Những bức tranh của cô bé đặc biệt
Gặp cô gái Từ Thanh Thúy tại Triển lãm tranh dành cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em tại số 22/174 phố Mai Anh Tuấn, quận Đống Đa, Hà Nội, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngắm nhìn những bức tranh của Thúy và các em nhỏ, tôi thực sự bị cuốn hút và ấn tượng.
Khi em cười rất tươi rồi thốt lên: “Em là người tự kỷ chị ạ”, thì tôi bỗng thấy sự tự tin và sức mạnh nội lực ở cô gái đặc biệt này.
Những tháng ngày bơ vơ
Thúy có giọng nói nhẹ nhàng, dễ nghe của miệt Cần Thơ gạo trắng nước trong quê em. Nhưng chính mảnh đất này lại gắn với tuổi thơ nhiều nước mắt và tủi hờn của Thúy. Khi còn là một đứa bé đỏ hỏn 10 ngày tuổi, người mẹ trẻ bỏ Thúy lại giữa chợ quê. Tiếng khóc của đứa trẻ đáng thương đã vang lên từ những ngày tháng đầu tiên của cuộc đời đã bơ vơ, lạc lõng. Ông bà nội đưa Thúy về nuôi.
Nhưng, những câu nói đầy dè bỉu và khinh miệt của người xung quanh về mẹ, về chính bản thân em đã khiến đầu óc non nớt của Thúy bị tổn thương nặng nề. Hành vi và ngôn ngữ của đứa trẻ tên Thúy có những dấu hiệu bất thường nhưng không nhận được sự quan tâm và cảm thông.
Không ai cho Thúy đi khám bệnh, không ai tìm hiểu những gì đang diễn ra trong đầu của một con bé bị cho là dở dở ương ương như Thúy. Chỉ có những lời nói cay nghiệt và những trận đòn vô cớ trút xuống thân thể em. Chính điều này càng làm cho bệnh của em thêm nặng. Thúy lớn dần lên với vẻ ngoài lầm lì, sợ giao tiếp, sợ mọi thứ xung quanh nhưng bên trong tâm hồn là cả một sự hỗn độn ngổn ngang không thể chia sẻ cùng ai.
Thúy dần nhận ra những khác biệt của bản thân so với chúng bạn cùng trang lứa. Bị bạn bè chế giễu, kì thị, Thúy buồn và tủi thân, càng co mình lại. Nhưng Thúy không giải thích được vì sao mình lại bị như vậy, càng không biết làm thế nào để thoát khỏi tình trạng đó.
Điều duy nhất Thúy thấy hứng thú là những bài giảng trên lớp của các thầy cô giáo. Thúy hiểu được rằng mình cần phải học để có cuộc sống khác đi. Trong những tháng ngày tăm tối, Thúy vẫn hay nghĩ về mẹ như một điểm tựa tinh thần. Em luôn khao khát được gặp mẹ dù chỉ một lần. Đã không ít lần Thúy bỏ nhà đi lang thang tìm mẹ. Sau những lần ấy, mẹ mãi là hình bóng xa xôi nhưng những vết sẹo đòn roi thì in hằn trên khắp cơ thể em.
Cuộc sống bế tắc khiến Thúy phải bỏ nhà ra đi khi đang học dở cấp 3. Lang thang ở thành phố Hồ Chí Minh, em được nhận vào mái ấm tình thương. Ở đó một năm, Thúy tìm đường ra Đà Nẵng, tự kiếm sống và xin đi học trở lại ở trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố. Những ngày tháng đó, Thúy ban ngày đi học, ban đêm giúp việc ngoài cảng cá, ai nhờ gì làm nấy. Nhiều người tốt bụng thường cho em mỗi ngày vài cân cá để bán, đặng có tiền sống.
Cuộc sống cực nhọc nhưng điều vui nhất với Thúy là được tiếp tục việc học. Thúy yêu thích môn văn và địa lý. Năm lớp 12, Thúy được đi thi học sinh giỏi văn của thành phố Đà Nẵng và đạt giải cao. Bỏ qua những lời khinh miệt của bạn bè, Thúy quyết tâm thi đại học.
Thúy cứ tự mày mò trên hành trình sống, vừa lo kiếm tiền, vừa quyết tâm học hành, vừa đi tìm câu trả lời về bệnh tật. Em đã trải qua những đêm trắng khi không thể chìm vào giấc ngủ, những ngày bị stress nặng chỉ nghĩ đến cái chết, những sang chấn tâm lý nặng nề phải nằm viện dài ngày. Thúy tìm hiểu và biết mình bị tự kỷ, Thúy lý giải được sự khác biệt của mình - điều mà Thúy luôn hoài nghi trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Thúy mạnh mẽ chấp nhận điều đó, không thôi hy vọng vào những điều tốt đẹp.
Và hiện tại, cuộc đời Thúy đã sang trang mới, khi em đang là sinh viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam, chuyên ngành Giới và phát triển. Thúy đang có dự định học thêm chuyên ngành Tâm lý ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội - ngành mà Thúy muốn theo học từ lâu.
Thế giới đẹp đẽ và tươi xanh
Thúy bảo rằng em may mắn quen cô Phan Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em thông qua group những người có con tự kỷ trên mạng xã hội. Dù lúc đầu Thúy chưa ra Hà Nội nhưng những tin nhắn quan tâm, động viên của cô Hương đã nhanh chóng khiến hai cô cháu trở nên thân thiết. Chính cô Hương là người đã phân tích, định hướng cho Thúy ra Hà Nội thi đại học. Cũng chính cô là người tạo điều kiện cho em tham dự lớp vẽ của trẻ tự kỷ.
Thúy không nghĩ rằng có ngày mình lại được cầm cọ, được pha màu, được vẽ nên những điều mình nghĩ. Thúy càng không thể tưởng tượng rằng có ngày mình được sống chan hòa với những người có căn bệnh giống mình, dưới sự hướng dẫn tận tình của các cô giáo rất hiểu người tự kỷ. Thúy cảm thấy tự tin, an toàn và tràn đầy cảm xúc.
Không chỉ riêng Thúy mà tất cả thành viên lớp học vẽ của cô Hương đều đặc biệt. Các em đều bị tự kỷ theo các thể khác nhau, có em còn bị khuyết tật bẩm sinh. Cuộc sống của các em không diễn ra một cách thông thường như các bạn cùng trang lứa. Việc dạy vẽ cho những người tự kỷ khó khăn và cực nhọc vô cùng.
Những buổi đầu cả lớp hò hét, nô nghịch, màu vẽ vấy đầy lớp học. Em Hoàng Minh bị ám ảnh màu cam, cả buổi ngồi dốc lọ màu cam ra nghịch. Minh không nói được tiếng Việt, ai hỏi gì cũng hét lên chỉ một từ tiếng Anh “orange”. Em Quang Minh lại khác, em bị khuyết tật về mắt và tai, nhút nhát, ngại giao tiếp trước đám đông. Em thường nhìn một bức tranh và vẽ lại như một cái máy photocopy.
Những ngày ở lớp học vẽ, với Thúy và các em nhỏ tự kỷ không chỉ đơn thuần là vẽ, mà còn là giờ học phát âm tiếng Việt sao cho tròn vành rõ tiếng, là học kĩ năng sống, học về giao tiếp, cách biểu lộ cảm xúc cá nhân... Sự tiến bộ về mọi mặt ở lớp học này không thể tính bằng ngày, bằng tuần mà tính bằng tháng, bằng năm. Vậy mà cô Hương và các cô giáo dạy vẽ ở Trung tâm vẫn kiên trì, nhẫn nại trong cuộc hành trình gian nan vất vả.
Đến giờ, lớp vẽ đã tiến bộ rất nhiều. Thúy thấy mình tự tin hơn trong giao tiếp, biết chăm sóc bản thân và chăm lo cho các em trong lớp. Hoàng Minh không còn hét ầm ĩ chói tai và nói “orange” nữa mà nói được tiếng Việt. Quang Minh không còn sao chép một cách cứng nhắc mà vẽ những điều em tưởng tượng. Và còn nhiều em trong lớp học đều tiến bộ về mọi mặt. Thúy và các em khi đã quen với hội họa thì đều mê mẩn, thích thú và rất tập trung khi vẽ.
Những ngày này, Thúy và các em nhỏ đã làm được những điều đặc biệt, đó là vẽ nên những bức tranh của riêng mình. Những sản phẩm hội họa ấy đang được đông đảo công chúng biết đến trong triển lãm tranh “Khác biệt nhưng đặc biệt” - món quà ngọt ngào dành tặng cô Hương và các cô giáo ở Trung tâm.
Nhiều khách tham quan đến triển lãm trầm trồ trước bảng pha màu thành thục của Hoàng Minh, trước bức tranh vẽ thầy giáo cũ với những gam màu xanh lạ lẫm, đẹp mắt của Quang Minh và cả những bức tranh vẽ hoa dịu nhẹ và lãng mạn của Thúy. Thế giới tranh của Thúy trong trẻo và tươi xanh với những cánh đồng hoa, hàng cây đổ bóng, hay một ô cửa gỗ phủ đầy hoa lá...
Điều đó nói lên rằng, trẻ tự kỷ có thể trở thành những họa sĩ tài năng, những người thợ lành nghề bằng chính khả năng của mình. Vì vậy, những tài năng, những thiên hướng đặc biệt đó cần được nhìn nhận, hỗ trợ để sẽ giúp các em thành công theo cách riêng của mình.
Cô bé tóc mây
“Hôm nay, đi dự buổi thảo luận về khám chữa bệnh tâm lý, có người gọi mình là cô bé tóc mây. Lâu lắm mới thấy xuất hiện biệt danh này, thấy vui và thú vị. Định sẽ cắt tóc ngắn nhưng vì câu này mà quyết tâm giữ lại mái tóc mây...” - Thúy đã viết những dòng như thế, mới đây, khi em vui hơn và suy nghĩ tích cực hơn; khi em được trải nghiệm cuộc sống sinh viên và được làm họa sĩ vào dịp cuối tuần ở lớp vẽ.
Với Thúy, cô Hương vừa là bạn, vừa là mẹ, vừa là chuyên gia tư vấn tin cậy đã giúp đỡ và nâng đỡ em. Cô Hương miễn toàn bộ học phí và học phẩm cho Thúy, không những thế, mỗi tháng còn hỗ trợ một khoản tiền để em yên tâm học tập. Thúy cố gắng học tốt và say mê vẽ cũng là nhờ cô Hương, cũng là vì cô Hương.
Giờ đây, Thúy đang tự mình thay đổi để cuộc sống của em trở nên ý nghĩa, hữu ích hơn. Bởi như cô Hương từng khuyên nhủ, hãy để quá khứ đau buồn ngủ yên, hãy sống vì hiện tại và hướng đến tương lai. Bởi vậy, Thúy không còn thấy tự ti về căn bệnh tự kỷ của mình nữa. Thúy điềm nhiên khi nói về bệnh tật, để chia sẻ, để động viên rất nhiều người cùng cảnh ngộ.
Thúy tham gia các hoạt động thiện nguyện, làm sách xúc giác cho trẻ khiếm thị, tham gia dự án nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về tự kỷ, tham gia hoạt động trong Tổ chức UN Women thuộc Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam về định kiến giới và xâm hại tình dục.... Có lúc Thúy cũng tập tành viết lách, khơi gợi những cảm xúc tích cực chảy tràn trên trang viết; có lúc hứng thú với những nốt nhạc, tự mày mò học đàn tranh và piano,...
Từng một mình trải qua những cảnh huống dở khóc dở cười của một cô gái mới lớn không có ba mẹ ở bên chỉ dạy, từng bị căng thẳng khi cố gồng mình hòa nhập cộng đồng, giờ đây Thúy đã có thể chăm sóc tốt bản thân, cười nhiều hơn, kĩ năng giao tiếp tốt hơn. Thúy cũng điệu đà con gái, cũng thoa một chút son hồng và cài nơ trên mái tóc mây... Có lẽ, Thúy sẽ làm nên nhiều điều ý nghĩa cho bản thân và cho cộng đồng từ chính những điều khác biệt của em.
“Theo một số nghiên cứu khoa học, khoảng 25% trẻ tự kỷ có khả năng đặc biệt, trong đó có khả năng về nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vì quá lo lắng nên không biết cách để tìm ra phương pháp hỗ trợ phù hợp giúp các em phát huy tài năng của mình. Chính vì vậy, các em còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như trong quá trình định hướng nghề nghiệp của bản thân trong tương lai.
Hãy chú ý và tìm ra thiên hướng của trẻ tự kỷ ở độ tuổi lên 10. Hãy tìm hiểu sự khác biệt của các em và đồng hành cùng các em trên con đường tạo nên những điều đặc biệt - những điều mà người không bị tự kỷ khó có thể làm được. Khi đó, những đứa trẻ tự kỷ sẽ có cơ hội để thành công theo cách riêng của mình, tạo giá trị cho bản thân và xã hội”, chị Phan Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em cho biết.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nhung-buc-tranh-cua-co-be-dac-biet-567514/