mẹ, báo tin Nghĩa vào bộ đội. Mẹ nói chuyện, Nghĩa nhận được giấy gọi vào Bách khoa trước giấy gọi nhập ngũ, nhưng nó nhất định không nghe theo lời bàn của cha mẹ. Mẹ cho Tân số hòm thư của Nghĩa và hối thúc anh viết thư gửi em ngay.

Từ cái rương của mẹ, dòng hồi ức của Tân về cậu em chỉ có thế. Kí ức ấy bị ám ảnh bởi chiến tranh và kham khổ, nhưng cách lựa chọn tương lai của Tân, anh trai, chị gái Tân không giống với Nghĩa. Phải chăng, vì thế mà kí ức của Tân về Nghĩa trở nên nhạt nhòa? Chuyện được kể ở ngôi thứ ba, từ điểm nhìn của một người con được học hành tử tế, đã thành đạt và giàu sang.

Chuyện kể của mẹ về người em không chọn con đường tương lai như các anh các chị bỗng làm cho suy nghĩ của Tân chùng lại. Giữa Tân, anh chị Tân và Nghĩa đã có một khoảng cách - về quan niệm sống, về lựa chọn cuộc sống bản thân. Dòng cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật từ đây bắt đầu hướng nội, mang tính tự nhận thức. Cách nhìn, cách phản ánh hiện thực về số phận con người trong chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh trong tình huống này vừa nhẹ nhàng nhưng vô cùng thâm trầm, sâu sắc.

Nhà văn Bảo Ninh.

Nhà văn Bảo Ninh.

2. Những bức thư của mẹ

Việc Nghĩa khăng khăng khước từ giấy gọi của Đại học Bách khoa đã khiến cho hai cha con xung khắc đến mãi tận hôm Nghĩa lên đường. Mẹ thì thương xót hết mực khi biết thằng con út sẽ không có được đường đời dễ dàng, êm ấm như các anh chị của nó. Viết thư cho Tân, mẹ nói thế. Mẹ còn kể là đã lên thăm Nghĩa ở trại luyện tân binh trên Bãi Nhai - Hòa Bình, thấy nó vất vả, gian khổ mẹ thương lắm.

Tình thương xót của mẹ với Nghĩa thấm trong từng lời dặn, từng câu chữ của lá thư: “Người ta bảo là ở rừng thì dù nhọc mệt thế nào cũng chớ có ngủ trưa, vì bị ngã nước đấy, con ạ. Hại sức lắm, mà mẹ thì ở xa chẳng lo được cho con… Mẹ lại thường hay nghĩ đến tính liều của con. Con ơi, có báo động dù chưa tiếng tàu bay vẫn phải tăng xê xuống ngay. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Thương mẹ, thương cha, con phải tự thương xót lấy mình, con nhé…

Chỗ quà này mẹ gói ra hai màu để con phân biệt. Gói bọc giấy xanh là kẹo bánh, thuốc lá thì con mời anh em bạn bè với cấp chỉ huy. Riêng thuốc lá, mẹ mong con hút ít. Nghe nói nơi các con đóng binh, người dân tộc nấu rượu sắn nhiều lắm, mẹ lo. Uống rượu, hút thuốc hỏng đời, con ạ. Còn trong gói đỏ là kim chỉ, đá lửa, pin, cặp ba lá, con phải cất kĩ. Các thứ ấy không vặt vãnh đâu, ở Hà Nội đã khó kiếm, trong Khu Bốn với bên Lào lại càng quý báu. Nặng thêm một chút nhưng con gắng mang. Phòng khi ốm đau cảm cúm, nhất là chẳng may mà sốt rét thì đem đổi lấy thịt thà, rau quả mà bồi dưỡng cho chóng lại. Mấy bà trong khối phố có con đi bộ đội trước con, họ bày kinh nghiệm cho mẹ như thế…”.

Những bức thư và gói quà mẹ nhắc đến được gửi lên Lương Sơn khi mà đơn vị của Nghĩa đã rời đi. Tất cả đều bị gửi ngược về hoàn trả. Thế nhưng, mẹ vẫn “nhẫn nại viết và nhẫn nại gửi” - gửi gấp, gửi “cầu may”, tới cái hòm thư đã hoàn phế, mong con trai mau biên thư về hoặc cho biết số hòm thư mới, để biết con đang ở đâu, sức khỏe thế nào. Nhưng theo dần năm tháng chiến tranh, thư của mẹ ngày một nhiều trang hơn, cũng ngày một buồn bã hơn. Gửi đi bao nhiêu, nhận lại bấy nhiêu, những lá thư của mẹ về sau chỉ như nhật kí, gửi cho chính mình. Những dòng chữ nắn nót, dòng nối dòng đều đều, miên man che giấu niềm vô vọng.

Nỗi đợi chờ khắc khoải ấy dần đi vào cả những giấc chiêm bao. Mẹ kể, đêm qua, mẹ nhìn thấy Nghĩa nhưng “chưa kịp gọi thì đã tỉnh, tỉnh dậy thì đã chẳng còn lại gì, chẳng nói được gì nữa cả, trong phòng tối đen, ngoài trời còi báo động hú vang”. Bức thư khác mẹ lại kể chuyện cha, cha chưa bao giờ thấy Nghĩa trong giấc ngủ nhưng lại hay thoáng thấy con trai út của mình ngoài phố. “Một lần, buổi tối, cha đưa về nhà một anh bộ đội trạc tuổi Nghĩa mà ông mới gặp ở ga Hàng Cỏ.

Nhác thấy anh ta giữa đám đông trước cửa ga, đang ngồi trên tàu điện, ông vội kêu người lái phanh gấp rồi lật đật xuống toa, lật đật chen tới chỗ anh ta, vừa chen vừa hớt hải gọi Nghĩa. Ông luôn nhầm như vậy”. Nhìn xa thì anh bộ đội nào cũng giống Nghĩa, nhìn gần thì chẳng nét hao hao nào nữa. Lần ấy, mẹ đổi hết phiếu thực phẩm cả tháng soạn bữa cơm thật tươm đãi anh bộ đội. Cha giữ anh ngủ lại, sáng hôm sau tiễn anh ra bến xe Kim Mã, xếp hàng mua vé cho anh rồi dắt anh lên tận chỗ ngồi trên xe. Anh lính trẻ ấy ý bị đạn tiện mất một bàn tay và bị mù cả hai con mắt.

Mẹ còn kể, có lần cha thấy Nghĩa ở một bức ảnh in trên báo Quân đội nhân dân chụp các chiến sĩ thông tin đang trong phiên trực tổng đài điện thoại, mẹ cũng muốn tin như thế. Nghe nói được ở trong binh chủng thông tin dù sao cũng đỡ hơn là ở bộ binh. Nhưng sáng hôm sau ngắm lại tấm hình, cha lại lắc đầu bảo rằng không phải. Và rồi cứ buồn thỉu đi suốt mấy tháng trời vì điều đó.

Câu chuyện của các bậc sinh thành có con ra chiến trường được kể bằng giọng điệu chậm, buồn, ngậm ngùi. Nỗi mong ngóng vô vọng của họ trong từng con chữ làm nhói lên trong tim người đọc niềm thương và cả nỗi đau.

Từ ngày Nghĩa đi Bê, cha mỗi năm mỗi yếu, sức lực lặng lẽ hao mòn. Rồi cái u nhỏ phát thành ung độc sưng lớn sau lưng, bệnh viện thiếu thuốc, thiếu giường, mẹ đưa cha về nhà, hai vợ chồng già bên nhau bất chấp máy bay Mỹ. Bị sự đau đớn hành hạ, cha rộc rạc, tiều tụy, uống thuốc vào nôn ra hết. Đến tuần cuối cùng, cha không ngủ vì muốn được thức trắng cho tới giờ nhắm mắt. Đêm cha ngồi bên bàn kề cửa sổ, ngả lưng vào ghế, nhè nhẹ nắm lấy tay mẹ, thì thầm gọi tên Nghĩa và mất lúc rạng mai.

Chiến tranh làm cả đất trời bùng cháy, thành phố đổ vỡ, hơi bom phá toang cửa kính. Bố mất rồi, mẹ vẫn không rời Hà Nội, đêm đêm yên lặng ngồi chỗ ngày trước cha vẫn thường ngồi. Vào một ngày tháng Chạp năm 72, mẹ viết lá thư kể cho con trai về cô bé Loan học cùng lớp ở tầng dưới, nay là cô quân y xinh đẹp, can đảm, vẫn thường chạy lên ngồi cùng mẹ bên cửa sổ, nhưng đến cuối thư, mẹ không kìm được lòng, lại thốt lên những câu hỏi xót xa:

“Mẹ biết chắc con còn sống, nhưng giờ đây con ở phương nào vậy con? Sao con lại có thể im lặng lâu như thế hở con? Không một bức thư, không một tin tức nhắn nhẹ nào cho mẹ, sao thế hả con, Nghĩa ơi?”. Tiếng gọi “Nghĩa ơi” ấy cũng là lời cuối của lá thư cuối cùng mẹ viết gửi người con trai út. Không còn lá thư nào viết vào những ngày sau đó nữa.

Những bức thư nơi đáy rương chồng chất biết bao nỗi niềm trong cõi lòng của mẹ, nhưng “tất cả những điều này mẹ chưa từng viết trong thư gửi ra nước ngoài cho Tân và các anh chị của Tân, và cũng không bao giờ kể ra lời”. Nhà văn không miêu tả cảm xúc của Tân, nhưng người đọc vẫn nhận ra một nỗi xót xa, day dứt của người kể trong cảnh huống này.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

3. Những ngày hòa bình của mẹ

Từ năm 1973, anh chị em Tân lần lượt đỗ đạt trở về, con trai, con gái, dâu rể của mẹ đều thành đạt, cháu của bà đều “khá”, đều ngoan ngoãn, giỏi giang, đều có “tương lai rất sáng”. Con của mẹ đều “thực sự một lòng hiếu thảo”. Về mặt vật chất, ba anh chị em Tân đều có mức sống cao hơn người ta, cả ba đều dư khả năng lo cho mẹ không thiếu thốn một thứ gì. Càng về sau lại càng có điều kiện chăm lo cho mẹ đầy đủ hơn. Anh chị Tân ở gần mẹ, còn Tân dù ở Sài Gòn nhưng vẫn thường xuyên ra thăm mẹ. Mẹ vẫn khỏe “chưa mắt mờ chân chậm, cũng chưa lẫn”.

Các con của mẹ - con trai, con gái, ai nấy nhà lầu, biệt thự, đều thiết tha được rước mẹ về ở cùng. Nhưng bà cụ dứt khoát không đi đâu khỏi cái tầng tư khu tập thể. Mẹ lúc nào cũng đăm chiêu ít lời, con cháu lựa lời hỏi xem có điều gì khiến mẹ không hài lòng thì mẹ lắc đầu rằng không. Các con mẹ càng “không hiểu”, khi trông mẹ “càng năm càng buồn bã hơn”.

Chỉ khi lật giở những lá thư nơi đáy rương của mẹ, Tân mới vỡ ra cái gốc của “vẻ đợi chờ âm thầm, rụt rè và vô vọng, lẳng lặng trên gương mặt mẹ suốt bao năm trời đến tận khi nhắm mắt xuôi tay”. Tân càng hiểu hơn khi “nỗi đau lòng mẹ”. Trong lòng người con, giờ đây “không khỏi đau đáu thắt trong lòng” khi biết được “nỗi thương tâm bất động của một người già” đã không làm ai phải để ý.

Câu chuyện được khép lại bởi sự vỡ òa cảm xúc của người con về mẹ khi bắt gặp những bức thư dưới đáy rương. Tình huống truyện độc đáo được nhà văn Bảo Ninh sáng tạo nên đã làm cho cốt truyện giàu tính bất ngờ.

Chiến tranh đã lùi xa, hiện thực chiến tranh trong sáng tác của văn học sau 1975 nói chung và của nhà văn Bảo Ninh nói riêng, không còn ầm vang súng đạn nhưng thương tích của nó thì vẫn mãi âm ỉ hiện diện trong cuộc sống con người. Nhưng ở ranh giới mong manh của sự sống, những giá trị bền vững của con người vẫn tồn tại, vẫn tỏa sáng, vẫn đem lại cho người đọc nhiều cảm xúc.

Trần Thị Thanh Nga (Trường THPT Nghèn - Can Lộc - Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-buc-thu-duoi-day-ruong-cua-me-post633785.html