Những bức thư vượt sóng

PTĐT - Những bức thư, tấm thiệp từ mọi miền đất nước đã vượt hàng trăm hải lý, hàng ngàn con sóng được trao tận tay cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở quần đảo Trường Sa không chỉ mang ý nghĩa thăm hỏi, động viên tinh thần đối với họ mà còn gửi gắm niềm tin, mang hơi ấm từ đất liền đến với những người lính bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương.

Thành viên CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương trao những bức thư, tấm thiệp đến tay các chiến sĩ trẻ.

Thành viên CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương trao những bức thư, tấm thiệp đến tay các chiến sĩ trẻ.

Với mong muốn mang tình cảm thân thương ra đảo xa, CLB “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” đã phát động phong trào viết thư, làm thiệp gửi tới cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa thu hút sự tham gia của nhiều học sinh, sinh viên từ tiểu học, THCS, THPT đến đại học. Trong hành trình đến với Trường Sa mới đây, những thành viên CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương đã mang hơn 4.000 lá thư, tấm thiệp từ mọi miền Tổ quốc, trong đó có rất nhiều bức thư đã được gửi đi từ Đất Tổ. Trường ĐH Hùng Vương đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương được sinh viên tích cực hưởng ứng. Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 6.000 bức thư của sinh viên nhà trường được gửi tới cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Nhiều bức thư của các cô giáo tương lai với những nét chữ đẹp, trang trí những hình vẽ nghệ thuật, ép thêm cánh hoa rất đẹp được các chiến sĩ nâng niu, trân trọng.

Bức thư gửi đến các bạn nhỏ ở xã đảo Sinh Tồn.

Bức thư gửi đến các bạn nhỏ ở xã đảo Sinh Tồn.

Là người trực tiếp mang những lá thư của các học sinh, sinh viên trao tận tay các chiến sĩ trên các đảo Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Núi Le, Tốc Tan… Bạn Nguyễn Gia Hân, thành viên CLB “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” chia sẻ: “Nhìn những chiến sĩ trẻ đọc thư của các bạn học sinh, sinh viên do mình trao tận tay, chúng em cảm thấy vui và hạnh phúc vì được là cầu nối tình cảm giữa đất liền với đảo xa. Trên mỗi lá thư CLB em mang ra đảo có địa chỉ cụ thể nên trước hải trình, các thành viên CLB phải phân loại cẩn thận để không bị nhầm địa chỉ bởi nếu nhầm thì phải rất lâu mới có thể gửi lại.Trong số những bức thư được trao tận tay cho các chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn, có bức thư của em Nguyễn Như Quỳnh gửi cho bố là Trung úy Nguyễn Anh Đức đang công tác tại đảo. Những lời tâm sự, động viên của cô con gái nhỏ khiến anh vơi bớt nỗi nhớ nhà và có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ như trong thư con gái viết. Trong lúc các chiến sĩ trẻ cùng nhau đọc thư của các bạn học sinh, sinh viên, anh Đức cũng tranh thủ viết thư trả lời cho con gái để gửi qua đoàn công tác như là món quà từ đảo xa gửi về đất liền. Tại đảo Tiên Nữ- nơi cực Đông của Tổ quốc, Đại úy Lê Văn Đoàn quê ở Nam Định cho biết: Không chỉ các chiến sĩ trẻ mong ngóng những lá thư từ đất liền mà những người có tuổi như chúng tôi cũng rất xúc động khi được đọc những lá thư chứa chan tình cảm, nhất là những lá thư của các cháu chạc tuổi con mình. Những lá thư đó như tiếp thêm động lực để chúng tôi công tác tốt, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.Cùng với những bức thư chứa chan tình cảm gửi cán bộ, chiến sĩ công tác ngoài đảo xa, nhiều học sinh tiểu học, THCS còn tự tay làm những tấm thiệp rất đẹp để gửi các bạn nhỏ đang sinh sống, học tập tại đảo. Nhận được những tấm thiệp với lời chúc hồn nhiên, ngây thơ của các bạn ở đất liền, bé Doãn Lữ Ái Nhi, lớp 3 Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn- học sinh lớn nhất trường đọc to cho các em nhỏ trong trường cùng nghe, mắt ánh lên niềm vui. Vượt qua ngàn trùng khơi còn có những bức thư, tấm thiệp được mang ra đảo đong đầy tình cảm yêu thương nồng ấm của những người mẹ nơi quê nhà gửi gắm niềm tin, muốn con trai hoàn thành tốt nhiệm vụ, là tình cảm của những cô con gái nhỏ gửi bố và cả của các bạn học sinh, sinh viên gửi đến những người chiến sĩ trẻ là sự kết nối tình cảm giữa đất liền với đảo xa, là hậu phương vững chắc giúp cán bộ, chiến sĩ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nguyên An

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/an-ninh-quoc-phong/bien-gioi-bien-dao/202005/nhung-buc-thu-vuot-song-170895