Những bức tranh từ gạo và mô hình xe từ phế liệu

Từ hạt gạo, ông Đỗ Văn Chí (56 tuổi, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) đã sáng tạo nên những bức tranh, ông còn thu nhặt phế liệu để làm xe đạp, xe máy, các mô hình áp dụng vật lý mang đến trải nghiệm thú vị cho học sinh mỗi khi đến nhà ông.

Những hạt gạo quê chỉ có một màu trắng ngà, ông Đỗ Văn Chí (56 tuổi, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) đã chế biến thành nhiều màu để sáng tạo nên các bức tranh đầy ý nghĩa.

Trên tường nhà của ông Chí có đủ kích cỡ các loại tranh lớn nhỏ, hình ảnh hoa sen, cầu Cổ Lũy, thuyền, hay những con trâu trên dòng sông Trà Khúc... Tất cả bức tranh đều được làm từ gạo với màu chủ đạo là vàng, đà, đỏ đậm, đen, trắng.

Ông Chí cho biết: “Để những hạt gạo đơn thuần có màu sắc, tôi đã rang gạo ở độ lửa và thời gian rang khác nhau, gạo từ trắng chuyển sang vàng, nếu rang lâu hơn thì màu đậm hơn”.

Theo ông Chí, rang gạo không chỉ tạo màu tự nhiên mà còn làm hạt gạo khô hoàn toàn, chắc hạt, gạo không còn hơi nước, khi làm tranh dù để lâu thì hạt gạo cũng không bị mốc, không hỏng tranh, nhờ đó, mỗi bức tranh gạo có thể lưu giữ đến hơn 10 năm.

Con trâu trên đồng lúa chín từ các hạt gạo sắp xếp lại. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Con trâu trên đồng lúa chín từ các hạt gạo sắp xếp lại. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Những hạt gạo sắp xếp nổi lên trên để có thể chạm tay cảm nhận. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Những hạt gạo sắp xếp nổi lên trên để có thể chạm tay cảm nhận. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông nói: “Rất nhiều người đến học hỏi cách làm tranh từ gạo của ông, tận mắt thấy công việc làm tranh gạo tốn thời gian nhưng ít ai kiên nhẫn ngồi xếp hạt gạo lắm!”. Từ tác phẩm tranh gạo, ông Chí có hẳn nhiều bộ sưu tập, ông treo khắp trong căn nhà nhỏ ở phòng khách như niềm vui trong cuộc đời.

Không chỉ đam mê tranh gạo, ông còn là người giỏi tái chế phế liệu thành xe đạp, xe máy, mô hình vật lý để học sinh đến nhà ông trải nghiệm. Trong nhà của ông có những chiếc xe đạp tự chế, xe máy từ các vật liệu tái chế.

Đây là mô hình xe đạp từ gỗ phế liệu di chuyển nhờ bánh xe lớn và 6 bánh xe nhỏ phía sau. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Đây là mô hình xe đạp từ gỗ phế liệu di chuyển nhờ bánh xe lớn và 6 bánh xe nhỏ phía sau. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Chí cũng mua những phụ tùng cũ của xe đạp, xe máy để về nhà ráp thành chiếc xe đạp, xe máy mới. Ông đã chế tạo hơn 15 chiếc xe đạp, xe máy với kiểu dáng mới lạ theo ý tưởng của riêng ông, chẳng hạn chiếc xe đạp có tay lái ở phía sau ghế ngồi, tăm xe bằng nhựa, xe đạp có 3 bánh thẳng tắp, những chiếc xe máy kiểu dáng rất “đời cũ”.

Những chiếc xe đạp do ông tự lắp ráp từ phế liệu. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Những chiếc xe đạp do ông tự lắp ráp từ phế liệu. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Những mô hình đơn giản cho học sinh mầm non được ông Chí làm. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Những mô hình đơn giản cho học sinh mầm non được ông Chí làm. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông còn làm các mô hình áp dụng vật lý, học sinh thường đến nhà ông tham khảo, như cây đàn piano bằng gỗ, đồng hồ treo tường bằng gỗ, mô hình cầu vượt, mô hình chuyển động thang máy, mô hình áp dụng trọng lực, lực hút nam châm…

Góc trưng bày một số đồ dùng học tập tự chế từ gỗ phế liệu. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Góc trưng bày một số đồ dùng học tập tự chế từ gỗ phế liệu. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông nói: “Tôi thấy các em học trên sách vở, trên bảng thì nhiều nhưng kiến thức thực tế để các em sờ được, nhìn thấy, tìm hiểu thì không có nên tôi đã sáng tạo ra để các em đến chơi nhà có thể học hỏi hoặc tự làm”.

Với ông Chí, dù không theo nghề dạy học nhưng ông đam mê với chế tạo và áp dụng những kiến thức sách vở để làm đồ dùng trực quan, truyền lửa sáng tạo cho học sinh.

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-buc-tranh-tu-gao-va-mo-hinh-xe-tu-phe-lieu-post681078.html