Những bức tranh rêu của một Gen Z

Bằng bàn tay tỉ mỉ và khối óc sáng tạo, chàng trai thuộc thế hệ Gen Z Hoàng Tuấn Anh (sinh năm 1997) đã tạo nên những bức tranh từ thân rêu xanh vô cùng độc đáo, đưa người xem như chìm đắm vào trong một hệ sinh thái riêng biệt. Mà ở đó, từ mỗi góc độ, người xem nhìn vào sẽ tạo ra những trải nghiệm khác nhau.

Bước vào cửa hàng nhỏ khoảng 20m2 ở Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội), người xem như bị hút vào hàng chục bức tranh làm từ rêu lớn, nhỏ được trưng bày. Điều đặc biệt, không có bức tranh nào trùng lặp với nhau về hình khối cũng như kiểu dáng.

Sự sáng tạo bất tận

Chìm đắm vào trong không gian này, nhiều người cho rằng đang được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo thu nhỏ của bãi biển Cổ Thạch - nơi được thiên nhiên ban tặng khoác lên mình tấm áo rêu đẹp lạ kỳ, số khác thì tưởng tượng mình đang lạc vào một cánh rừng nguyên sinh nào đó, đơn giản hơn chỉ là đứng trước những cánh đồng trải dài… Bởi điểm chung của tất cả những bức tranh từ rêu ở đây đa phần đều lấy ý tưởng từ hệ sinh thái, từ những bờ rừng nguyên sinh hay từ những cánh đồng ở ngoài tự nhiên.

 Tuấn Anh tỉ mỉ làm bức tranh từ bảo tồn kết hợp đặt trầm hương.

Tuấn Anh tỉ mỉ làm bức tranh từ bảo tồn kết hợp đặt trầm hương.

Trong góc nhỏ căn phòng, Tuấn Anh đang say sưa với tác phẩm mới nhất của mình. Bức tranh lần này vẫn một ý tưởng mô phỏng hệ sinh thái, nhưng điều khác biệt ở chỗ, trên bức tranh được sắp xếp các mảnh gỗ được chạy dọc theo những con đường, mà theo ý tưởng của tác giả, những vị trí này sẽ dùng để đặt trầm hương. Mỗi khi đốt trầm, làn khói sẽ bung tỏa ra chảy xuống giống như thác nước. Đây là bức tranh bằng rêu bảo tồn mang tính nghệ thuật cao, tạo cảm giác ấm áp cho cả căn phòng, khác hẳn những bức tranh trước đó.

“Thế giới của rêu rất là phong phú. Nó không chỉ là lớp rêu mà mình hay thấy ở ngoài bờ tường, trên sân thượng, mà nó rộng hơn rất là nhiều so với mọi người đang tưởng tượng”, Tuấn Anh nói.

Được biết, rêu mà Tuấn Anh sử dụng để ghép tranh và những vật dụng trang trí khác là rêu bảo tồn. Nghĩa là lớp rêu sống đã được xử lý để làm ngưng đọng các tế bào thực vật khiến rêu giữ được hình dạng, màu sắc, và độ đàn hồi như rêu sống. Chúng cũng không bị phân hủy trong điều kiện thường.

Những bước để có thể làm ra được các lớp rêu bảo tồn đó bao gồm vệ sinh các lớp rêu, loại bỏ cặn bẩn như đất, cát hay một số cọng lá. Sau khi các lớp rêu đã trở nên sạch sẽ và đẹp sẽ được sử dụng những chất chiết xuất từ tự nhiên dưỡng cũng như làm ngưng đọng các tế bào ở trong các lớp rêu để chúng đi vào trạng thái bảo tồn.

Trong đó, công đoạn phơi rêu là giai đoạn khó nhất. Công đoạn này mất khoảng 5-7 ngày trong điều kiện thời tiết có nắng và hanh khô, và nếu gặp ngày nồm ẩm, rêu chưa tới độ thì buộc phải bỏ đi. Rêu bảo tồn đạt chất lượng phải sạch, đẹp có màu sắc tự nhiên, độ bồng bềnh nhất định và sau đó được sử dụng để ghép thành tranh, vật trang trí hay theo ý thích của người làm. Những mảng rêu xanh đậm nhạt cao thấp được khéo léo sắp xếp đan xen với nhau tạo nên một bức tranh.

“Đa phần những khối rêu, lớp rêu có những độ bồng bềnh và độ cao thấp khác nhau cho nên mình phải hiểu được những lớp rêu, phải hiểu các dòng rêu mình đang sử dụng. Sau đó phải suy nghĩ tạo khối sao cho phù hợp, để xây dựng nên khối rêu vừa đẹp vừa bắt mắt nhưng tính hợp lý vẫn phải có trong các tác phẩm”, tác giả thuộc Gen Z này cho biết.

Hướng tới xu hướng xanh

Nói về hành trình đến với môn nghệ thuật này, Tuấn Anh chia sẻ, do công việc cũ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, thời gian đó anh đã tìm hiểu một số môn nghệ thuật để thư giãn. Ban đầu chỉ là chơi cây cảnh, rồi cảm thấy thích thú và gắn bó. Dần dần đi sâu, Tuấn Anh đã tìm ra bộ môn chơi rêu nghệ thuật.

Tuy nhiên, đây là loại hình mới ít tài liệu và kén người chơi nên anh phải tham gia vào hội nhóm nước ngoài, quốc tế để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Ban đầu chưa biết cách sử dụng rêu sống và cách tính toán liều lượng bảo tồn, quá trình phơi chưa đạt chuẩn khiến anh liên tục gặp thất bại. Trải qua những lần thất bại và trải nghiệm, anh dần dần đúc rút ra những kinh nghiệm, từ đó đưa vào những tác phẩm của mình. Đến tháng 6/2022, sau 2 năm nghiên cứu, anh đã tạo ra sản phẩm đạt chuẩn, trình làng những tác phẩm từ rêu bảo tồn theo phong cách thuật hình tối và tối giản.

Lớp rêu sống đã được xử lý để làm ngưng đọng các tế bào thực vật khiến rêu giữ được hình dạng, màu sắc, và độ đàn hồi như rêu sống để trở thành rêu bảo tồn dùng để ghép tranh và những vật dụng trang trí khác.

Lớp rêu sống đã được xử lý để làm ngưng đọng các tế bào thực vật khiến rêu giữ được hình dạng, màu sắc, và độ đàn hồi như rêu sống để trở thành rêu bảo tồn dùng để ghép tranh và những vật dụng trang trí khác.

Theo tìm hiểu, từ ngàn năm trước, các thiền sư người Nhật đã trồng rêu lên các bức tường và trong vườn ngôi đền của họ để tạo cảm giác yên bình và phóng khoáng. Nhiều người thậm chí coi rêu là một yếu tố quan trọng giúp kết nối với thiên nhiên và là “người trợ giúp” cho việc thiền định.

Ngày nay, rêu cũng có tác dụng tương tự là có thể giúp con người thoát khỏi những căng thẳng cuộc sống hàng ngày và thư giãn. Cho nên, tường rêu đang là xu hướng được nhiều người ưa chuộng để “xanh hóa” ngôi nhà của mình. Có thể nói, xu hướng sống xanh đang dần trở thành một xu thế lớn.

Tại Việt Nam, thú chơi rêu xuất hiện khoảng hơn chục năm nay. Rêu thường trồng kết hợp với cây bonsai, thủy sinh, terarium (hệ sinh thái thực vật thu nhỏ trong bình thủy tinh) là rêu sống, nhưng để biến rêu thành nghệ thuật riêng lẻ bằng rêu bảo tồn thì hiếm người làm.

Cũng chính vì những lý do đó, dù trải qua nhiều khó khăn thất bại nhưng Tuấn Anh vẫn kiên trì với bộ môn độc đáo này, bởi anh nhận thấy sản phẩm từ rêu mang lại cho người xem cảm giác thư thái và đến gần thiên nhiên hơn., vì "Bạn hãy thử tưởng tượng xem, sau một ngày làm việc vất vả, chạy theo những bộn bề cuộc sống, và khi trở về nhà được đắm chìm trong hệ sinh thái riêng của chính mình. Thật là tuyệt!".

“Từ trước đến nay, rêu được sử dụng phụ trong các tác phẩm bị các thực vật khác lấn át nên tôi muốn phát triển ngành rêu nghệ thuật, đặc biệt là rêu bảo tồn, phục vụ những người muốn chơi nhưng không có thời gian chăm sóc”, Tuấn Anh nói.

Biến đam mê thành giá trị kinh tế cao

Không chỉ thỏa mãn niềm đam mê cho riêng mình, Tuấn Anh còn biến những đam mê đó tạo thành giá trị kinh tế cao.

Ngoài việc làm tranh, bể sinh thái, rêu còn có thể áp dụng rộng hơn trong việc trang trí nội thất, nhà cửa hay nhiều ứng dụng làm đẹp khác.

Sản phẩm hệ sinh thái thực vật khép kín "The wardien case (u)" mô phỏng khung cảnh một góc của khu rừng nhiệt đới.

Sản phẩm hệ sinh thái thực vật khép kín "The wardien case (u)" mô phỏng khung cảnh một góc của khu rừng nhiệt đới.

Những bức tranh hòn non bộ cùng những vật phẩm làm từ rêu bảo tồn có thể trưng bày ở bàn làm việc, treo trường. Khách hàng có thể yêu cầu thiết kế riêng với những bức tường rêu, căn phòng rêu theo đúng sở thích của mình. Khác với những thực vật có tỷ lệ sống phụ thuộc vào cách chăm sóc, tranh rêu bảo tồn có độ bền từ 10 năm đến vài chục năm.

Mỗi tác phẩm làm từ rêu bảo tồn được thực hiện trong khoảng thời gian từ 10 – 15 ngày, thậm chí kéo dài cả tháng, có giá bán từ 1 triệu đến vài triệu, chục triệu đồng một bức, tùy vào kích thước cũng như độ phức tạp.

“Mặc dù bộ môn này rất mới ở Việt Nam, nhưng tốc độ tiêu thụ khá ổn. Bên cạnh các đơn hàng ổn định từ các sản phẩm từ terarium, cửa hàng đã cung cấp hơn 30 tác phẩm từ tranh rêu bảo tồn ra thị trường. Ngay từ giữa tháng 12, lượng đơn đặt tranh để biếu tặng ngày tết, trang trí nhà cửa, cửa hàng… đã kín”, Tuấn Anh thông tin.

Hiện tại, ngoài cửa hàng chính ở Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội), Tuấn Anh đang kinh doanh trên cả hai kênh Facebook và Instagram. Sang năm 2023, anh sẽ tiếp tục tập trung phát triển tranh rêu bảo tồn, đặc biệt là workshop (trải nghiệm nghệ thuật trồng cây sinh thái) và giáo dục (education).

Theo Tuấn Anh, để có thể phát triển môn nghệ thuật này, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền và mở rộng kiến thức đến nhiều người. Khi mọi người thực sự hiểu thì sẽ muốn mua tranh để trải nghiệm.

“Trong tương lai, mọi người có thể thấy rêu ở trong những hình thái khác nhau và tôi tin rằng đây không chỉ là một loại hình nghệ thuật mới, tranh rêu hứa hẹn sẽ tạo ra xu hướng trong tương lai, một ngành nghề mới cho các bạn trẻ yêu thiên nhiên và muốn gắn bó với công việc này”, Tuấn Anh chia sẻ.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoi-nghiep/nhung-buc-tranh-reu-cua-mot-gen-z-1090059.html