Những bức vẽ từ trái tim

'Không ai phân công tôi đi vẽ chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng, đó là mệnh lệnh từ trái tim' - họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ trong triển lãm mới nhất của bà tại Hà Nội, 'Tâm họa tri ân' trưng bày chân dung 63 Mẹ Việt Nam anh hùng, từ 63 tỉnh, thành. Ròng rã 14 năm, bà chạy đua với thời gian trên chiếc xe máy cũ kỹ, để kịp vẽ lại hơn 3.000 chân dung các mẹ. Hành trình đó, chỉ có thể lý giải bằng hai chữ 'Tình yêu'.

Gia tài 14 năm

Mười năm trước, tôi đã gặp bà, trong hành trình ra Hà Nội vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng. Lúc đó họa sĩ Đặng Ái Việt còn đi chiếc Chaly trắng, chất đầy hành trang của một chuyến đi. Và bây giờ, sau 10 năm, vẫn giọng nói sang sảng, vẫn trái tim nhiệt thành ấy, bà đã đi được một chặng dài trên hành trình của mình với hơn 3.000 chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng, đã được số hóa và có đầy đủ thông tin về các mẹ. Thời gian dâu bể, đổi thay, chỉ có tình yêu và "mệnh lệnh từ trái tim" của người nghệ sĩ già ấy chưa bao giờ thay đổi.

Cuộc hành trình hơn 14 năm, kể từ ngày đầu tiên 19/2/2010 đã đưa nữ họa sĩ ở tuổi gần 80 đến 63 tỉnh thành, vẽ được hơn 3.000 bức chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng. Đó chính là thành quả của sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và đáng kính nể của họa sĩ Đặng Ái Việt, người phụ nữ đã ở gần độ tuổi xưa nay hiếm.

Hành trình của họa sĩ Đặng Ái Việt không quản ngại khó khăn.

Hành trình của họa sĩ Đặng Ái Việt không quản ngại khó khăn.

"Tâm họa tri ân" là sự kiện lần thứ 3 được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam về tranh ký họa Mẹ Việt Nam anh hùng của họa sĩ Đặng Ái Việt. Đó là sự khắc họa, dẫu chưa đầy đủ và trọn vẹn nhưng vô vàn cảm xúc về một hành trình kiên trì, bền bỉ, nhiều kỷ niệm của nữ họa sĩ Đặng Ái Việt trong hơn một thập niên qua để ký họa chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng.

"Hành trình vẽ chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng của tôi luôn hối hả. Mỗi hành trình là một chiến dịch, đó là cuộc chạy đua nghiệt ngã với thời gian. Bởi tôi sợ các mẹ sẽ ra đi hoặc sức khỏe tôi đến lúc không cho phép", bà xúc động nói.

Trên chiếc Chaly và bây giờ là Cup 50, họa sĩ Đặng Ái Việt đã đến từng thôn xóm, từng làng quê, nơi có Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Bà đi với tinh thần "tự cung, tự cấp" không nhận bất cứ sự hỗ trợ nào. Nhiều mẹ nghèo, khổ quá, bà còn rút tiền túi biếu các mẹ. Chiếc xe đồng hành cùng bà trên dặm đường thiên lý có cả nồi cơm điện, gạo và những đồ nghề cần thiết.

"Không ai phân công tôi đi vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng, đó là mệnh lệnh từ trái tim. Động lực để tôi có thể đi vẽ ở tuổi này đó là tình yêu. Hành trình đi đến với các mẹ là hành trình đến với tình yêu cuộc sống. Khi đã yêu cái gì, con người ta có thể vượt qua tất cả trở ngại để có thể đến được nơi cần đến…", họa sĩ Đặng Ái Việt tâm sự.

Nỗi đau nào cũng xót xa

Bà nói, mỗi Mẹ Việt Nam anh hùng là một câu chuyện xúc động mà bây giờ sau hành trình 14 năm, bà vẫn nhớ từng câu chuyện, từng nỗi đau ấy. Theo bà, mỗi Mẹ có một nỗi đau, mỗi mẹ đều để lại những câu chuyện buồn bởi trên đời này, không bà mẹ nào muốn mình trở thành bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Sự hy sinh ấy là vì nền độc lập, tự do của đất nước.

Đó là Mẹ Đức ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một huyện có nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện còn 5 mẹ còn sống. "Mẹ Đức có 2 người con hy sinh, 1 người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, còn 1 người con hy sinh trong thời bình, khi đang làm nhiệm vụ. Mẹ có một câu nói làm tôi quặn đau: "Giờ mẹ có cuộc sống đủ đầy hết rồi, mẹ không thiếu gì, mẹ chỉ muốn đem hài cốt con mẹ từ Tây Ninh về nhưng không tìm được". Mẹ năm nay đã ngoài 90 tuổi rồi, tai nghe đã khó, mắt đã mờ…. Còn mẹ Lê Thị Dày, có 2 người con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, nỗi đau quá lớn, mẹ tìm đến cửa Phật. Bây giờ mẹ đang trụ trì ở một ngôi chùa ở Miền Nam… Tôi đã khóc vì thấy công sức của mình quá nhỏ bé trước tượng đài sừng sững, hiên ngang của các mẹ.

Lần đến gặp mẹ Nguyễn Thị Nghí ở Yên Bái, mẹ bị ốm, hơi thở khó nhọc. Mẹ có 3 người con liệt sĩ. Thấy mẹ mệt, tôi quyết định thôi vẽ nhưng mẹ cứ bảo là hãy vẽ, mẹ sẽ cố gắng ngồi và tôi đã vẽ trong nước mắt. Đến vẽ mẹ Bùi Thị Dậy ở Quảng Ngãi cũng vậy, tôi nghẹn ngào khi thấy mẹ đang ngồi bán khoai lang ở một ngôi chợ nhỏ. Còn mẹ Trần Thị Thảo ở ấp Song Bình, Bến Tre, có 3 người con đều hy sinh trong chiến trường, trong một năm 1973, cách nhau một tuần lễ, mẹ nhận được tin các anh hy sinh, mỗi lần nhận được giấy báo tử mẹ lại ngất xỉu, có nỗi đau nào lớn hơn" - họa sĩ kể lại trong niềm xúc động.

Họa sĩ Đặng Ái Việt nói, bà nhận được nhiều yêu thương từ các mẹ. Những người phụ nữ xa lạ, từ nhiều vùng quê, đều trở thành mẹ của họa sĩ, trong sự kính trọng, chia sẻ và yêu thương. Bà nhớ lại, "Tôi đến nhà mẹ Tịnh đã 10h, 11h30 thì vẽ xong. Mẹ khen, đẹp tuyệt vời. Đẹp hơn cả ảnh chụp. Giống lắm. Ăn trưa cùng mẹ. Không biết gạo gì mà ngon lắm. Lúc chia tay, hôn mẹ thật sâu, không biết chừng nào mới gặp lại mẹ".

Họa sĩ Đặng Ái Việt cùng các em thiếu nhi xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, ngày 1/12/2023.

Họa sĩ Đặng Ái Việt cùng các em thiếu nhi xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, ngày 1/12/2023.

Mẹ Nhẹ ở Thanh Hóa bà vẽ từ năm 2010, lúc đó mẹ 94 tuổi, đẹp dịu dàng, đôi mắt xa xăm. "Ôm đôi vai gầy của mẹ mới thấy sự tàn phá của thời gian, những nếp gấp chồng chéo, đan như lưới lên cơ thể đời người. Bữa đó tôi ngủ cạnh mẹ, thấy mẹ như đang thút thít, có lẽ, lâu lắm rồi, mẹ cô đơn một bóng, không ai nằm kề bên".

Và rất nhiều câu chuyện xúc động như thế, được họa sĩ Đặng Ái Việt kể lại sống động bằng những chân dung, những câu chuyện. Các mẹ sẽ ra đi cùng với thời gian, những ký họa chân dung vô giá ấy sẽ còn mãi, nhắc thế hệ hôm nay nhớ về sự hy sinh thầm lặng của các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Đặc biệt trong triển lãm, những kỷ vật của họa sĩ được trưng bày gắn với nhiều câu chuyện cảm động khi bà đến với mỗi mẹ; xe máy Cup 50 - người bạn đồng hành cùng họa sĩ; những hiện vật đời thường dung dị như ca đun nước, ca uống nước, ruột tượng dùng đựng gạo mà bà sử dụng trong suốt cuộc hành trình của mình.

Họa sĩ Đặng Ái Việt trao tặng hơn 3.000 chân dung cho các bảo tàng, trong đó, phần lớn tác phẩm của bà được trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để lưu giữ và trưng bày. Và tất cả chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng cũng đã được số hóa trên trang web "Chandungme.vn".

"Tôi sẽ tiếp tục vẽ chân dung các mẹ đến khi tôi không còn vẽ được nữa. Tôi sẽ vẽ khi trái tim còn đập trong lồng ngực". Người họa sĩ già lặng lẽ lau nước mắt. Xong triển lãm này, bà lại tiếp tục lên đường. Vẫn còn những bà Mẹ Việt Nam còn sống ở khắp mọi miền đất nước thì lúc đó, hành trình của bà chưa dừng lại.

Họa sĩ Đặng Ái Việt (Đặng Thị Bông) sinh ngày 16/11/1948, quê xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Từ tháng 2/2010 đến nay, bà đã thực hiện hơn 3.000 công trình mỹ thuật ký họa chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên khắp cả nước. Năm 2010, 2011 và 2014, họa sĩ Đặng Ái Việt lần lượt được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam và Sách kỷ lục châu Á xác nhận là người phụ nữ đầu tiên sử dụng xe Chaly đi khắp 63 tỉnh, thành phố ký họa chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng và là người vẽ chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất. Bạn đời của bà là cố đạo diễn, NSND Phạm Khắc. Bà là một trong 5 gương mặt phụ nữ xuất sắc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Linh Nguyễn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhung-buc-ve-tu-trai-tim-i739194/